Vỡ mộng trúng 1 phát trăm tỷ đổi đời, Vietlott giảm dần độ hot
Sau khi lên 'cơn sốt' với nhiều người tham gia mua và trúng thưởng, xổ số Vietlott bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Nhiều đại lý tỏ ra chán nản khi hiệu quả kinh doanh liên tục sụt giảm.
Qua thời hoàng kim
Ngay khi ra mắt tháng 7/2016, Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) thực sự tạo nên một cơn sốt với loại hình xổ số mới. Giá trị giải đặc biệt khởi điểm lên đến hàng chục tỷ đồng, và cộng dồn nếu không có người trúng.
Những “đại gia” xổ số Vietlott lần lượt trình làng với những giải thưởng "cực khủng" càng kích thích sự hứng thú của khách hàng.
Vậy nên, Vietlott đã có kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng. Ra đời nửa cuối năm 2016, nhưng doanh thu có thuế từ xổ số tự chọn số điện toán của Vietlott trong năm này đã lên đến 1.597 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn hơn 100 tỷ đồng.
Sang năm 2017, doanh thu của Vietlott tăng lên hơn 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 272 tỷ đồng.
Đến năm 2018, tăng trưởng doanh thu của Vietlott có dấu hiệu đi ngang khi chỉ đạt hơn 3.700 tỷ đồng (kể cả 4 giải đặc biệt không có người lĩnh thưởng, trong đó có một giải trúng Jackpot Mega 6/45 vào cuối năm 2017 trị giá hơn 105 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế là hơn 338 tỷ đồng.
Sau thời hoàng kim, thì việc kinh doanh của Vietlott có dấu hiệu chững lại. Sự hào hứng của người dân với loại hình này cũng bớt dần.
Năm 2019 Vietlott phấn đấu doanh thu phát hành xổ số tự chọn số điện toán theo kế hoạch Bộ Tài chính giao là 3.850 tỷ đồng.
Chia sẻ với phóng viên, một điểm bán Vietlott ở Hà Nội cho biết: Người dân không hào hứng với xổ số Vietlott như những tháng đầu tiên ra mắt nữa. Cho nên, doanh số bán hàng ngày càng có dấu hiệu giảm.
“Người dân ở Hà Nội vẫn không thích xổ số mà vẫn thích chơi kiểu số đề trái phép”, vị này cho hay.
Tại một số tỉnh thành khác, ngay cả TP. Hồ Chí Minh, nhiều phản ánh của báo chí cho thấy không ít đại lý rơi vào ế ẩm, phải bán thêm các mặt hàng khác.
Báo cáo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) gần đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết: Trong hai 2 năm triển khai, Vietlott đã ký hợp đồng với 112 đại lý xổ số điện toán, triển khai hoạt động tại 38 tỉnh, thành. Theo đánh giá của kiểm toán, hiệu suất hoạt động của hệ thống chưa hiệu quả, có nhiều điểm bán hàng đóng cửa nhiều ngày không kinh doanh.
“Trong 6 tháng đầu năm 2018, trung bình khoảng 18% số lượng điểm bán hàng Vietlott không phát sinh doanh số, tương đương khoảng gần 600 điểm bán hàng”, Kiểm toán Nhà nước cho hay.
Những lý do khiến Vietlott “đuối sức”
Việc xổ số Vietlott vơi sức hút là có lý do khi đây là mô hình mới, hình thức phát hành khác hẳn với xổ số truyền thống. Trước hết, Vietlott mới chỉ triển khai kênh phân phối qua thiết bị đầu cuối, chưa qua các kênh phân phối như điện thoại và Internet.
Trong khi đó, xổ số truyền thống có đội ngũ phát hành vé dạo đông đảo, len lỏi khắp các quán café, ngõ ngách. Nhiều người không muốn mua nhưng vẫn mua như một hình thức “từ thiện” nếu người bán dạo là người khuyết tật, người già,...
Với Vietlott, ai muốn chơi thì đều phải đến các điểm bán có thiết bị đầu - cuối. Trong khi đó, số điểm bán hàng của Vietlott ở mỗi tỉnh, thành phố đều còn rất hạn chế, kể cả các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Điều này có nghĩa, Vietlott chỉ dành cho những khách hàng “thích chơi” và “chủ động chơi” chứ không ở thế “bị ép” phải chơi.
Thời điểm đầu xuất hiện, Vietlott lên cơn sốt do tâm lý tò mò của người dân. Điều này khiến cho đội ngũ bán vé số dạo cũng mua Vietlott để bán dạo. Thế nhưng về sau, việc này ngày càng hạn chế dần. Bởi những người bán vé số cũng phải cân nhắc “thiệt - hơn”.
Nếu bán vé số truyền thống, người bán bị ế vẫn có thể trả lại. Nhưng với Vietlott, mang một vé đi bán có nghĩa người bán đã phải trả thẳng cho đại lý 10 nghìn đồng/vé. Nếu vé đó ế thì không được trả lại. Cho nên, dù bán với giá 12 nghìn đồng/vé thì rủi ro cho người bán vé dạo cũng là rất lớn. Đó là chưa kể các tỉnh, và cả Vietlott, không khuyến khích hình thức bán vé kiểu này.
Thứ hai, về giải thưởng. Giải đặc biệt lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng ban đầu là lợi thế, sau lại trở thành bất lợi của Vietlott. Người dân bị cuốn hút vào giá trị giải thưởng. Nhưng khi có người trúng tới hàng trăm tỷ đồng, thì người dân lại coi giá trị giải thưởng hàng chục tỷ đồng là con số nhỏ. Do đó, tâm lý ngừng mua vé để chờ đợi giải thưởng “khủng” xuất hiện.
Điều này cũng được chứng minh tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước vừa qua. Trong tháng 5/2018, sau khi jackpot 1 của sản phẩm power 6/55 có khách hàng trúng tới 303,9 tỷ đồng, tỷ trọng điểm bán hàng đóng cửa không bán hàng tăng rất cao, lên tới 31%.
Thứ ba, Vietlott không dễ trúng. Đó là thực tế phải nhìn nhận. Tùy chọn dãy số trong hàng triệu dãy số khiến cho xác suất trúng thưởng giải đặc biệt của Vietlott thấp vô cùng.
Đó là một vài lý do chính khiến Vietlott phải chấp nhận sự thật chững lại như thời gian qua. Vậy nên, thách thức của Vietlott thời gian tới là không hề nhỏ. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì tình hình với Vietlott sẽ rất khác.
Ngày 26/10/2015, công ty xổ số kiểm toán Việt Nam đã ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Berjaya.
Tháng 7/2016, Vietlott đã mở rộng tổ chức Lễ vận hành hệ thống kinh doanh xổ số tự chọn tại TP.HCM, cùng với việc ra mắt sản phẩm đầu tiên là Mega 6/45.
Đến tháng 12/2016, Vietlott đã ra mắt 2 sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán là Mega 6/45 và Max 4D, đồng thời triển khai kinh doanh tại 12 tỉnh/thành phố.
Đến năm 2017, Vietlott đã mở rộng triển khai kinh doanh thêm 22 địa bàn theo phê duyệt của Bộ Tài chính. Đồng thời, ra mắt thêm sản phẩm thứ ba là Power 6/55 vào ngày 1/8/2017.
Năm 2018, Vietlott đã triển khai thêm tại 14 địa bàn. Đồng thời ra mắt phương thức chơi bổ sung của sản phẩm Max 4D.