Vợ Việt nấu ăn cho chồng Mỹ, mỗi bữa 500k chồng nhìn thấy cũng phải trầm trồ

Buổi tối nào gia đình chị Ngọc cũng dành thời gian quây quần bên mâm cơm, có khi là món Mỹ, có khi là những bữa cơm thuần Việt đậm vị quê hương.

Hiểu được bếp là nơi giữ lửa hạnh phúc, lại không muốn không khí gia đình tẻ nhạt, tình cảm nguội lạnh dần đi khi mọi người ai cũng bận công việc, hiếm có những buổi ăn cơm cùng nhau nên chị Trần Kim Chi Ngọc (39 tuổi, Đà Lạt, hiện sống ở Mỹ) đã quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm con, chăm chút cho gia đình một cách trọn vẹn hơn.

Cuộc sống giản đơn, hạnh phúc của chị Ngọc ở Mỹ.

Cuộc sống giản đơn, hạnh phúc của chị Ngọc ở Mỹ.

Chị Chi Ngọc sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Lạt mộng mơ. Chị và anh John quen nhau như một cơ duyên trong chuyến du lịch thăm chị gái ở Reno (Mỹ) vào mùa hè cách đây 12 năm.

Trong lúc chị đang đi dạo ở một thành phố cách nơi anh sinh sống 12 tiếng lái xe, anh đang tham gia diễu hành cùng hội những người đam mê xe mô tô Harley Davidson đã vô tình bắt gặp chị - cô gái Việt nhỏ nhắn. Nhìn thấy chị lạ mắt nên anh liền đến làm quen.

Lúc đầu chị chẳng nghĩ gì, chỉ lịch sự giao tiếp với địa chỉ email mà không có gì bận tâm. Thậm chí chị bỏ qua quá nhiều email nhưng anh John vẫn kiên trì liên lạc với những lời lẽ chân thành. Chính vì vậy, chị đã quyết định kết bạn cùng anh.

Có lẽ do duyên số trời định, là hai mảnh vỡ được ráp lại nên hai người nói chuyện rất hợp, cả hai như tìm thấy được nửa kia của mình nên chỉ trong vòng 1 năm anh John đã ngỏ lời tiến đến hôn nhân với chị. Chạy theo tiếng gọi của con tim, chị đã tạm biệt quê hương cùng những người bạn, những đồng nghiệp ở Tp. HCM để về bên anh, cả nửa vòng trái đất.

Hiện nay, chị Ngọc đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã John Riley và 2 con ở Mỹ. Ngày nào dù bận rộn đến mấy chị cũng dành thời gian nấu cơm cho gia đình, để cả nhà quây quần bên mâm cơm buổi tối. Đối với chị, đó không chỉ đơn giản là mâm cơm mỗi ngày mà còn là bí quyết giữ lửa hạnh phúc của chị.

Những món ăn Việt ở Mỹ do chính tay chị làm cho gia đình.

Những món ăn Việt ở Mỹ do chính tay chị làm cho gia đình.

Chia sẻ về niềm đam mê nấu nướng của mình, chị Ngọc cho biết, có lẽ vì đam mê với những món ăn ngon được nhen nhóm từ khi còn nhỏ. Đặc biệt, nhờ có mẹ là người phụ nữ giỏi nấu nướng, khéo léo trong việc tổ chức các bữa tiệc lớn cho cả trăm người, từng theo mẹ trên những nẻo đường đi dạy nấu ăn cho các giáo xứ Công Giáo ở Đà Lạt nên chị học hỏi được rất nhiều điều. Những món ăn của mẹ chính là gia vị làm thấm dần tình yêu bếp núc mà sau này khi đi du học ở Thụy Sĩ chị mới có dịp phát huy nó và tiếp diễn cho đến tận bây giờ khi có gia đình nhỏ.

Hầu như ngày nào chị cũng phải vào bếp ít nhất 2 lần, chủ yếu là theo lịch của hai bạn nhỏ 4 tuổi ở nhà. Buổi sáng sớm, chị sẽ tranh thủ khi con còn ngủ dọn dẹp nhà và tưới cây, sau đó là chuẩn bị các món ăn sáng và ăn trưa cho con cùng một lúc. Khoảng tầm 3-4 giờ, chị cho 2 con ăn xế với các loại bánh nướng tự làm, sữa chua hoặc trái cây. Đến chiều tối, chị sẽ làm món Mỹ hoặc bữa cơm gia đình thuần Việt cho buổi ăn chính đầy đủ các thành viên.

“Để có mái ấm gia đình bền lâu chắc chắn không thể thiếu những bữa ăn, những giây phút cả nhà trò chuyện và quây quần bên nhau. Mình còn nhớ một thời gian sau khi sinh hai bé, quay lại đi làm hơn hai năm, ông xã phải chăm hai bé đến khi mình làm xong giờ hành chính thì anh đi làm, vì thế thời gian đó gia đình hiếm có những buổi cơm cùng nhau nên không khí cũng tẻ nhạt và tình cảm cũng nguội lạnh đi. Một phần là vì ai cũng mệt lại vừa công việc vừa chăm con, nên sự kiên nhẫn cũng giảm rất nhiều. Chính vì lý do đó mà mình quyết định nghỉ việc để gia đình được chăm chút một cách trọn vẹn hơn”, chị Ngọc thổ lộ.

