Võ Tắc Thiên đã khuynh đảo vũ đài chính trị của Đại Đường như thế nào
'Võ Tắc Thiên từng nếm mùi độc chiếm đại quyền, nên không thích có người cầm gậy trên đầu mình'.
Sau khi Lý Trị qua đời, Võ Tắc Thiên tiếp quản chính quyền Đại Đường, điều đó không có gì là lạ cả. Từ năm 655 được sách phong đến năm 683 Lý Trị tạ thế, Võ Tắc Thiên là hoàng hậu hai mươi tám năm. Trong hai mươi tám năm đó, không lúc nào Võ Tắc Thiên được nhàn rỗi hoặc nghỉ ngơi.
Bà luôn hoạt động trên vũ đài chính trị của Đại Đường và luôn như người đang trộn bài. Trộn một hồi, thắng một trận. Trong mười năm đầu kể từ lúc Võ Tắc Thiên là hoàng hậu (từ năm 655 đến năm 664) người chủ chính cơ bản là Lý Trị. Lý Trị ngày ngày lâm triều, Võ Tắc Thiên lâm triều thì đại để chỉ năm thì mười họa mới có một lần. “Thời kỳ Nhị thánh” trong vòng mười năm (năm 664 đến năm 674) Lý Trị và Võ Tắc Thiên cùng lâm triều. Từ sau “Thời kỳ Thiên hậu” (năm 674 đến năm 683), Võ Tắc Thiên hàng ngày lâm triều, thỉnh thoảng Lý Trị mới lâm triều. […]
Đã có sự chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, dư luận, nên chỉ còn cách chừng một bước nữa, Võ Tắc Thiên có được đế vị.
Dù đã chuẩn bị nhiều lần như vậy, việc Võ Tắc Thiên muốn làm hoàng đế, không phải là việc dễ. Theo lý, sau khi hoàng đế băng hà ngôi báu sẽ do hoàng tử kế vị.
Võ Tắc Thiên có bốn người con, có ba người từng là thái tử. Người thứ nhất là Lý Hoằng. Từ tháng giêng năm Hiển Khánh thứ nhất (năm 656), Lý Hoằng được phong là thái tử, nhưng Lý Hoằng đã mất vào tháng tư năm Thượng Nguyên thứ hai (năm 675).
Nhiều người nói, Lý Hoằng đã bị Võ Tắc Thiên hại chết. Đã chết thì làm gì còn người để đối chứng, huống hồ sức khỏe của vị thái tử này vốn cũng rất tồi, ngay vào năm được phong là thái tử, Lý Hoằng đã ốm nặng, “ngự y đã phải bó tay”. Vào năm Hàm Hanh thứ hai (năm 671) Lý Hoằng được giao quyền giám quốc, nhưng vì nhiều bệnh, nên bọn Đới Chí Đức đã phải giải quyết việc triều chính. Vì vậy, có thể coi là Lý Hoằng ốm chết.
Vị thái tử thứ hai là Lý Hiền. Lý Hiền được lập vào năm Thượng Nguyên thứ hai (năm 675), bị phế vào năm Vĩnh Long thứ nhất (năm 680). Việc Lý Hiền bị phế vẫn còn là một nghi án. Chúng ta chỉ biết hai mẹ con họ rất hay nghi ngờ lẫn nhau.
Có người cho là Lý Hiền đã tổ chức danh Nho chú giải Hậu Hán thư, luôn nói về hậu phi, ngoại thích can dự chính sự, phạm vào điều kiêng kị của Võ Tắc Thiên; cũng có người nói, điều cơ bản vì Lý Hiền không phải con đẻ của Võ Tắc Thiên, mà là con riêng của Lý Trị và chị gái của Võ Tắc Thiên, là Hàn Quốc phu nhân.
Tóm lại, Lý Hiền bị tố giác là mưu phản, người ta tìm thấy binh khí và hàng trăm bộ giáp phục trong cung điện của Lý Hiền. Vị thái tử đáng thương này bị phế thành thứ dân và chết ở Ba Châu vào năm Tự Thánh thứ nhất (năm 684).
Chứng cứ là hàng trăm binh khí và giáp phục, e chưa đủ. Với số vũ khí trang bị ít ỏi, có thể mưu và phản cái gì? Vì vậy, số chứng cứ “xác thực” đó khác gì hình người gỗ tìm thấy trong cung Vương hoàng hậu. Hoàn toàn có hai khả năng. 1. Võ Tắc Thiên sai người làm. 2. Một người khác đã làm, mong hai mẹ con họ sẽ đấu nhau, mình là ngư ông được lợi. […]
Không có bất kỳ một chứng cứ chứng minh Võ Tắc Thiên hãm hại thái tử Hiền, hại chết thái tử Hoằng. Nhưng có thể khẳng định, Võ Tắc Thiên nghi kị, thậm chí là thù hận hai đứa con của mình. Vì lúc đó quần thần trong triều đều coi trọng hai vị thái tử này. Lý Trị từng nói với các vị thần: “Hoằng nhân hiếu, coi trọng đại thần, xưa nay chưa từng có”. Tư Trị thông giám cũng nói Lý Hoằng nhân hiếu, biết giữ lễ, “được trên quý mến” và “trong ngoài kỳ vọng”. […]
Sau khi Lý Hoằng mất, mọi người lại chuyển sang ủng hộ Lý Hiền. Vì khi đó, mọi người đều thấy rõ, dã tâm của Võ Tắc Thiên là không nhỏ, từ lâu Lý Trị đã buông lơi quyền lực. Hơn nữa, sức khỏe của Lý Trị đã suy sụp, tính cách lại nhu nhược, dù muốn đoạt lại chính quyền, chỉnh đốn triều cương cũng không làm được.
