Võ Nhai trồng rừng 'sạch' theo tiêu chuẩn FSC

Võ Nhai là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh. Để phát huy tiềm năng này, huyện đã tích cực triển khai Chương trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các hộ, nhóm hộ trên địa bàn. Đây được xem như giải pháp giúp địa phương phát triển kinh tế rừng bền vững. Liên quan đến nội dung này, phóng viên (P.V) Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai.

Đại diện các đơn vị tổ chức đánh giá Chương trình quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC khảo sát thực tế tại huyện Võ Nhai.

Đại diện các đơn vị tổ chức đánh giá Chương trình quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC khảo sát thực tế tại huyện Võ Nhai.

P.V:Võ Nhai là huyện vùng cao, có thế mạnh về rừng, xin ông cho biết phương án của huyện trong triển khai quản lý rừng bền vững?

Ông Dương Văn Toản: Toàn huyện Võ Nhai hiện có gần 59 nghìn héc - ta rừng và hơn 1,3 nghìn héc - ta rừng trồng chưa thành rừng, chiếm khoảng 72% diện tích đất tự nhiên. Hết năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt 70,13%.

Trong những năm qua, UBND huyện thực hiện nhiều giải pháp để quản lý rừng bền vững, như: tuyên truyền phổ biến pháp luật; phòng chống cháy rừng; phát triển rừng trồng gỗ lớn... Ngoài ra, huyện cũng tập trung xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về lâm sinh (tiểu dự án 1, dự án 3) về công tác khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng.

Đặc biệt, từ tháng 12-2022, chúng tôi đã khởi động Chương trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC cho các hộ, nhóm hộ trên địa bàn. Trong đó, huyện xác định, với tiềm năng thế mạnh về rừng thì việc được cấp chứng chỉ FSC là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương và toàn xã hội; đồng thời là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của huyện Võ Nhai nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung trên toàn quốc và thị trường quốc tế.

P.V: Vậy tiến độ triển khai cấp chứng chỉ FSC đến thời điểm hiện tại ra sao, thưa ông?

Ông Dương Văn Toản: Căn cứ Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện Nghị Quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện Võ Nhai đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về việc triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC; thành lập Ban đại diện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC trên địa bàn huyện.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ cấp chứng chỉ rừng FSC đảm bảo đúng theo kế hoạch. Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty CP Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu - đơn vị liên kết với huyện thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC và chuyên gia tư vấn đã tổ chức đánh giá Chương trình quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn. Theo dự kiến, các đơn vị sẽ hoàn thiện cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích trên 2,2 nghìn héc - ta trong tháng 7 và đầu tháng 8-2024.

P.V: Địa phương có đang gặp vướng mắc, khó khăn gì trong triển khai cấp chứng chỉ FSC, thưa ông?

Ông Dương Văn Toản: Trong quá trình triển khai, huyện đã mời chuyên gia khảo sát diện tích rừng, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực trồng rừng, tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc, khai thác gỗ cho các hộ dân. Các cơ quan chuyên môn của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phân tích ý nghĩa của việc thực hiện những yêu cầu FSC giúp bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự đa dạng sinh học; không những thế, sản phẩm gỗ làm ra được thu mua với giá cao hơn... Nhờ đó người dân các xã, thị trấn đều tích cực tham gia Chương trình. Đến thời điểm này, về cơ bản huyện không gặp khó khăn, vướng mắc gì trong triển khai.

P.V: Từ những kết quả ban đầu, ông có thể cho biết huyện Võ Nhai đã đưa ra những giải pháp gì để triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC trong thời gian tới?

Ông Dương Văn Toản: Từ những kết quả đạt được giai đoạn đầu, trong thời gian tới, huyện có kế hoạch mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Theo đó, từ năm 2025, Công ty CP Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu sẽ phối hợp với UBND huyện, UBND xã và các đơn vị liên quan mở rộng chứng chỉ rừng tại các xã: Tràng Xá, Liên Minh, Phương Giao, Nghinh Tường và Sảng Mộc (sau khi đã có chứng chỉ rừng quốc tế FSC). Giai đoạn 2025-2030, huyện dự kiến tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn 10 xã là khoảng 16 nghìn héc - ta.

Chứng chỉ rừng FSC là chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, do Hội đồng quản trị rừng quốc tế xây dựng với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Để có được chứng nhận đạt chuẩn FSC, các nhà sản xuất sản phẩm có nguồn gốc từ rừng phải cung cấp và chứng minh bằng các hồ sơ, tài liệu chi tiết về: nguồn gốc sản phẩm không nằm trong danh sách cấm; các chương trình đã triển khai, bản kế hoạch chi tiết về việc khai thác và trồng mới rừng; các chương trình hành động nhằm đảm bảo lợi ích xã hội, môi trường và lợi ích cho người dân bản địa.

Chứng nhận FSC có giá trị trong 5 năm và được chấp nhận trên quy mô toàn cầu.

Mai An (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/vo-nhai-trong-rung-sach-theo-tieu-chuan-fsc-65613b1/