Vỡ òa cảm xúc hạnh phúc với liveshow Đăng Dương - 'Tổ quốc gọi tên mình'
Kinhtedothi – 'Tổ quốc gọi tên mình' - liveshow như một bản hoan ca mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2023), đồng thời đánh dấu cột mốc 30 năm ca hát của NSƯT Đăng Dương.
“Tổ quốc gọi tên mình” thu hút nhiều người trẻ xuất hiện trong một liveshow nhạc đỏ cũng là điều mà Đăng Dương khao khát khi thực hiện liveshow này. Theo ca sĩ Đăng Dương, anh muốn truyền lửa tình yêu nhạc cách mạng không chỉ đến với các thế hệ nghệ sĩ trẻ mà còn với đông đảo khán giả trẻ.
Liveshow không chỉ là Đăng Dương nâng tầm các ca khúc nhạc cách mạng mà qua đó đã đưa anh tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp khi anh mở ra một chân trời rộng mở cho chính mình bằng việc hòa quyện thú vị, hấp dẫn, ấn tượng tinh thần nhạc đỏ với tinh thần trẻ. Khán giả đã vỗ tay không ngừng qua mỗi phần biểu diễn của Đăng Dương và các khách mời trong liveshow. Nhiều khán giả vừa hân hoan bày tỏ đã lâu lắm rồi họ mới được xem một đêm nhạc đỏ hay, sảng khoái, đã tai và cuốn hút từ đầu đến cuối như thế.
“Tổ quốc gọi tên mình” được bố cục chặt chẽ trong 3 chương: chương I là Tổ quốc gọi tên mình, chương II là Đất nước, chương III là Đường chúng ta đi với gần 30 bài, xâu chuỗi về cả một cuộc trường chinh của dân tộc. Ca khúc Tổ quốc gọi tên mình của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai là chủ đề của liveshow được chọn mở màn ngay lập tức thắp lên ngọn lửa tình yêu đất nước trong lòng người nghe. Ngay khi tiết mục kết thúc, tràng pháo tay giòn giã kéo dài không dứt cùng những tiếng hô vang tên "Đăng Dương" khiến nam ca sĩ hạnh phúc cúi đầu tri ân mọi người.
Điều thú vị mà “Tổ quốc gọi tên mình” mang tới là nhiều nhạc phẩm cách mạng nhưng được hát bằng hình thức mashup hiện đại. Mashup vốn quen thuộc với các ca khúc nhạc trẻ, nhạc tình nhưng chưa được áp dụng nhiều trong dòng nhạc truyền thống. Đăng Dương và ê-kíp đã rất tinh tế, cẩn trọng khi lắp ghép các ca khúc nhạc đỏ.
Bản mashup giữa hai nhạc phẩm Anh vẫn hành quân với Chào em cô gái Lam Hồng với sự xuất hiện âm thanh của cây Accordeon - nhạc cụ phổ biến thời chiến tranh do nghệ sĩ Đào Kiên, người bạn vào trường nhạc viện cùng Đăng Dương thuở trước mở màn cho chuỗi thú vị. Mashup Màu hoa đỏ - Bài ca không quên đầy xúc cảm tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.
Đăng Dương có màn kết hợp cực ăn ý, hòa hợp với Đào Tố Loan khi hát Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa - Áo mùa đông để gợi lại một thuở trường kỳ kháng chiến. Tình đồng chí - Cây đàn guitar của Đại đội ba, Hành khúc ngày và đêm - Bác đang cùng chúng cháu hành quân là những bản mashup đầy hơi thở trẻ trung, tinh nghịch của Đăng Dương và OPlus. Điều thú vị, bản phối Hành khúc ngày và đêm - Bác đang cùng chúng cháu hành quân là của nghệ sĩ percussion- Sò Duy Anh, một chàng trai 19 tuổi.
Mashup giữa Tình ca - Tình em là sự kết hợp của Đăng Dương và Võ Hạ Trâm. Đặc biệt trong đêm nhạc, lần đầu tiên cả 3 bài Làng tôi của Văn Cao, Hồ Bắc và Trung Quân được kết hợp cùng nhau với sự thể hiện của Đăng Dương, Võ Hạ Trâm, Đào Tố Loan. Tiết mục như một bức tranh với những mảng màu đối lập nhưng lại ăn ý vô cùng, vừa đầy kỹ thuật vừa thoải mái trẻ trung, vừa ngọt ngào vừa mạng mẽ, vừa âm vừa dương.
Điểm nhấn thứ hai của đêm diễn là sự xuất hiện của tiếng đàn bầu ở chương 2, tiếng đàn đã dẫn Đăng Dương tới giảng đường âm nhạc. Đất nước kết hợp đàn bầu, intro và cadenza. Dáng đứng Bến Tre là màn độc tấu đàn bầu gây bất ngờ của Đăng Dương.
“Tiếng đàn bầu không chỉ minh họa chuẩn xác cho ca khúc (Đất nước) mà còn khiến liveshow của Đăng Dương thêm độc đáo, có sự kết hợp truyền thống hiện đại đầy duyên dáng, khẳng định tình yêu chung thủy suốt 30 năm sự nghiệp của anh đối với âm nhạc cách mạng đã được khởi nguồn từ tiếng đàn bầu Việt Nam như thế nào. Như Đăng Dương đã nói, đó là tình yêu “ăn vào máu, vào tim” - NSND Thanh Tâm nói.
Trong đêm nhạc, sau mỗi phần trình diễn, Đăng Dương lại nói “Cảm ơn bản phối quá hay của nhạc sĩ Dương Cầm”. Liveshow cũng cho thấy một chân dung NSƯT Đăng Dương qua 30 năm hát nhạc cách mạng rất rõ, đầy sự chân thành và đắm say. Sân khấu đêm nhạc không chiêu trò, không múa phụ họa, rất giản dị nhưng sang trọng, như tiếng hát, con người của chính Đăng Dương.