Vô tình thiêu chết nhân tình?
Ngày 9-12, TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội, xét xử bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, SN 1975, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, về tội 'Vô ý làm chết người'.
Nguyễn Tuấn Anh (đã có vợ) thừa nhận, anh ta quen biết với chị N.T.N, SN 1978, qua mạng xã hội facebook vào năm 2019. Sau đó, hai người nảy sinh tình cảm với nhau. Khoảng tháng 3-2020, Nguyễn Tuấn Anh thuê một phòng trọ của chị Vũ Thanh Quỳnh, SN 1985, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Phòng trọ này được Tuấn Anh sử dụng để thỉnh thoảng cùng chị N về đây ăn ở, sinh hoạt vào buổi trưa.
Tối 20-11-2020, Tuấn Anh cùng chị N tới phòng trọ ăn tối. Tại đây, hai người nói chuyện với nhau. Khi nói chuyện, chị N yêu cầu Tuấn Anh bỏ vợ để chung sống với mình nhưng không được Tuấn Anh đồng ý. Hai người lời qua tiếng lại.
Thấy vậy, chị N vùng dậy, định lao đầu vào tường dọa tự tử thì Tuấn Anh kéo lại. Quá trình cãi nhau, Tuấn Anh bực tức nói sẽ đi mua xăng về đốt hết, thích chết thì cả hai cùng chết. Rạng sáng 21-11-2020, do đang có men rượu nên Tuấn Anh đã rời khỏi phòng trọ, lái xe ô tô đến một cây xăng ở đường Láng mua 5 lít xăng.
Sau khi mua xăng xong, Tuấn Anh xách can xăng vào phòng trọ để dọa tự tử với chị N. Theo cáo trạng, khi vào phòng, Tuấn Anh thấy chị N đang cầm dao gọt hoa quả trên tay và dọa tự tử. Thấy vậy, Tuấn Anh nói: “Thích chết thì chết cả hai”. Vừa nói, Tuấn Anh vừa vặn nắp bình xăng. Do bị trượt tay, Tuấn Anh làm rơi bình xăng xuống bàn khiến xăng bắn vào quần áo của Tuấn Anh và chảy xuống sàn nhà, thấm vào tấm thảm lót sàn. Chị N đang ngồi, thấy vậy đã nằm ra tấm thảm lót sàn đang bị thấm xăng. Tuấn Anh cũng nằm vào cạnh chị N.
Chị N liền ngồi dậy, không nói gì. Tuấn Anh bỏ ra ngoài hút thuốc lá. Đứng trước cửa ra vào phòng trọ, Tuấn Anh bật lửa châm thuốc lá hút thì lửa bén vào xăng dính dưới quần và sau lưng Tuấn Anh làm bùng cháy. Anh ta hoảng loạn chạy ra hướng cổng của khu trọ nhưng cổng khóa nên Tuấn Anh chạy quay lại, đứng trước cửa phòng trọ cởi quần áo, dập lửa thì lửa bén xăng trong phòng chị N, bùng cháy.
Tuấn Anh vội lao vào dùng tay đẩy mở cửa phòng nhưng không được nên dùng chân đạp 2 nhát vào cánh cửa. Vào được bên trong, Tuấn Anh thấy chị N đang đứng dựa vào tường gần cửa ra vào phòng, quần áo bốc cháy. Anh ta ôm bạn gái đưa ra ngoài sơ cứu và hô hấp nhân tạo. Sau đó, Tuấn Anh và chị N được mọi người đưa đi cấp cứu.
Hôm sau, chị N tử vong tại BV. Theo cáo trạng, lời khai của Tuấn Anh phù hợp với lời khai của người chứng kiến và hình ảnh camera thu được của nhà dân ghi lại cảnh Tuấn anh bị lửa cháy. Theo lời anh Nguyễn Văn Hải, khi được đưa đi cấp cứu, chị N vẫn tỉnh, không nói có việc ai đổ xăng hay muốn giết mình, chỉ nhờ anh Hải giữ giúp túi đồ.
Tuy nhiên, HĐXX TAND quận Hoàng Mai đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung về những mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và hình ảnh video thu giữ được tại hiện trường để làm rõ hành vi của bị cáo là vô ý hay cố ý.
Theo luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả làm chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Vô ý làm chết người” như sau:
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.
Người thực hiện hành vi phạm tội dưới lỗi vô ý bao gồm: vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin. Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (khoản 1 Điều 11 BLHS);
Làm chết người do lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (khoản 2 Điều 11 BLHS);
Mặt khách quan: Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc đối với tội “Vô ý làm chết người”.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vo-tinh-thieu-chet-nhan-tinh-271590.html