Với IPEF, Mỹ có vượt qua cái bóng của 'người khổng lồ' kinh tế Trung Quốc tại ASEAN?
Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, Mỹ còn nhiều việc phải làm để bắt kịp Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc đã gây dựng được các mối liên kết kinh tế đáng kể với ASEAN và đã vượt qua sự thống trị trước đây về kinh tế của Mỹ tại khu vực.
Vào đầu thế kỷ này, kim ngạch thương mại của Mỹ với ASEAN đạt 135 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với 39,5 tỷ USD của Trung Quốc.
Vào năm 2021, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với ASEAN lên tới 878 tỷ USD, cao hơn gấp đôi kim ngạch thương mại của Mỹ với khối là 380 tỷ USD. Điều này khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, vị trí mà Trung Quốc đã giữ trong 12 năm liên tiếp kể từ năm 2009.
Dấu ấn thương mại của Trung Quốc
Về hàng hóa, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của tất cả các nước ASEAN, ngoại trừ Lào và Brunei. Thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân của Trung Quốc giống như một miếng bọt biển, hút hầu hết hàng nhập khẩu từ khu vực, từ khí đốt tự nhiên hóa lỏng đến các mặt hàng điện tử.
Thị trường 660 triệu dân của ASEAN là điểm đến chính của hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là với tầng lớp trung lưu, vốn được dự báo sẽ tiếp tục lớn mạnh và chiếm tới 2/3 dân số của khu vực vào năm 2030.
Tiến sỹ Sarah Tong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Bắc Kinh đã “làm sâu sắc hơn đáng kể” mối quan hệ kinh tế của mình với Đông Nam Á kể từ đầu những năm 2000.
Thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua và gần tăng gấp bốn lần kể từ khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2005.
Trong những năm gần đây, khi Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng ở cả trong và ngoài nước để duy trì sự phát triển trong tương lai, việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế với các đối tác khu vực càng trở nên quan trọng.
Và bản thân khu vực Đông Nam Á cũng coi Trung Quốc là "người khổng lồ" về kinh tế trong khu vực. Tiến sỹ William Choong, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), cho rằng Trung Quốc chắc chắn có nhiều đà tiến hơn trong cách mà họ đang can dự với ASEAN.
Khảo sát của ISEAS-Yusof Ishak đầu năm 2022 cho thấy 76,7% số người tại Đông Nam Á được hỏi nói rằng Trung Quốc là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất. Có ý kiến cho rằng người Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc và đó là một khoảng cách lớn cần thu hẹp.
Lợi thế về đầu tư của Mỹ
Đầu tư là lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế cho tới lúc này. Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN lũy kế là 328,5 tỷ USD tính đến thời điểm năm 2020. Theo số liệu thống kê của ASEAN, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 35 tỷ USD vào ASEAN trong năm 2020, so với 7,8 tỷ USD của Trung Quốc cùng năm đó.
Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào ASEAN dẫn đầu là các tổ chức phi ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính. Mỹ cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất và thương mại bán buôn ở ASEAN.
Ông Zack Cooper, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho rằng một phần của sự chênh lệch thương mại và đầu tư này là do sự khác biệt giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ, xuất khẩu sang Đông Nam Á có thể khó khăn đối với nhiều ngành của Mỹ do khoảng cách quá xa. Đối với ASEAN, các sản phẩm của Mỹ trong một số ngành hàng sẽ đắt hơn so với hàng hóa của Trung Quốc.
Phần lớn nền kinh tế Mỹ thực sự được xây dựng dựa trên tài chính và đầu tư. Vì thế, sẽ là tự nhiên khi đầu tư của Mỹ chiếm phần phần lớn hơn nhiều trong hoạt động can dự của Mỹ tại khu vực so với đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bắc Kinh và Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (Trung Quốc) thì khoảng cách đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc không quá lớn nếu số liệu FDI từ Trung Quốc đại lục được kết hợp với số liệu của Hong Kong.
Báo cáo này cũng lưu ý rằng đầu tư từ Trung Quốc đang tăng đều đặn, từ mức trung bình hàng năm là 6,9 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, lên mức trung bình 11,5 tỷ USD mỗi năm từ 2016 đến 2020 - tăng khoảng 67%.
Theo số liệu của Bắc Kinh, đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chủ chốt như xây dựng và dịch vụ công nghệ thông tin (IT) đang tăng nhanh đáng kể, với mức tăng hơn 250% vào năm 2020 so với năm trước, đạt lần lượt 1,6 tỷ USD và 656 triệu USD.
Các chuyên gia cho rằng điều này cho thấy các khoản đầu tư của Trung Quốc đang nhắm vào những gì khu vực cần - hướng tới cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển và các dịch vụ công nghệ thông tin, như trung tâm dữ liệu.
Theo sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), Trung Quốc đang xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, chẳng hạn như cảng và đường sắt cao tốc, ở các quốc gia ASEAN - điều mà Mỹ sẽ không sánh kịp.
Tiến sỹ Zack Cooper của AEI nhận định, có một sự bất cân xứng cơ bản ở đây, đó là Mỹ không quyết định được những gì mà lĩnh vực tư nhân của họ muốn làm. Không giống như ở Trung Quốc, nơi chính phủ tham gia nhiều hơn và tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp Trung Quốc, khu vực tư nhân của Mỹ phần lớn được thúc đẩy bởi các đánh giá về lợi nhuận kỳ vọng trên đầu tư và hồ sơ rủi ro.
