Võ Nhai nâng cao giá trị rừng trồng
Với trên 20.000ha rừng sản xuất, trong những năm qua, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu, đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng. Qua đó góp phần nâng cao giá trị lâm nghiệp, hướng đến phát triển rừng bền vững.
Là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn của tỉnh nhưng trước đây, người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai, nhất là các xóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đa phần trồng tre, nứa, phấn, vầu, mía… giá trị kinh tế thấp. Nay, những cây trồng trên đã dần được thay thế bằng các giống cây lâm nghiệp cho giá trị kinh tế cao.
Xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá, hiện có 204 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông. Thu nhập chính của người dân dựa vào sản xuất lâm nghiệp, với tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 500ha. Từ năm 2016 trở về trước, người dân trong xóm chủ yếu trồng mía lấy mật và trồng ngô. Tuy nhiên, người dân lại thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” nên thu nhập bấp bênh. Trước tình cảnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Tràng Xá đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ các loại cây ngắn ngày sang trồng keo, bạch đàn.
Là người đi đầu trong xóm về trồng rừng, ông Ma Văn Lý nhớ lại: Năm 2015, gia đình tôi chuyển 5ha đất đồi trồng mía sang cây bạch đàn. Sau đó, mỗi năm tôi lại tăng diện tích lên khoảng 1ha và sau 5 năm đã phủ kín 10ha đất lâm nghiệp của gia đình bằng cây bạch đàn, keo. Trung bình mỗi năm tôi khai thác hơn 2ha rừng, thu nhập gần 200 triệu đồng.
Từ sự tiên phong của ông Lý và một số hộ dân khác, đến nay, xóm Chòi Hồng đã có tổng diện tích rừng sản xuất đạt gần 400ha, chủ yếu là cây keo và bạch đàn. Anh Trương Văn Thông, Trưởng xóm Chòi Hồng cho biết: Nhờ chuyển sang trồng rừng, người dân trong xóm có nguồn thu nhập ổn định. 1ha rừng sau 5 năm có thể đem về thu nhập cho người dân từ 90-120 triệu đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xóm cũng giảm theo từng năm. Nếu năm 2016 gần 100% hộ dân trong xóm thuộc diện hộ nghèo, thì nay giảm xuống chỉ còn 50%.
Có diện tích đất lâm nghiệp lớn như xóm Chòi Hồng nên đồng bào Dao ở xóm Chùa Bứa, xã Bình Long, cũng sớm đưa cây keo và bạch đàn vào trồng. Song do người dân trồng theo phong trào, chưa biết cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật nên giá trị mang lại không cao. Trung bình 1ha bạch đàn, keo sau 5 năm trồng chỉ thu được khoảng 30-40 triệu đồng.
Ông Phạm Ngọc Toản, Trưởng xóm Chùa Bứa, chia sẻ: Trước thực trạng đó, chúng tôi đã đề xuất với xã mở các lớp tập huấn cho người dân để hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây keo, bạch đàn. Nhờ đó, giá trị thu được trên diện tích đất trồng rừng dần được nâng lên. Hiện nay, với 1ha keo, bạch đàn, người dân có thể thu về từ 90-100 triệu đồng, sau chu kỳ trồng khoảng 5-7 năm.
Cùng với việc tập trung phát triển cây keo, bạch đàn, mấy năm trở lại đây, huyện Võ Nhai còn tập trung hỗ trợ bà con chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây quế.
Đến nay, tổng diện tích trồng quế trên địa bàn huyện Võ Nhai đạt hơn 400ha, tập trung nhiều ở xã Vũ Chấn và Sảng Mộc.
Song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để nâng cao giá trị rừng trồng, từ năm 2022, huyện Võ Nhai đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hỗ trợ người dân phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC. Trong tháng 8 vừa qua, gần 2.400ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai, cho biết: Việc được cấp chứng chỉ FSC đã góp phần nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, đáp ứng các yêu cầu khi xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường cao cấp, giúp nâng cao thu nhập cho chủ rừng. Điều này cũng giúp người dân có ý thức tốt hơn về bảo vệ môi trường, thể hiện tính cộng đồng cao trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
Ngoài những giải pháp trên, trong những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Võ Nhai đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương hàng hóa, hạn chế tình trạng tư thương ép giá các sản phẩm từ nông, lâm nghiệp.
Trên địa bàn huyện Võ Nhai có 42 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản đang hoạt động. Năm 2023, khối lượng gỗ khai thác trên đại bàn huyện đạt trên 56.000m3, củi đạt 13.000 ster; trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 38.000m3, củi đạt 12.000 ster. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2023 đạt trên 100 tỷ đồng.