Việc sửa chữa xe chiến đấu bộ binh (IFV) M2 Bradley mà Mỹ dự kiến cung cấp cho Hy Lạp sẽ yêu cầu số tiền tương đương chế tạo một phương tiện mới từ đầu, đây là điều tương đối khó chấp nhận.
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp - ông Nikos Dendias đã tuyên bố trên tờ Defense Review về tình trạng kỹ thuật cực kỳ kém của những chiếc M2A2 Bradley mà phía Mỹ đề nghị cung cấp miễn phí như một gói viện trợ quân sự cho Athens.
Ông Dendias cho biết, theo tính toán của họ, chi phí sửa chữa một phương tiện chiến đấu bộ binh lên tới 8 triệu euro, số tiền này tương đương với việc sản xuất một chiếc IFV hoàn toàn mới.
Trước đó vào tháng 6 năm nay, một phái đoàn quân sự Hy Lạp đã đến thăm cơ sở lưu trữ thiết bị của Quân đội Mỹ ở Trại Shelby, bang Mississippi.
Tại đây các quan chức Hy Lạp đã thị sát IFV M2 Bradley và lựa chọn 62 chiếc trong khuôn khổ chương trình chuyển giao trang bị dư thừa của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy vậy Athens sẽ phải tài trợ cho việc sửa chữa và phục hồi các phương tiện chiến đấu này.
Mặc dù vậy nhóm công tác sau đó đánh giá tình trạng của phương tiện là không đạt yêu cầu và kém khả thi về mặt kinh tế để phục hồi. Kết luận tương tự cũng được đưa ra liên quan đến 102 chiếc Bradley mà Hy Lạp được đề nghị mua với giá thấp từ kho lưu trữ của BAE Systems.
Theo Defense Review, những chiếc Bradley cùng với một vài thiết bị khác sẽ được chuyển giao miễn phí để đổi lấy việc Hy Lạp cung cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất quan trọng trên lãnh thổ của mình cho mục đích quân sự, đặc biệt là cảng Alexandroupolis.
Theo giới chuyên môn, sở dĩ những xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley yêu cầu số tiền cao đến vậy là vì phía Mỹ đề nghị đại tu và nâng cấp luôn lên phiên bản M2A4 tối tân nhất.
Phiên bản hiện đại hóa M2A4 được trang bị hộp số cải tiến, động cơ công suất tối đa 675 mã lực, khí tài quang điện tử mới, máy phát điện phụ trợ, đi kèm hệ thống quản lý chiến đấu tối tân và khí tài cảnh báo - vô hiệu hóa thiết bị nổ điều khiển từ xa.
Với gói nâng cấp mới, các xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley đã khá cao tuổi sẽ thực sự "lột xác", trở nên mạnh mẽ vượt trội và thậm chí vượt xa nhiều dòng IFV mới chỉ được sản xuất gần đây.
Một vấn đề nữa cũng nên nói tới đó là xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley tại thời điểm ra đời được coi là phương tiện hàng đầu trong phân khúc nhờ được trang bị vũ khí tối tân đi kèm hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.
Mặc dù vậy qua nhiều năm vận hành và hiện đại hóa, chiếc xe chiến đấu bộ binh đặc biệt này đã bộc lộ một số nhược điểm đáng kể, trong đó nổi bật là trọng lượng tăng lên tới mức gần như mất kiểm soát.
Khi mới ra mắt, chiếc Bradley chỉ nặng 21,3 tấn, tuy nhiên sau quá trình sửa đổi và hiện đại hóa, trọng lượng của cỗ chiến xa này đã tăng thêm gần 12 tấn, khiến nó trở thành IFV nặng tương đương xe tăng hạng trung.
Thực tế trên gây ảnh hưởng đáng kể đến một số đặc điểm kỹ chiến thuật chủ chốt, bao gồm cả khả năng cơ động linh hoạt. Nhưng đáng nói nhất là việc tăng trọng lượng không đi kèm với sự cải thiện về mức độ bảo vệ như mong đợi.
Điển hình như điểm yếu bình nhiên liệu dễ bốc cháy vẫn chưa được giải quyết, điều này khẳng định thêm tính dễ bị tổn thương của chúng trong điều kiện chiến đấu, nhất là khi phải đối đầu các loại vũ khí chống tăng mạnh mẽ. Vì tất cả những lý do trên, kế hoạch viện trợ xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley Mỹ "dành" cho Hy Lạp rất khó trở thành hiện thực.
Việt Dũng
Theo Defense Review