'Vỡ sân' và những chuyện bi hài của V.League
Trái với hình ảnh khán giả đìu hiu thường thấy trên các khán đài, cứ vài ba năm một lần V.League lại chứng kiến một vụ 'vỡ sân'.
Số người đến xem tăng đột biến ở một vài trận đấu cho thấy sức hút của giải bóng đá VĐQG với người hâm mộ chưa bao giờ mất đi, nhưng lại lộ rõ công tác tổ chức yếu kém của những người làm bóng đá.
Cổ động viên mạo hiểm tính mạng
Trận đấu để xảy ra "vỡ sân" lần đầu tiên trong lịch sử V.League diễn ra vào ngày 22-6-2003 trên sân Chùa Cuối, Nam Định (nay là sân Thiên Trường).
Quá háo hức với viễn cảnh đội bóng tỉnh nhà sẽ có huy chương nếu giành chiến thắng trước tân vương Hoàng Anh Gia Lai ở trận đấu cuối cùng, hàng trăm người trèo lên giàn giáo để ngồi vắt vẻo xem bóng đá ở độ cao hàng chục mét.
Giữa sân bóng đang được tu bổ, sửa chữa, cảnh CĐV đánh đu với tử thần đối lập hoàn toàn với khẩu hiệu "an toàn trên hết" được giăng ra. Dưới sân, cầu thủ hai đội chẳng thể tập trung vào diễn biến trận đấu.
Nhất là dàn sao của HAGL, họ vừa đá vừa nơm nớp lo sợ không biết điều gì sẽ xảy đến với mình nếu "nhỡ" giành chiến thắng. Hôm đó hàng thủ đội bóng phố Núi liên tiếp mắc những sai lầm không đáng có và để Nam Định chọc thủng lưới đến 3 bàn.
Đội bóng Thành Nam bị xử phạt đến 20 triệu đồng vì sự cố lần đó, nhưng vẫn may vì không có thiệt hại nào về người. Giữa hàng trăm người ngồi vắt vẻo giữa không trung xem trận Nam Định - HAGL hôm đó, chỉ một ai đó sảy chân rơi xuống cũng có thể trở thành bi kịch thảm khốc nhất trong lịch sử V.League.
Bên cạnh Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An cũng từng xảy ra sự cố “vỡ sân” trong 20 năm qua.
Không thể mua vé dù chi ra cả núi tiền, CĐV sẵn sàng bắc thang trèo lên nóc tường ngồi cổ vũ cho đội bóng quê hương. Hậu quả là Thanh Hóa từng bị xử thua 0-3 hồi năm 2007, còn SLNA cũng bị trừ 3 điểm sau đó một năm vì CĐV làm loạn trên khán đài.
Đến năm 2013, sân Vinh một lần nữa trở thành điểm nóng khi người hâm mộ trèo rào vào sân xem bóng đá. Ngay cả một đội bóng được tổ chức tốt, quy củ như HAGL cũng từng lâm vào cảnh “vỡ sân” tại V.League 2015.
“Vỡ sân” tốt hay xấu?
Nhìn vào những thông tin bên lề trước mỗi sự cố “vỡ sân”, có thể thấy mỗi lần chuyện này xảy ra đều gắn liền với một hiện tượng bóng đá. CĐV Nam Định háo hức xem đội nhà giành huy chương, Thanh Hóa mới lên chơi ở V.League, SLNA - Hải Phòng luôn là trận cầu đinh, người hâm mộ đất Cảng tò mò đến xem Denilson thi đấu, lứa U19 trình làng trong màu áo HAGL, Hà Tĩnh lần đầu lên chơi ở V.League tiếp đón CLB Hà Nội gồm toàn những danh thủ như Hùng Dũng, Quang Hải, Đức Huy...
Những sự kiện có tính thời điểm ấy cộng hưởng với nhau, dẫn đến cảnh “vỡ sân” vài năm mới có một lần. Nếu nhìn theo góc độ tích cực, “vỡ sân” cho thấy người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn luôn háo hức đến xem một trận đấu ở V.League.
