Vợ phẫn nộ vì chồng lén lút giúp gia đình em gái gánh nợ
Tiền bạc vốn là vấn đề rất nhạy cảm trong hôn nhân, nếu như cư xử không khéo thì dễ dàng nảy sinh mâu thuẫn không đáng có.
01
"- 100 hay 200 triệu, đến con số cụ thể anh cũng không còn nhớ nữa à?
- Em nghe anh giải thích đã, tiền đó là tiền riêng.
- Là vợ chồng còn chia tiền riêng nữa hả, anh coi tôi là gì?".
Đối diện với cơn phẫn nộ của vợ, Thắng im lặng. Anh biết bản thân mình sai nhưng không biết làm gì có thể cứu vãn được sự phẫn nộ ấy. Bản thân Lan trong lòng cũng tan nát, cô quay cuồng với hàng loạt suy nghĩ mình đã làm gì để chồng đối xử như thế.
***
Lan và Thắng kết hôn đến nay được gần chục năm, con cái có đủ nếp đủ tẻ. Hồi mới kết hôn, cuộc sống của hai vợ chồng vô cùng khó khăn. Họ ở trọ, đi chiếc xe máy cọc cạch nhưng cuộc sống rất hạnh phúc. Hai vợ chồng lúc nào cũng ước ao có căn nhà của riêng mình, con cái được sống hạnh phúc hơn.
Sau này, Lan được một người bạn mách nước, quyết định kinh doanh bỉm sữa trẻ em. Bố mẹ đẻ cô thế chấp căn nhà đang ở, vay tiền cho con gái làm vốn. Cuối cùng, hai vợ chồng "phất", thành đại lý. Lan mở rộng việc kinh doanh sang nhiều mặt hàng khác nữa. Kinh tế gia đình đi lên, họ có nhà, có xe, cuộc sống hạnh phúc.
Ngày xưa khi cưới Lan, gia đình Thắng không đồng ý nên liên tục buông lời xúc phạm. Đến bây giờ Lan vẫn không để bụng. Cô vẫn phụng dưỡng bố mẹ chồng, tiền biếu hàng tháng, quà tặng không thiếu dịp nào. Cô em chồng đanh đá Lan cũng bỏ qua, vẫn mua sắm quà cáp cho các cháu. Cuộc sống cứ thế trôi qua nhưng cô không ngờ chồng lại lén lút làm đủ chuyện sau lưng mình.
02
Thắng hiền lành, biết chăm sóc cho cả nhà nhưng anh có một tính không sửa được đó chính là tự ý nghĩ hộ người khác. Thắng cho rằng Lan không thích nhà nội nên luôn lén lút cho em gái tiền, giúp đỡ bố mẹ. Anh biết rằng vợ mình vẫn quà cáp, biếu tiền bố mẹ đầy đủ nhưng lúc nào cũng nghĩ sẽ phải biếu nhiều hơn mới xứng là con dâu. Nghĩ thì nghĩ thế nhưng Thắng không nói ra. Anh cho rằng cái gì giấu vợ được thì giấu bởi dù sao bây giờ kinh tế cũng một tay Lan lo là chính.
Vợ chồng em gái Thắng làm ăn thất bát, chồng cô em rượu chè, chơi bời đến nợ một khoản tiền lớn. Em gái gọi điện khóc lóc, Thắng không đành lòng, quyết định giúp cho em một số tiền lớn.
Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Em gái anh cảm thấy "xin dễ" nên từ tiền học cho cháu, tiền cháu đi viện, tiền bỉm tiền sữa đến cả tiền ăn Tết cũng xin anh trai. Những lần xin xỏ tiền bạc không dừng lại. Thắng luôn âm thầm gửi cho em mà không hề hé răng với vợ một lần.
Để rồi trong một lần về nhà nội chơi, Lan đã nghe được cuộc trò chuyện giữa em chồng và mẹ chồng nói đến việc Thắng gửi tiền. Cô em kể việc vợ chồng Thắng Lan buôn bán "phất", tiền nong nhiều rồi còn nói luôn ý định xin cái xe máy. Mẹ chồng sốt ruột ngăn con gái, nói rằng tự lập đi. Cô em gái nói lại thẳng thừng: "Mẹ lo gì, anh Thắng cho riêng tiền con chứ bà Lan không biết đâu, cho biết bao nhiêu lần rồi mà. Làm ăn được mà kẹt với anh em để làm gì. Nếu nhà mình không moi thì bà ấy cho bên ngoại, nhà mình bên nội để thiệt à. Đợt chồng con vay lãi cũng anh Thắng lo cho đấy. Mẹ đừng nói cho bà Lan biết kẻo to chuyện".
Lan nghe xong sững người. Vấn đề không phải giúp đỡ hay không mà vấn đề chính là Thắng đã làm tất cả sau lưng vợ mà chẳng nói một lời.
Và cuộc hội thoại ban đầu đã diễn ra từ cớ sự đó. Lan phẫn nộ tột cùng, quay cuồng khi nghĩ bản thân đã bị gạt ra không thương tiệc tại nhà chồng. Cô thậm chí đã nhắc đến từ cấm kỵ là "ly hôn" khiến Thắng choáng váng.
03
Trong câu chuyện trên, nếu như cô em chồng sai 1 thì chồng của Lan sai 10. Tiền bạc vốn là vấn đề rất nhạy cảm trong hôn nhân, nếu như cư xử không khéo thì dễ dàng nảy sinh mâu thuẫn không đáng có.
Trước khi cưới làm gì cũng bình thường, sau khi cưới đụng đến 1 đồng cũng là của chung. Người đàn ông giúp đỡ em gái ruột nhiều lần có khi không gây phẫn nộ. Sự bức xúc ở đây đến từ yếu tố "âm thầm".
Anh ta khiến vợ mình trở thành một người không biết gì. Những suy nghĩ tiếp theo lại càng quay cuồng hơn, cô sẽ có xu hướng nghĩ đến việc mình đã làm gì xấu xa, mình tệ đến thế nào mà chồng lại đối xử như thế. Phải chăng mình là người vợ tệ, người con dâu tồi không biết đối nhân xử thế.
Với những nàng dâu, nỗi ám ảnh của việc bị người ta đánh giá không tròn trách nhiệm đôi khi gây ảnh hưởng rất nhiều.
Có câu nói như thế này: "Có 3 chìa khóa hôn nhân cần phải nhớ. 1 là biết cảm ơn xin lỗi, 2 là nói lời yêu thương mỗi ngày và 3 là hỏi ý kiến nhau. Trong đó, quan trọng nhất là chuyện hỏi ý kiến".
Nó không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho bạn đời mà còn nói lên một vấn đề rằng trong gia đình ấy vợ chồng đều bình đẳng. Cả hai đều có quyền thảo luận, bàn bạc những vấn đề xảy đến trong cuộc sống hôn nhân. Hơn nữa, cuộc sống gia đình với đủ vai trò, nhiệm vụ vẫn đang được vận hành trơn tru.