Vỏ sầu riêng - 'mỏ vàng' chưa được quan tâm đúng mức
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến năm 2023, cả nước có khoảng 150.000ha trồng sầu riêng, trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 76.000ha, và sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn. Với sản lượng này, mỗi năm sầu riêng Việt Nam có khả năng thải ra môi trường hơn 800.000 tấn vỏ. Vỏ sầu riêng vừa là rác thải gây hại cho môi trường nhưng cũng là 'mỏ vàng' nếu được quan tâm đúng mức.

Sản lượng sầu riêng nước ta hiện nay ước tính khoảng 1,2 triệu tấn - Ảnh: Mỹ Tho
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng vỏ sầu riêng là nguồn nguyên liệu tiềm năng trong kinh tế tuần hoàn. Thực tế, các nhà máy chế biến rau quả thường hợp tác với một đơn vị có chuyên môn để xử lý nguồn phế phụ phẩm này thành thức ăn gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ - lĩnh vực đang phát triển rất tốt ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc - Viện Cây ăn quả miền Nam, với sản lượng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh ngày càng nhiều thì vỏ sầu riêng thải ra môi trường cũng ngày càng lớn. Bà nhận định: "Vỏ sầu riêng cũng như nhiều loại phế phẩm nông nghiệp khác (thân cây thanh long, lục bình, vỏ trái cây các loại, cỏ…), đều là nguồn hữu cơ có giá trị.
Hiện tại, cách xử lý đơn giản và phổ biến nhất là ủ vỏ sầu riêng với nấm Trichoderma thành phân bón hữu cơ để đưa dinh dưỡng trở lại cho đất, khép kín một vòng tuần hoàn của trái sầu riêng.
Ngoài ra, các nghiên cứu mới đang mở rộng ứng dụng vỏ sầu riêng thành than hoạt tính, thức ăn gia súc (xay nhuyễn như cỏ khô), hoặc bột khô. Khi lượng vỏ thải ngày càng tăng, các hướng nghiên cứu này có thể được ứng dụng để sản xuất sản phẩm có giá trị cao hơn.
Ngày 19.8.2024, Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo: riêng mặt hàng này có thể đạt kim ngạch 300 triệu USD trong năm 2025. So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh có lợi thế xâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt sản lượng hơn 52.000 tấn, kim ngạch trên 137 triệu USD. Tuy nhiên, việc này đặt ra bài toán lớn về xử lý vỏ thải. Để thu được 1 kg cơm sầu riêng, cần bóc bỏ 2,5 - 3kg vỏ. Ước tính năm 2023, Việt Nam thải bỏ hơn 150.000 tấn vỏ sầu riêng. Trong những năm tới, nếu kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD, sản lượng cơm sầu riêng có thể đạt 100.000 - 150.000 tấn, đồng nghĩa với 300.000 - 450.000 tấn vỏ thải - khối lượng khổng lồ cần có giải pháp xử lý phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk), cho biết công ty đã chế biến sầu riêng cấp đông từ năm 2022. Công suất nhà máy đạt 30.000 - 40.000 tấn trái/năm. Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, Green Farm nghiên cứu xử lý vỏ sầu riêng đưa vào quy trình sản xuất tuần hoàn.
Theo bà Thanh, vỏ sầu riêng chứa khoảng 35% chất hữu cơ, cùng với đạm, lân, kali. Hiện công ty thuê đơn vị gia công xử lý vỏ thành phân bón hữu cơ, sau đó chuyển miễn phí cho các nhà vườn liên kết để bón lại cho sầu riêng và cây ăn trái khác.
“Việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp bà con tiết kiệm chi phí đáng kể, đồng thời mang lại hiệu quả bền vững cho cây trồng và môi trường”, bà Thanh chia sẻ.

Lượng vỏ sầu riêng thải ra đang là nỗi lo của doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh - Ảnh: Minh Đảm
Bên cạnh bức tranh sáng về xuất khẩu, vỏ sầu riêng đang là nỗi lo của không ít doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Vỏ chiếm hơn 70% khối lượng trái, tạo ra lượng rác thải rất lớn.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chợ Lách, Bến Tre) đã phải đầu tư mua đất mở rộng cơ sở chế biến trái cây đông lạnh, trong đó có một phần diện tích chỉ để chứa vỏ sầu riêng. Phó giám đốc Ngô Tường Vy cho biết: “Chúng tôi vừa tốn chi phí, lại thêm công sức chỉ để xử lý đống vỏ sầu riêng. Công ty đang nghiên cứu chọn dòng sản phẩm đầu tư nhằm giải quyết phần vỏ sầu riêng".
Trong khi đó, ý tưởng “Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ” vừa đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2, năm 2023” (INNOBE 2023). Cuộc thi do Mạng lưới Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL tổ chức tại Trường đại học Trà Vinh.
Nhóm tác giả giành giải nhất đến từ Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, huyện Bình Đại, gồm: Võ Trần Anh Huy, Võ Phương Thùy, Phan Nguyễn Thảo Vy và Nguyễn Thanh Thúy.
Một số nhà máy chế biến trái cây lớn ở Tiền Giang như Hùng Phát, Long Uyên, Cát Tường, Thabico, Rau quả Tiền Giang… cùng hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã bóc tách cơm sầu riêng đông lạnh cũng phát sinh lượng vỏ thải lớn.
Hiện tỷ lệ phế phụ phẩm trong chế biến xoài khoảng 40%, sầu riêng khoảng 50%. Ước tính, mỗi ngày ngành chế biến trái cây thải ra 500 tấn phế phụ phẩm (vỏ, hạt). Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị nào tái sử dụng triệt để nguồn này phục vụ nông nghiệp.
Để xử lý phế phụ phẩm chế biến trái cây, Công ty TNHH DTH Môi trường xanh (Tiền Giang) đã nghiên cứu quy trình, công nghệ và thiết bị biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ chất lượng cao. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Tiền Giang vận hành dây chuyền xử lý này.
Ông Dương Hoàng Hiếu, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Chúng tôi đưa vỏ xoài, vỏ sầu riêng vào quy trình sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp".

Công ty TNHH DTH Môi trường xanh xử lý vỏ sầu riêng thành phân hữu cơ - Ảnh: Minh Đảm
Hiện nay, ở Tây Nguyên, TP.HCM và ĐBSCL, các viện, trường đại học, sở KH-CN và doanh nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu vỏ sầu riêng phục vụ đời sống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nào đạt thành tựu lớn để sản xuất quy mô công nghiệp. Việt Nam cần những dự án thiết thực, bài bản và quy mô nhằm khai thác hiệu quả “mỏ vàng vỏ sầu riêng” đang bị bỏ phí.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vo-sau-rieng-mo-vang-chua-duoc-quan-tam-dung-muc-234621.html