Điều tối đa mà bất kỳ chính quyền nào của Mỹ có thể làm là tung ra các biện pháp kích thích để khuyến khích các công ty đầu tư vào một nơi nào đó.
“Chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ có thể công bố hàng tỷ USD trong khoản đầu tư mới do Chính phủ Mỹ định hướng ở Đông Nam Á, chỉ vì đó không phải là cách hệ thống của chúng tôi hoạt động. Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi ngày, không có hàng trăm công ty Mỹ muốn đầu tư vào khu vực này”, Tiến sỹ Zach Cooper nói.
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Yun Sun từ Trung tâm Stimson, cũng lưu ý rằng cách tiếp cận do nhà nước dẫn dắt của Trung Quốc đối với thương mại và đầu tư không phải là mô hình mà Mỹ có thể thực hiện.
“Đối với các nhà quan sát Đông Nam Á có nhiều khao khát thì đây có thể là một thực tế mà họ phải tính đến. Mỹ và Trung Quốc đều có lợi thế so sánh riêng của họ trong can dự kinh tế cũng như thiết các mối quan hệ rộng lớn hơn với khu vực”, bà Yun Sun nhận xét.
IPEF có giúp Mỹ bắt kịp Trung Quốc?
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã khởi động các cuộc thảo luận về việc thiết lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) vào ngày 23/5. Nhưng các quan chức Mỹ đã nói rõ ràng rằng kế hoạch kinh tế này sẽ không phải là một thỏa thuận thương mại tự do truyền thống với khả năng tiếp cận thị trường, vốn được cho là ở vị trí hàng đầu trong danh sách mong muốn của Đông Nam Á.
Thay vào đó, IPEF sẽ tập trung vào bốn “trụ cột” là khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, chống tham nhũng, thương mại công bằng và linh hoạt, bao gồm nền kinh tế kỹ thuật số và tiêu chuẩn lao động.
Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Hinrich Foundation, cho biết: “Đối với hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được coi là một giải thưởng an ủi cho những gì họ thực sự muốn, đó là các cam kết mở cửa thị trường cụ thể từ Mỹ. Chương trình nghị sự dường như phản ánh nhiều hơn những gì Mỹ muốn thay vì những gì ASEAN muốn”.
Chuyên gia Yun Sun cho rằng, trong khi bốn trụ cột của IPEF có thể hấp dẫn theo cách truyền đạt và quan điểm của Mỹ, các quốc gia trong khu vực có thể thấy rất khó tham gia, chẳng hạn như các tiêu chuẩn thương mại cao hơn hay vấn đề giải quyết tham nhũng. IPEF có thể không phải là thứ mà các nước kém phát triển hơn trong khu vực thấy cần nhất cho họ.
Tiến sỹ Sarah Tong cũng chỉ ra rằng trong khi IPEF cũng giống như Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở việc nhấn mạnh vào thương mại công bằng và linh hoạt, hiện vẫn chưa rõ “mức độ hấp dẫn của những “vấn đề tiêu chuẩn cao” này đối với các thành viên tiềm năng của IPEF ngoài các thành viên thuộc nhóm các nước đã phát triển trong khu vực, khi không có lời hứa tiếp cận thị trường tốt hơn.
Các nhà phân tích khác như Tiến sỹ Choong của Viện ISEAS-Yusof Ishak cũng cho rằng Mỹ có thể kêu gọi các thành viên ASEAN phát triển hơn tham gia IPEF, nhưng sẽ khó khăn cho các quốc gia kém phát triển hơn như Campuchia hoặc Lào.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Stephen Olson, tùy thuộc vào các chi tiết của IPEF mà các thành viên ASEAN có thể tìm thấy một số khía cạnh mong muốn của họ. Ví dụ, nếu các điều khoản thương mại kỹ thuật số có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường toàn cầu, thì điều đó có thể hoàn toàn có lợi cho một khu vực bị thống trị bởi các công ty như vậy.
Dù vậy, nếu các điều khoản khác nghiêm cấm các đòi hỏi lưu trữ dữ liệu trong nước hoặc yêu cầu phải có dòng chảy dữ liệu mở xuyên biên giới thì ít nhất một số chính phủ trong khu vực sẽ gặp khó khăn trong việc ký kết.
Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, bà Wendy Cutler, từng là Quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, thừa nhận rằng một số nước trong khu vực chắc chắn sẽ thất vọng rằng IPEF sẽ không phải là một hiệp định thương mại truyền thống với các đề nghị tiếp cận thị trường, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Bà Wendy Cutler nhận định: “Nhưng điều quan trọng là các nền kinh tế ứng cử viên tiềm năng phải xem xét chặt chẽ các trụ cột khác nhau của IPEF để đánh giá những lợi ích và động lực ngoài vấn đề tiếp cận thị trường.
Chẳng hạn, việc tập trung vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng có thể có lợi vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang khiến nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại các mô hình nguồn cung ứng và điểm đến cho các khoản đầu tư mới. Với trụ cột về chuỗi cung ứng linh hoạt, IPEF có thể đi một chặng đường dài trong việc giúp các quốc gia và doanh nghiệp suy nghĩ lại và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của họ”.
(theo Straits Times)