Những bữa cơm chị làm khoảng gần 500 nghìn/bữa.

Những bữa cơm chị làm khoảng gần 500 nghìn/bữa.

Được biết, mỗi ngày chị Ngọc phải chia đều cho nhiều việc, mặc dù ở nhà chăm con nhưng chị vẫn có công việc kiếm sống riêng. Để nấu ăn cho gia đình, mọi thứ chỉ tóm gọn trong vòng 1h cho mỗi bữa cơm và mỗi bữa chị làm đều phải có đủ các nhóm thực phẩm cần thiết cho sự phát triển của các con. Chính vì thế, chị phải chuẩn bị, sơ chế các nguyên liệu cũng như lên kế hoạch và thực đơn cho mỗi ngày để hạn chế việc “bí món” cho bữa cơm.

Thông thường, chị hay mua thực phẩm trong siêu thị bán sỉ với số lượng lớn rồi chị chia thành từng phần nhỏ để lên thực đơn, thay đổi phù hợp. Mỗi bữa ăn chị ước tính khoảng 20 đô la khoảng gần 500 nghìn/bữa.

Chị Ngọc tâm sự, hơn 10 năm kết hôn, chị may mắn vì không phải làm dâu. Chị nấu ăn chủ yếu theo khẩu vị của chồng. Mà đối với chồng chị, vợ nấu gì cũng ngon cũng tuyệt, đặc biệt anh rất thích khám phá các món ăn Việt, nên món nào chị làm cho anh thử, anh cũng đều thích.

Nói đến đây, chị Ngọc lại cười nhớ về lúc 2 vợ chồng mới kết hôn, ngày nào anh John cũng đều trầm trồ vì những món ăn không những ngon miệng mà còn được trình bày đẹp mắt chị làm. Đó là những bữa cơm canh Việt ăn bằng chén, những đĩa cơm theo khẩu phần cũng được trang hoàng chỉnh chu vô cùng ngon miệng và ngon mắt. Đến nay sau hơn 10 năm chung sống, dù quen dần với những món ăn vợ nấu nhưng sau mỗi bữa ăn ông xã vẫn luôn dành lời cảm ơn đến chị.

“Ông xã là một người hiền lành và dễ tính, nên chuyện ăn uống không quá quan trọng và cầu kỳ với anh. Nhà ăn gì anh ăn nấy, mà phần lớn các mâm cơm Việt lúc nào cũng có đầy đủ các loại nhóm thực phẩm nên anh ấy rất thích. Từ khi có vợ thì anh không phải đi ăn bụi nữa nên vợ cho ăn gì cũng cảm ơn rối rít không dám phàn nàn”, chị Ngọc cười.

Món nào chị làm ông xã cũng phải trầm trồ.

Món nào chị làm ông xã cũng phải trầm trồ.

Tuy nhiên ở Mỹ chị Ngọc cũng gặp khá nhiều khó khăn vì không phải nguyên liệu nào cũng tìm được hay sẵn có nên chị thường hay trữ sẵn đồ ăn khô ở nhà mỗi lần đi chợ Việt hoặc tìm các loại có thể tìm mua ở chợ Mỹ để thay thế. Khi nấu nướng, chị thường tự thay đổi thực đơn, bữa cơm Việt và bữa cơm Mỹ cho bớt ngán. Tuy nhiên 2 con gái chị rất thích các món Việt như thịt kho nước dừa và sườn ram chua ngọt nên 2 món đó không thể thiếu trong thực đơn tuần của gia đình chị.

Ngoài ra, chị cũng hay tự chế ra những món mới vì không tìm đủ nguyên liệu như cơm hến thiếu khế chua được thay bằng xoài xanh, hay nhà chỉ có bắp sú tím và cá hồi, chị có thể làm gỏi bắp sú cùng cá hồi áp chảo cho gia đình.

Đối với chị, thời đại 4.0 chỉ cần lên google là ra nên chị không gặp nhiều khó khăn trong chuyện nấu nướng nhiều, chỉ cần yêu thích nấu nướng, đam mê nấu nướng xuất phát từ tình yêu thương gia đình, người thân.

“Bản thân mình khi được vào bếp như lạc vào cõi mơ, nơi đó mình được thả hồn để chế biến các món ăn vừa ngon vừa đẹp mắt cho. Niềm vui sướng tăng lên gấp ngàn lần khi con mình cứ muốn ăn thêm, hay anh xã ăn sạch phần ăn của mình”, chị Ngọc cho hay.

Chị Ngọc cũng quan niệm rằng, nấu một món ăn rất đơn giản, nhưng để một món ăn đủ để sưởi ấm lòng người thì nấu bằng con tim, chính vì thế mà những món ăn dành cho gia đình và con cái mình luôn gửi gắm hết cả con tim, tâm tư tình cảm của mình,và chị biết chắc rằng người ăn sẽ cảm nhận được điều ấy khi đón nhận chúng.

Những món ăn chị làm được trang trí vô cùng đẹp mắt và ngon miệng.

Những món ăn chị làm được trang trí vô cùng đẹp mắt và ngon miệng.

Hồng Nhung

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vo-viet-nau-an-cho-chong-my-moi-bua-500k-chong-nhin-thay-cung-phai-tram-tro-51202020810512141.htm