Vỏ sầu riêng liệu có còn phải bỏ đi?

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP HCM) vừa nghiên cứu thực hiện dự án sử dụng vỏ sầu riêng làm nên loại bột đất sét.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân trình bày dự án sử dụng vỏ sầu riêng trộn với nguyên liệu đất sét làm nên loại bột đất sét

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân trình bày dự án sử dụng vỏ sầu riêng trộn với nguyên liệu đất sét làm nên loại bột đất sét

Vòng chung kết cuộc thi Sáng kiến xây dựng xã hội bền vững do Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) và Sở GD-ĐT phối hợp tổ chức diễn ra sáng 20-10.

Tại đây, 8 đội thi đến từ các trường THPT trên địa bàn TP HCM và Đồng Tháp đã trình bày, bảo vệ các dự án.

Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP HCM) tham gia vòng chung kết với 3 dự án: "Sử dụng vỏ sầu riêng trộn với nguyên liệu đất sét làm nên loại bột đất sét" (sau khi hết hạn sử dụng bột đất nặn này, sẽ có thể phân hủy nhanh chóng làm phân bón cải tạo đất); "Cải tiến tả giấy truyền thống" (sử dụng thân chuối và xơ dừa và lớp vỏ ngoài của tả giấy cho thể tách rời, giặt sạch và phơi khô để hạn chế rác thải từ tả giấy, lành tính và an toàn người sử dụng, bảo vệ môi trường); "Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như tỏi và vỏ cam để làm ra nhang nụ" (hạn chế các hương liệu độc hại từ hóa chất của nhang thường giúp đuổi muỗi tự nhiên, an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường).

Trong khi đó, đội thi Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM) mang đến dự án "Sử dụng vỏ sò tạo thành các khối bê tông thấm nước, ngăn chặn việc ngập lụt ở một số địa điểm trên địa bàn TP Thủ Đức".

Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diệu (Đồng Tháp) mang đến 2 dự án "Sử dụng thức ăn thừa để làm phân bón hữu cơ, chế tạo thùng làm phân tránh gây ô nhiễm môi trường trong quá trình ủ phân"; "Thu gom pin cũ, phân loại và xử lý từng thành phần trong pin tại TP Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp"...

Tại vòng chung kết, ban giám khảo cũng đã phản biện các dự án về tính an toàn khi sử dựng, giá thành, chất lượng,...

TS Trần Thị Ngọc Diệp, Trưởng Trung tâm Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Trường ĐH Quốc tế, đồng Trưởng Ban tổ chức, cho biết qua cuộc thi này, các học sinh sẽ phát triển tư duy đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về những vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, nơi các em đang sinh sống và học tập. Hơn thế nữa là nâng cao nhận thức, kiến thức của các em về 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc.

Cuộc thi Sáng kiến xây dựng xã hội bền vững được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2023, được tái khởi động và mở rộng cho tất cả học sinh THCS và THPT trên toàn quốc.

Tin, ảnh: Huy Lân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vo-sau-rieng-lieu-co-con-phai-bo-di-196241020110538903.htm