Vô vàn thách thức cứu người trong động đất ở Myanmar
Nắng nóng, đường sá hư hại tắc nghẽn, thiếu nhân lực vật lực cứu hộ... khiến hy vọng cứu người dưới đống đổ nát sau trận động đất ở Myanmar ngày càng mong manh.
Đã hơn ba ngày kể từ khi xảy ra trận động đất mạnh 7,7 độ richter ở Myanmar, vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát mà thảm họa này gây ra. Dù “thời điểm vàng” (72 giờ sau động đất) cho việc cứu những người đang mắc kẹt dưới lớp đất đá đã kết thúc, lực lượng cứu hộ vẫn tốc lực đào bới, tìm kiếm với niềm hy vọng ngày càng mong manh.
Ngày 31-3, chính quyền Myanmar cho biết số người chết vì trận động đất trên khắp Myanmar, bao gồm TP Sagaing, Mandalay và thủ đô Naypyidaw, đã lên tới 2.056, hơn 3.900 người bị thương và gần 300 người vẫn mất tích. Trong khi đó, Cục Khảo sát địa chất Mỹ dự báo rằng theo mô hình sơ bộ của cơ quan này thì số người chết trong động đất ở Myanmar có thể lên tới 10.000.
Cứu hộ ở Myanmar khó trăm bề
Tâm chấn Sagaing ở miền trung Myanmar, vốn là nơi có 1,5 triệu dân sinh sống, gần như bị san phẳng tới 80%.
Sagaing là một tâm điểm giao tranh giữa chính quyền quân sự Myanmar do Thống tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo và các lực lượng phiến quân. Chính quyền muốn kiểm soát khu vực này trong khi các nhóm phiến quân kháng cự. Người dân Sagang vốn phải chịu cảnh nguy hiểm vì giao tranh giờ chịu thêm nỗi đau vì thảm họa động đất.

Quân đội Myanmar đã lập các trạm kiểm soát quân sự ở Sagaing để kiểm soát lối vào thành phố này. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Nỗ lực tìm cứu các nạn nhân, cứu chữa người bị thương và hỗ trợ người còn sống đang gặp rất nhiều thách thức.
Đường sá bị hư hại và tắc nghẽn khiến lực lượng cứu hộ khó thể tiếp cận các khu vực bị tàn phá. Các cụm dân cư bị cô lập và người dân tuyệt vọng lên mạng xã hội cầu cứu viện trợ.
Tại các địa điểm lực lượng cứu hộ tiếp cận được thì nỗ lực cứu người dường như không mang lại hiệu quả như hy vọng.
Một trong những lý do, theo lời kể của tình nguyện viên Thant Zin đang tham gia cứu hộ ở Sagaing là vì lực lượng cứu hộ phải đào đất đá cứu người mắc kẹt bằng tay không, không có những thiết bị hỗ trợ cần thiết.
Tương tự, Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar và sát tâm chấn cũng phải chịu tình trạng thiếu trang thiết bị, nhân viên cứu hộ phải đào bới đất đá bằng tay.
Chưa kể lực lượng cứu hộ ở các hiện trường thảm họa quá mỏng.
Một thực tế nữa, thời tiết nóng tới 39 độ C khiến các nhân viên cứu hộ rất dễ kiệt sức. Nhân viên cứu hộ Myanmar Htet Wai được điều đến Mandalay ngậm ngùi nói rằng với sức nóng này ông sợ rằng sẽ tìm thấy nhiều thi thể hơn người sống. Ông nói rằng bên cạnh việc cần có lực lượng cứu hộ lành nghề hơn và thiết bị hạng nặng để di chuyển đống đổ nát, nhu cầu về túi đựng thi thể cũng đang rất cấp thiết.
Bệnh viện chính của thành phố hết chỗ. Tình trạng quá tải nhân lực và thiếu thốn vật tư y tế đã cản trở công tác cứu chữa người bị thương. Người chết được bọc vải trắng nằm la liệt trên nền đất hoặc vẫn đang bị phân hủy dưới đống đổ nát. Cư dân Sagaing tên là Thar Nge nói rằng “cứ mỗi cơn gió mạnh thổi qua, không khí lại tràn ngập mùi xác chết”.
Trận động đất Myanmar đã khiến một số người nước ngoài thiệt mạng, bao gồm hai công dân Pháp và một người Trung Quốc.
