'Vỡ trận' vì Covid-19, Indonesia có thể đạt đỉnh 100.000 ca/ngày, bác sĩ đau đớn lựa chọn bệnh nhân để cứu sống
Hệ thống y tế của Indonesia đang quá tải với số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh mỗi ngày. Biến thể Delta cùng với tiến độ chậm chạp trong tiêm vaccine là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh chưa có dấu hiệu chững lại.
Bên bờ vực của thảm họa Covid-19
Ngày 15/7, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, ông Luhut Pandjaitan cảnh báo, số ca mắc Covid-19 mới tại nước này có thể còn tiếp tục tăng song hy vọng không vượt quá 60.000 ca mỗi ngày.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng cấp cao này cũng cho hay, hiệu quả của vaccine yếu hơn trước biến chủng Delta, vốn đang chiếm phần lớn các ca mắc Covid-19 trên đảo Java. Tuy vậy, ông vẫn kêu gọi người dân tiêm chủng để tránh các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.
Trước đó, ngày 14/7, Indonesia đã ghi nhận thêm hơn 54.000 ca mắc Covid-19 mới, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, cao hơn gấp 10 lần so với số ca mắc mới hàng ngày hồi đầu tháng 6, bất chấp việc siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Trên khắp Indonesia, nhiều nơi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy và phòng cách ly. Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết, các bệnh nhân phải di chuyển hàng giờ để có thể tìm được cơ sở y tế tiếp nhận.
“Mỗi ngày, chúng tôi đều thấy biến chủng Delta đẩy Indonesia đến gần hơn bờ vực của thảm họa Covid-19”, ông Jan Gelfand, lãnh đạo IFRC tại Indonesia, cho biết.
Cuộc khủng hoảng có thể còn trở nên tồi tệ hơn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số bác sĩ bình quân đầu người ở Indonesia chỉ bằng một nửa so với Ấn Độ - "tâm chấn" dịch bệnh trước đây.
Là người đứng đầu phòng cấp cứu tại Bệnh viện Muhammadiyah Lamongan ở tỉnh Đông Java, bác sĩ Corona Rintawan cho hay, gần đây ông phải lựa chọn giữa 4 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng để đưa vào giường chăm sóc đặc biệt cuối cùng.
Ông phải chọn một người đàn ông 60 tuổi không mắc bệnh nền gì thay vì một người bị bệnh thận và 2 người già. Hai trong số 3 người sau đó đã chết vì suy hô hấp tại bệnh viện. “Tôi phải chọn người bệnh có nhiều khả năng được cứu sống hơn”, ông nói.
Trong khi đó, bác sĩ Ririek Andri cho biết mỗi ngày bệnh viện ở tỉnh Banten nhận được hàng chục cuộc gọi từ các gia đình ở thủ đô Jakarta gần đó. Nhiều người đang khẩn cầu tìm giường bệnh để cứu người thân của họ.
Dịch bệnh gia tăng đột biến đã gây ra tình trạng quá tải bệnh viện ở nhiều khu vực trên hòn đảo Java đông dân của Indonesia. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh của tất cả 6 tỉnh thành tại Java, trong đó có thủ đô Jakarta, hiện ở mức hơn 80%.
Truyền thông cho biết một số địa phương đã đối mặt với tình trạng thiếu oxy y tế, khiến chính phủ phải chuyển oxy công nghiệp sang các bệnh viện.
Biến thể Delta hoành hành, tiến độ tiêm vaccine chậm chạp
Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao được cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng đột biến ở Indonesia. Theo cổng thông tin outbreak.info thuộc tổ chức Scripps Research của Mỹ, hiện tỷ lệ mắc biến chủng Delta ở Indonesia là 25%, cao hơn Malaysia (19%) và Thái Lan (14%).
Một quan chức cho biết: “Chính phủ không ngờ rằng các biến thể virus mới như biến thể Delta lại xâm nhập và lây lan nhanh như hiện nay, vì vậy dự báo của chính phủ là chỉ cần siết chặt một chút các hạn chế xã hội".
Trong khi đó, chương trình tiêm chủng lại đang diễn ra chậm chạp. Tính đến ngày 6/7, mới chỉ có 5,2% dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ. Mặc dù bắt đầu muộn hơn Indonesia, Malaysia hiện đã hoàn tất tiêm chủng cho 8,8% dân số.
Mới đây, Bộ trưởng Pandjaitan thừa nhận rằng chính phủ đang chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất" khi số ca mắc mới trong ngày đạt 70.000 ca.
Tri Yunis Miko Wahyono, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Indonesia đã vẽ một bức tranh thậm chí còn xám xịt hơn. Ông Wahyono cho rằng, nếu tỷ lệ dương tính vẫn cao như hiện nay và chính phủ nỗ lực tăng số lượng các xét nghiệm Covid-19 lên mức mục tiêu 400.000-500.000 người/ngày, số liệu có thể thay đổi với số ca mắc mới đạt 100.000 ca/ngày.
Ông Wahyono nói: “Tình hình vẫn rất bi quan bởi hiện có rất nhiều người tự cách ly tại nhà, cùng chung không gian với các bệnh nhân dương tính dù rằng những người này không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nguy cơ lây nhiễm còn rất cao, tạo thành các ổ dịch gia đình”.