Trên thực tế, sân Lạch Tray có thể coi đã "vỡ" đến 3 lần nếu tính cả 2 trận cuối mùa 2010 và 2016, khi BTC dỡ rào cho người hâm mộ xuống sân ăn mừng. Hình ảnh CĐV ăn mừng cùng các cầu thủ ngay trên sân cỏ trở thành hình ảnh đẹp khiến chúng ta quên đi chuyện “vỡ sân”.
Trừ sự cố tại sân Vinh vào năm 2008, CĐV Việt Nam trong mỗi lần “vỡ sân” thường ngồi xem khá quy củ chứ không gây náo loạn. Đó là lý do khiến bầu Đức quyết định cho hàng ngàn khán giả vào xem bóng đá ngay trên đường piste ở sự cố vỡ sân năm 2015.
"Đội đã nhường chỗ cho người già, trẻ em xem bóng đá trên khán đài, nên cũng cần tạo cơ hội cho người khác chứng kiến trận đấu", lãnh đạo CLB lý giải sau đó. HAGL đại thắng mà không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra cả.
Tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ tiêu cực, có thể thấy đơn vị tổ chức V.League chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để đương đầu với những trận đấu có nguy cơ xảy ra “vỡ sân”. Ở sự cố trên sân Chùa Cuối năm 2003, các nhân viên an ninh lọt thỏm giữa biển người tràn vào sân bóng.
Bất lực trong việc ngăn cản dòng người ùn ùn kéo xuống sân lẫn trên giàn giáo, cuối cùng họ đánh bó tay và trông mong không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Chuyện tương tự cũng xảy ra ở sân Thanh Hóa vào năm 2007 và sân Vinh năm 2008. Kể từ đó, mỗi trận đấu ở hai sân bóng này luôn huy động cả ngàn cảnh sát túc trực.
Vụ “vỡ sân” trong trận đấu giữa Hà Tĩnh và Hà Nội còn cho thấy chính những nhân viên an ninh còn góp phần nhúng tay tạo ra sự cố “vỡ sân”.
Một lãnh đạo Hà Tĩnh thừa nhận lực lượng kiểm soát, thay vì làm đúng nhiệm vụ, đã tự ý mở cửa cho hàng ngàn người nhà vào xem bóng ngay dọc đường piste.
Không có sự cố nào xảy ra, nhưng trận đấu đã phải tạm dừng hơn 20 phút để BTC ổn định tình hình an ninh. Một án phạt là điều cần thiết phải có, nhưng VPF, VFF cần làm việc ăn ý hơn với BTC các sân để tránh những sự việc tương tự xảy ra lần nữa.
Hình phạt nào đang chờ CLB Hà Tĩnh?
Phạt tiền là mức án nhẹ nhất BTC sân Hồng Lĩnh có thể phải nhận trong thời gian tới. Năm 2015, BTC sân Pleiku từng bị xử phạt 10 triệu đồng vì sự cố vỡ sân ở vòng 1 V.League.
Nam Định cũng chỉ bị phạt 20 triệu đồng vào năm 2003, tuy nhiên đây cũng là 2 đội bóng hiếm hoi chỉ phải nhận án phạt nhẹ bằng tiền vì để khán giả tràn xuống sân. Thanh Hóa, Nghệ An từng phải nhận những bản án rất nghiêm khắc với sự việc tương tự.
Năm 2007, trận hòa 3-3 trước Đà Nẵng ở vòng 7 V.League của Thanh Hóa bị BTC quyết định xử thua 0-3. Theo VFF, trọng tài Võ Minh Trí cho biết, ông chịu sức ép lớn từ người hâm mộ đội bóng xứ Thanh nên buộc phải thổi nhiều tình huống có lợi cho Thanh Hóa trong ngày hôm đó.
Đến năm 2008, vụ việc gây gổ trên sân Vinh khiến SLNA bị BTC giải trừ 3 điểm. Đây cũng là sự cố duy nhất từng có người chết trong lịch sử V.League, khi một CĐV SLNA thiệt mạng.''
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/vo-san-va-nhung-chuyen-bi-hai-cua-v-league-599024/