Với căn cứ hải quân Sudan, Nga có thể có 'chìa khóa đến châu Phi'
Điện Kremlin có kế hoạch thiết lập một căn cứ hải quân trên Biển Đỏ ở Sudan. Dự án này sẽ mở rộng sự hiện diện của Nga ở châu Phi, đồng thời mang ý nghĩa địa chính trị toàn cầu.
Tổng thống Vladimir Putin muốn thấy Nga thiết lập căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Vào giữa tháng 11-2020, nhà lãnh đạo Nga đã ra sắc lệnh yêu cầu Bộ Quốc phòng ký một hiệp định với Sudan. Cùng với cơ sở Tartus thời Chiến tranh Lạnh vẫn đang hoạt động ở Syria, đây sẽ là căn cứ hải quân thứ hai của Nga ở Trung Đông và Bắc Phi, khu vực ngày càng trở nên quan trọng đối với Matxcơva. Đó là chưa kể, Nga còn có một hạm đội trên Bán đảo Crimea đã sáp nhập.
Dự thảo thỏa thuận do Nga công bố cho thấy, thời điểm hiện tại đó là cơ sở hậu cần và sửa chữa trên Biển Đỏ, nhưng hải quân Nga sẽ được phép đồn trú tới 300 nhân viên quân sự, đủ cung cấp cho 4 tàu chiến. Có lẽ, trọng tâm là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hơn là tàu thủy loại thường khi hạm đội của Nga chỉ có một tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân đang hoạt động là Pyotr Veliki (tiếng Nga có nghĩa là Peter Đại đế). Một tàu tuần dương chiến đấu thứ hai hiện đang được hiện đại hóa.
Đô đốc Viktor Kravchenko, cựu Tham mưu trưởng hải quân, nói với hãng thông tấn Interfax rằng cuộc chiến chống cướp biển quanh vùng Sừng châu Phi là lý do Nga cần thiết lập một căn cứ hậu cần và sửa chữa ở khu vực này. “Đó là một khu vực căng thẳng. Sự hiện diện của hải quân Nga ở đó là cần thiết”, ông Kravchenko nói, đồng thời ám chỉ rằng một ngày nào đó cơ sở này có thể được phát triển thành một căn cứ hoàn chỉnh.
Các nhà quan sát cho rằng, việc vun đắp hình ảnh của một cường quốc thế giới cũng đóng một vai trò quan trọng. Thực tế, Mỹ, Pháp và Trung Quốc có các căn cứ hải quân ở Djibouti trên Biển Đỏ. Ông Rolf Welberts, cựu Đại sứ Đức tại Sudan, đồng thời là người đứng đầu Văn phòng Thông tin NATO tại Matxcơva, nói với DW: “Nga tự xác định mình là một người chơi ngay tại khu vực quan trọng này của thế giới”. “Ngoài khẳng định vị thế, Nga còn có thể khai thác nguyên liệu thô ở Sudan trong trường hợp xung đột với phương Tây và các tuyến thương mại bị cắt đứt”, ông Alexander Golz, một nhà báo quân sự Nga nhận định.
Chỉ một vài năm trước, Nga và Sudan không có quan hệ mật thiết. Nhưng điều đó đã thay đổi vào năm 2017, khi Tổng thống Nga tiếp đón người đồng cấp Sudan Omar al-Bashir, tại Sochi. Khi đó, chính phủ Nga gửi thông điệp rằng họ sẵn sàng hợp tác với Sudan trong bối cảnh quốc gia này bị Mỹ liệt vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố và ông al-Bashir đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố vì tội ác chiến tranh ở Darfur.
Sudan cũng muốn phá thế cô lập trong nhiều năm. Tại cuộc gặp năm 2017 với Putin, Tổng thống al-Bashir gợi ý, Sudan là “chìa khóa của Nga tới châu Phi” và đưa ra kế hoạch về căn cứ hải quân. Các nguồn tin sau đó cho hay, các công ty Nga khai thác vàng ở Sudan và công ty an ninh tư nhân Wagner Group được cho là đã cố vấn cho lực lượng an ninh của al-Bashir trong một cuộc nổi dậy vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, các quan chức Nga phủ nhận việc liên quan đến các cuộc biểu tình. Ông al-Bashir bị lật đổ năm 2019 nhưng tháng 10 năm đó, chính quyền chuyển tiếp đã cử các phái viên tới hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi lần đầu tiên ở Sochi.