Vì vậy, mọi người mới hy vọng vào thái tử mới. Và Lý Hiền cũng không phụ lòng mong mỏi của họ. Lý Hiền dung mạo tuấn tú, cử chỉ đoan trang, từ nhỏ đã thích đọc sách, đọc xong là nhớ. Lý Hiền còn chủ trì việc chú giải Hậu Hán thư, trình độ cao, đến nay vẫn đầy quyền uy. Danh tiếng Lý Hiền nổi như cồn. Triều dã nhất trí cho rằng, Lý Hiền sẽ thừa kế ngôi lớn, làm chủ nhà Đường. Thậm chí Lý Trị còn nói với Lý Thế Tích: “Đứa trẻ này rất nghiêm minh, không hổ là tài năng dựng nên nghiệp lớn”. Nếu mấy đứa khác đều được như Lý Hiền thì “Đại Đường hết phải lo!”.
Đại Đường hết lo, Tắc Thiên lại lo. Võ Tắc Thiên từng nếm mùi độc chiếm đại quyền, nên không thích có người cầm gậy trên đầu mình. Vừa khéo lúc đó lại có án Minh Sùng Nghiêm bị giết. Minh Sùng Nghiêm là kẻ luôn giả thần giả quỷ để chữa bệnh cho mọi người, nghe đâu hắn cũng có biết một chút ma thuật. Nghiêm từng nói với Võ Tắc Thiên, thái tử Hiền tướng mệnh không tốt, không thể kế thừa, nên lập người khác như Anh vương Lý Hiển hoặc Tương vương Lý Đán. Sau này, Minh Sùng Nghiêm bị người khác giết một cách rất thần bí.
Nhân viên xét án liền cho bắt Triệu Đạo Sinh để xét hỏi. Sinh là đối tượng đồng tính luyến ái với Lý Hiền. Sinh khai, Lý Hiền đã mua chuộc và sai bọn đạo tặc đến giết. Mọi tình tiết của vụ án đều hết sức chặt chẽ, không có sơ hở. Nhưng có thể khẳng định: Hoặc một tay Võ Tắc Thiên đã tạo ra án oan này, hoặc Võ Tắc Thiên đã lợi dụng án Minh Sùng Nghiêm, rồi tác động thêm. Và Võ Tắc Thiên đã đạt được mục đích.
Có thể, Lý Hiền nên đọc sách ít đi một chút. Lý Hiền không nên cướp mất vở diễn của Võ Tắc Thiên khi Võ Tắc Thiên đang muốn làm đẹp vai diễn của mình. Lý Hiền chỉ biết thái tử có thể là hoàng đế, nhưng chưa biết ngay cả hoàng đế cũng có thể bị phế bỏ, huống chi chỉ là thái tử?
Lý Hiển là vị thái tử thứ ba, đã bị phế khi còn ở ngôi hoàng đế. [...] Lý Hiển nhút nhát, háo sắc, sợ vợ, kém cỏi hơn cả cha mình. Lý Trị tuy có yếu đuối một chút, nhưng xưa nay vẫn là người tự biết mình, luôn thận trọng thỏa đáng trong đối nhân xử thế, vì vậy mới có một ít uy vọng.
Ngược lại, Lý Hiển không biết được mình nặng nhẹ mấy cân mấy lạng. Vừa lên đài được vài hôm, ngồi chưa nóng chỗ, đã vội bợ đỡ nghe theo vợ, muốn để bố vợ là Vi Huyền Trinh làm tể tướng. Tể tướng Bùi Viêm không bằng lòng, vị hoàng đế hồ đồ kia liền nói: “Đất nước là của trẫm, trẫm muốn cho ông ta cả thiên hạ thì có gì là ghê gớm, huống hồ chỉ là để ông ta làm thị trung?”.
Điều đó, không chỉ làm Võ Tắc Thiên bực bội, không thể dung, mà những người khác cũng hết cách để tiếp nhận. Hơn nữa đây còn là lời nói tức giận, nên nhẫn nhịn sao được. Vì vậy, anh chàng này chỉ làm hoàng đế được vài tháng, đã bị Võ Tắc Thiên và Bùi Viêm lôi ra khỏi bảo tọa.
Trên thực tế, Lý Hiển cũng không thể coi là vua. Năm Thần Long thứ nhất (năm 705), sau khi Võ Tắc Thiên thoái vị, Hiển lại làm hoàng đế, cuối cùng thì chết oan. Vì Vi hoàng hậu muốn học theo mẹ chồng làm nữ hoàng, con gái là công chúa An Lạc muốn làm hoàng thái nữ. Họ hợp mưu cho thuốc độc vào bình rượu, nhằm đưa vị hoàng đế kia đến Tây Thiên.