Vợ một nơi, chồng một nẻo vì sĩ diện hão
Từ ngày bà Loan đi ở với con, ông Tình ở nhà lủi thủi một mình, không người cơm nước, trò chuyện. Bấy giờ, ông mới thấy nhớ vợ, lại muốn bà về ở với mình. Ông quyết định đến nhà con trai xin lỗi bà Loan. Có điều lần này, bà Loan khăng khăng không chịu về.
Sáng sớm đã thấy bà Loan chạy ra sân khóc lóc than thở: “Ôi làng nước ơi, có ai khổ như tôi không? Cả đời hầu hạ chồng con, thế mà bây giờ tôi bị đối xử tệ bạc như thế này...”.
“Cút, xéo!” - giọng ông Tình trong nhà vọng ra cắt đứt tiếng nức nở của bà Loan. Bà định đi, nhưng biết đi đâu bây giờ? Không lẽ đến nhà con cái. Nghĩ đi nghĩ lại, bà lại ngồi bệt xuống sân khóc lóc cho qua cơn tủi hờn.
Ông bà Loan - Tình lấy nhau với hai bàn tay trắng, rồi dắt díu nhau rời quê ra đây làm ăn. Ông Tình cũng chỉ đi làm thuê loanh quanh, còn bà Loan ở nhà nhận đồ về may gia công và chăm sóc con cái. Nhìn vào tiềm lực kinh tế là hiểu ngay vì sao ông bà hay “choảng” nhau đến thế.
Nhớ ngày còn trẻ đã có lần, bà Loan không chạy được tiền cho chồng đem về quê giỗ mẹ đã bị ông đánh cho một trận thập tử nhất sinh. Mọi người chạy đến can, hỏi bà Loan: “Tàu xe lễ lạt có bao nhiêu đâu mà cô không chạy được, để chú ấy đánh cho khổ thế!”. Bà Loan bưng mặt khóc rưng rức: “Nào nhà em có chịu sắm sanh đơn giản như thế đâu”.
Hỏi ra mới biết, ông Tình có tính sĩ diện hão với người ở quê. Dù gì cũng mang tiếng đi làm ăn trên thành phố, cho nên mỗi khi về, ông cứ muốn mọi người đón rước mình như là người có của. Lần nào về quê, ông cũng bắt vợ phải quà cáp đủ đầy, rồi còn đãi họ hàng như mình dư dật, sung túc lắm. Trong khi đó, trẻ con nhà ôngbữa no bữa đói, chạy ăn từng hồi.
Cũng may, lũ trẻ nhà bà Loan - ông Tình lớn lên biết thân biết phận. Đứa nào cũng chăm chỉ, rồi mỗi đứa mỗi nơi lập nghiệp. Kinh tế khá giả, thỉnh thoảng chúng còn chu cấp cho ông bà. Bà Loan nhờ phúc của các con, thầm nghĩ cuối cùng mình cũng có thể ngẩng mày ngẩng mặt.
Ấy thế nhưng ông Tình không sao bỏ được tật sĩ diện, huênh hoang với người đời. Chưa có tiền ông đã hứa cho người này vay xin việc cho con, cho người kia vay xây nhà dựng cửa. Bà Loan không muốn tay trắng hoàn trắng tay lại bậm nợ, mới góp ý với chồng. Ai ngờ vừa mở miệng đã bị ông chửi mắng thậm tệ.
Bà Loan càng nghĩ lại càng tủi thân. Lần này chẳng chịu được nữa, bà nói với các con. Anh con cả về góp ý với bố: “Bố mẹ già rồi đừng bất hòa với nhau nữa. Mẹ đã phải chịu bao nhiêu cực khổ. Giờ bố cũng phải để cho mẹ bình an chút tuổi già. Nếu không, con đón mẹ lên ở với chúng con đấy!”. Ông Tình cũng chẳng vừa bảo: “Anh thích thì anh đưa đi, tôi chẳng cần!”.
Từ ngày bà Loan đi ở với con, ông Tình ở nhà lủi thủi một mình, không người cơm nước, trò chuyện. Bấy giờ, ông mới thấy nhớ vợ, lại muốn bà về ở với mình. Ông quyết định đến nhà con trai xin lỗi bà Loan.
Có điều lần này, bà Loan khăng khăng không chịu về. Bà nói: “Giờ ông xin lỗi nhưng lỡ đâu khi tôi về rồi, lúc ông giận, ông lại đuổi tôi đi thì sao?”. Ông Bình xấu hổ cười: “Thì bấy giờ, bà cứ bảo là đợt trước ông đuổi tôi đi rồi, đợt này đến lượt tôi đuổi ông đi mới đúng, cho... tôi sợ”.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vo-mot-noi-chong-mot-neo-vi-si-dien-hao-42570.htm