Vở 'Người đi dép cao-su', một biên niên sử sân khấu hào hùng

Cách dàn dựng mới lạ, không tuân theo những quy ước truyền thống của sân khấu kịch và giống như một biên niên sử về công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, vở 'Người đi dép cao-su' vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn đã mang lại nhiều cảm xúc dâng trào, xây dựng thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một tác giả người nước ngoài.

Cảnh trong vở "Người đi dép cao su".

Cảnh trong vở "Người đi dép cao su".

Tác giả vở “Người đi dép cao-su” là Kateb Yacine, một nhà văn nổi tiếng người Algeria đã từng có nhiều sáng tác thơ, tiểu thuyết và kịch. Năm 1967, Kateb Yacine đến Việt Nam, những điều tai nghe mắt thấy về quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thôi thúc ông tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Tình yêu, sự kính trọng đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn và vở kịch thơ “Người đi dép cao-su” ra đời.

Là một người Algeria, có tình cảm ngưỡng mộ với Việt Nam, lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc, đánh bại chủ nghĩa thực dân, đế quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kateb Yacine đã khắc họa trong vở “Người đi dép cao-su” những phẩm chất của một dân tộc Việt Nam anh hùng, kiên cường, bất khuất trong suốt chiều dài lịch sử thấm đẫm máu và nước mắt, nhưng không kém phần hào hùng, đấu tranh cho độc lập, tự do và “quyền được mưu cầu hạnh phúc”.

Từ lầm than, nô lệ, từ trong máu lửa chiến tranh khốc liệt, dân tộc ấy đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Tiêu biểu cho dân tộc đó và là người dẫn dắt nhân dân đi đến chiến thắng là vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Vở kịch chủ yếu khai thác hình tượng ở góc độ một con người của đời thường, bình dị mà hết sức lớn lao. Tập trung ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là những phẩm chất cao quý, tinh thần quật cường của một dân tộc dám đứng lên đấu tranh và chiến thắng trước những thế lực ngoại xâm thực dân, đế quốc hùng mạnh.

Kịch bản vở “Người đi dép cao-su” dày 304 trang, có 1.800 câu thoại với hàng trăm nhân vật, cho nên Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng đã biên tập và trực tiếp đạo diễn, dàn dựng phần đầu của kịch bản nguyên gốc.

Phần kịch bản được dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam đã khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc Việt Nam với những chặng đường đấu tranh giành độc lập dưới góc nhìn của một nhà văn người nước ngoài, thông qua hình tượng “Người đi dép cao-su”, từ chàng trai Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này cùng Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu.

Theo đạo diễn, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng, kịch bản vở diễn “Người đi dép cao-su” đề cập vấn đề lịch sử, nhưng không phải là một vở kịch lịch sử; đề cập vấn đề chính trị, nhưng không phải là một vở kịch chính luận, trong đó hư cấu và sáng tạo có vai trò quan trọng và được cân nhắc kỹ lưỡng trong mối quan hệ với hiện thực.

Vở kịch không tuân theo những quy ước truyền thống của kịch khi xung đột giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với hoàn cảnh không còn là động lực chủ yếu thúc đẩy hành động kịch phát triển.

Diễn biến nhân-quả gắn với trục thời gian của các sự kiện, các hành động kịch được thay thế bằng cách sắp đặt bên cạnh nhau trên không gian của văn bản cũng như trên sàn diễn và vở kịch cũng không bị khuôn vào cái khung nghệ thuật quy ước về không gian, thời gian, không có thắt nút, mở nút. Vở “Người đi dép cao-su” là kịch thơ mà không hẳn là thơ bởi lời thoại của các nhân vật thực chất là văn xuôi, nhưng lại được ngắt quãng tự do, không vần nhưng có nhịp điệu.

Vở diễn có sự tham gia dàn dựng của ê-kíp họa sĩ, phục trang, thiết kế sân khấu, biên đạo múa và âm nhạc có uy tín dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Xuân Bắc cùng diễn xuất nổi bật của nghệ sĩ Minh Hải thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Mai Nguyên vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đông đảo nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát.

“Người đi dép cao-su” không chỉ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là một biên niên sử Việt Nam, là bản trường ca ngợi ca đất nước và con người Việt Nam.

Thiết kế sân khấu và trang phục được tối giản, không khoa trương, cầu kỳ mà mang tính ước lệ, biểu trưng cho từng giai đoạn. Không có những ngắt đoạn, chuyển màn, chuyển cảnh, vở diễn được dẫn dắt bằng dàn đồng ca quần chúng và cũng là diễn viên trong các vai diễn. Âm hưởng xuyên suốt vở diễn là những bước chân rầm rập khí thế của một dân tộc, của một lý tưởng kiên định họ đã chọn, hướng về chiến thắng, hướng về một tương lai tươi sáng trên nền những lời đồng dao, ca khúc và âm nhạc hào hùng.

Nhìn một cách tổng quan và sâu rộng, “Người đi dép cao-su” không chỉ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là một biên niên sử Việt Nam, là bản trường ca ngợi ca đất nước và con người Việt Nam.

Vở diễn đã giữ được không gian kịch đồ sộ như nguyên bản kịch bản mong muốn, là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng nghệ thuật sân khấu được dàn dựng với một phong cách đặc biệt mới lạ, lần đầu được công diễn ở nước ta, ghi dấu ấn quan trọng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Algeria, với sự hợp tác của Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vo-nguoi-di-dep-cao-su-mot-bien-nien-su-san-khau-hao-hung-post750617.html