Với loạt ưu đãi mới, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tốt hơn trong thời gian tới
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua Chính phủ đã ký đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030. Sắp tới, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa X sẽ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nhóm chính sách nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay. Như vậy, thời gian tới nhà ở xã hội sẽ phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Nhà ở xã hội đang là như cầu cấp thiết hiện nay tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Xây dựng cho biết hiện nay, pháp luật về nhà ở, nhất là liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, đã quy định rất rõ các hình thức đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nguồn lực nhà nước cũng như huy động các nguồn lực khác, các doanh nghiệp nguồn vốn khác, không hạn chế phạm vi nào.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp chưa "mặn mà" khi đầu tư các dự án, Thứ trưởng Sinh cho biết pháp luật đã quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trước đây là 20% diện tích trong các dự án nhà ở cơ bản. Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 đã sửa đổi theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu phù hợp với điều kiện, quy hoạch. Như vậy, quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn.
Về ưu đãi cho chủ đầu tư, đây là nội dung được quan tâm rất nhiều trong thời gian qua, Thứ trưởng Sinh cho biết quy định đã rất rõ về chính sách ưu đãi, bao gồm việc miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, lợi nhuận 10%, ưu đãi vay vốn...
Trong thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật nhà ở (sửa đổi), có hỗ trợ tích cực hơn như hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, được các địa phương hỗ trợ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị…
“Trong quá trình sửa đổi luật, có nhiều ý kiến cho rằng tại sao không nâng lợi nhuận lên 15%? Qua khảo sát và thấy rằng như vậy sẽ làm nâng giá bán nhà cho người thu nhập thấp. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cũng thấy lợi nhuận 10% là chấp nhận được rồi. Quan trọng doanh nghiệp đang cần là cải cách thủ tục hành chính, các địa phương phải tích cực vào cuộc để giải quyết việc này, lúc đó sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn”, Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho biết thêm, các doanh nghiệp cũng được tiếp cận, hỗ trợ, vay lãi suất ưu đãi… Riêng với nhà ở xã hội đã có gói hỗ trợ 120.000 tỷ để các chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2%. Đó là những chính sách hết sức kịp thời.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư. Chắc chắn rằng trong giai đoạn tới nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tốt hơn. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ký đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 với những giải pháp rất đồng bộ, sẽ đồng bộ cả về thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đất đai. Sắp tới, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa X sẽ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nhóm chính sách nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay. “Thời gian tới nhà ở xã hội sẽ phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu hiện nay”, Thứ trưởng Sinh tin tưởng.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định không phân biệt chủ đầu tư nhà ở xã hội là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân. Ông cho biết, quy định pháp luật về nhà ở, đầu tư phát triển nhà ở xã hội quy định các hình thức phát triển loại nhà ở này, trong đó có thể Nhà nước hoặc huy động các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, nên "không hạn chế phạm vi nào" đầu tư vào phân khúc nhà ở này.
Cũng tại Buổi Họp báo, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói thêm, Nhà nước thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách và thanh kiểm tra. Còn việc đầu tư sẽ do các doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân đảm nhiệm để huy động tối đa nguồn lực.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nửa đầu năm nay cả nước toàn quốc đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với 157.000 căn; đang triển khai 418 dự án quy mô 432.000 căn. Chính phủ đặt mục tiêu đến 2030 có ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn; tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.
Theo ông, dự Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng bổ sung quy định, địa phương trên cơ sở kế hoạch phát triển nhà ở phải dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập, hoặc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Nhu cầu về nhà ở xã hội tại các đô thị như Hà Nội, TP HCM rất lớn. Trung tuần tháng 4, người dân xếp hàng từ 2h sáng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong khi đó, điều kiện mua được cho không hợp lý, ví dụ quy định "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình" sẽ khiến lao động có nhà ở quê muốn lập nghiệp ở các đô thị gặp khó khăn.
Nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội diễn biến ra sao?
Từ đầu năm đến nay, nguồn cung nhà ở xã hội bắt đầu trở nên dồi dào hơn, nhưng phần lớn tập trung ở các thị trường tỉnh, đặc biệt là những khu vực tập trung đông các khu công nghiệp và công nhân làm việc. Tại Hà Nội, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở bình dân vẫn còn khan hiếm.
Tuy nhiên, nếu so với năm ngoái và nhiều năm trước nữa, 2023 vẫn là một năm mà nhà ở xã hội tại thị trường Hà Nội đón nhận những chuyển biến tích cực về nguồn cung. Đến nay, Hà Nội đã phê duyệt và bổ sung 8 dự án nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Phía Bắc Hà Nội sẽ có các dự án khu nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh); Khu nhà ở xã hội CT4 Đông Anh (huyện Đông Anh), dự án nhà ở xã hội Minh Đức thuộc xã Tiền Phong (huyện Mê Linh). Nguồn cung nhà ở xã hội thuộc phía Đông thủ đô sẽ được bổ sung thêm dự án nhà ở xã hội kết hợp bãi đỗ xe tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm).
Phía Tây Hà Nội có dự án nhà ở xã hội tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), nhà ở xã hội Đức Thượng (Hoài Đức). Phía Nam Hà Nội sẽ có các dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai); Khu nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai).
Sau khi được xây dựng, đi vào vận hành, các dự án này sẽ cung cấp khoảng 485.120 m2 sàn nhà ở, tương ứng 5.572 căn hộ cho thị trường nhà ở Hà Nội. Hiện tượng người dân xếp hàng mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn, cùng với đó vụ cháy chung cư mini xẩy ra cho thấy thị trường và người tiêu dùng đang “khát” nhà ở xã hội như thế nào.