Với người sống sót, vì sợ dư chấn họ vẫn phải ở ngoài đường, chịu cảnh màn trời chiếu đất, không có điện, thức ăn, nước uống cạn dần.
Thế giới hướng về Myanmar
Tình hình thảm họa tồi tệ đến mức lãnh đạo chính quyền Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế ngay sau khi thảm họa xảy ra. Các nước nhanh chóng đáp lời kêu gọi này. Các đội cứu hộ quốc tế đã và đang được triển khai đến hỗ trợ ở nhiều khu vực thảm họa ở Myanmar.
Ngày 31-3, Mỹ cam kết viện trợ 2 triệu USD thông qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar, đồng thời cử một nhóm ứng phó nhân đạo khẩn cấp từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tới Myanmar để xác định những nhu cầu cấp thiết nhất của người dân và có phương án hỗ trợ, như nơi trú ẩn khẩn cấp, thực phẩm, nhu cầu y tế và nước sạch.
Cũng trong ngày 31-3, Trung Quốc đã gửi lô hàng viện trợ đầu tiên trong gói viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 13,9 triệu USD cho Myanmar. Theo Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc, lô viện trợ đầu tiên này bao gồm 1.200 lều, 8.000 chăn và hơn 40.000 bộ dụng cụ sơ cứu.

Lực lượng cứu hộ Trung Quốc dùng máy bay không người lái (UAV) tìm kiếm người mắc kẹt dưới đống đổ nát tại Mandalay hôm 31-3. Ảnh: VCG
Cạnh đó, Trung Quốc đã cử bốn đội cứu hộ chính thức để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn. Tổng số nhân viên cứu hộ, chuyên gia, nhân viên y tế Trung Quốc có mặt tại Myanmar tới thời điểm hiện tại là khoảng 400 người.
Ấn Độ đã cử một đội cứu trợ gồm 80 người và điều ít nhất năm máy bay cùng năm tàu hải quân chở hàng trăm tấn hàng cứu trợ đến Myanmar.
Ngoài ra, các nước khác như Nga, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Việt Nam cũng đã gửi các đội cứu hộ, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn tới Myanmar.
Thái Lan thống kê thiệt hại
Báo cáo của Cục Phòng ngừa và Giảm nhẹ Thiên tai Thái Lan được đưa ra ngày 31-3 cho biết thủ đô Bangkok và 18 tỉnh khác đã báo cáo thiệt hại do dư chấn mà trận động đất tại Myanmar gây ra, theo báo The Nation.
Theo báo cáo, các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm 103 quận, 275 huyện và 412 làng. Trận động đất khiến 18 người thiệt mạng, 34 người bị thương và 78 người mất tích do vẫn còn kẹt dưới một tòa nhà 30 tầng đang xây bị sập ở Bangkok. Cạnh đó, các cơ sở hạ tầng chịu thiệt hại gồm 591 ngôi nhà, 66 ngôi chùa, 92 bệnh viện, chín tòa nhà, 58 trường học và 27 văn phòng chính phủ.
Phát biểu tại lễ khai trương Trung tâm dịch vụ đầu tư và người nước ngoài Thái Lan (TIESC) tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết chính phủ nước này đang tăng cường nỗ lực khôi phục niềm tin của quốc tế vào Thái Lan sau trận động đất khiến tòa nhà đang xây của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước bị sập.
Bà Shinawatra nói rằng vụ sập nhà là do lỗi kỹ thuật, đồng thời khẳng định không có tòa nhà nào khác ở Bangkok có nguy cơ sụp đổ vì chúng được xây dựng theo các tiêu chuẩn chống động đất.
Bà nhấn mạnh cam kết của Thái Lan trong việc khôi phục hình ảnh và đảm bảo niềm tin của công chúng, đồng thời cho biết đang tiến hành điều tra toàn diện về việc phê duyệt, thiết kế và vật liệu xây dựng của dự án này.
Tỉnh trưởng Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết tình hình ở thủ đô đã gần như ổn định hoàn toàn.
Theo ông Sittipunt, giao thông đã trở lại bình thường trên khắp Bangkok, bao gồm các tuyến đường cao tốc và tàu điện ngầm, ngoại trừ có tắc nghẽn cục bộ nhỏ gần tòa nhà 30 tầng bị sập ở quận Chatuchak và các khu vực có hoạt động di dời cần cẩu gãy ở quận Bang Sue.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vo-van-thach-thuc-cuu-nguoi-trong-dong-dat-o-myanmar-post841958.html