Voi ma mút xuất hiện tại Bắc Mỹ 10.000 năm trước
Hóa thạch được tìm thấy tại một tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Mỹ cho thấy voi ma mút lông dài xuất hiện cách đây 10.000 năm.
Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã công bố những bằng chứng mới khẳng định loài voi ma mút lông dài vẫn còn xuất hiện tại Bắc Mỹ cách đây khoảng 10.000 năm.
Những bằng chứng này đi ngược lại những giả thuyết trước đây cho rằng loài voi này và nhiều loài
động vật có vú khác ở kỷ Băng Hà đã bị tuyệt chủng cách đây khoảng 13.000 năm, sau khi một thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất.
Sau khi tiến hành phân tích "các mẫu hóa thạch gen" từ phân và nước tiểu do loài voi ma mút lông dài để lại dọc Sông Yukon (thuộc vùng lãnh thổ Yukon ở Bắc Cực của Canada), các nhà khoa học cho rằng loài voi này còn xuất hiện tại Bắc Mỹ thêm vài nghìn năm nữa so với những giả thuyết trước đây.
Một trong những mẫu hóa thạch được tìm thấy tại một tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu cho thấy loài động vật này vẫn còn xuất hiện gần đây nhất cách đây khoảng từ 7.600 năm đến 10.000 năm.
Theo nhóm nhà khoa học trên, loài voi ma mút lông dài bị xóa sổ sau này có thể do nạn săn bắn bừa bãi của những người thổ dân đầu tiên đặt chân lên Bắc Mỹ hoặc do một căn bệnh huyền bí nào đó.
Nhà khoa học Duane Froese thuộc Đại học Alberta, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, rõ ràng các mẫu ADN của loài voi ma mút lông dài được tìm thấy tại vùng đất bị đóng băng vĩnh viễn có giá trị khoa học hơn bất cứ mẫu hóa thạch xương nào đã được tìm thấy.
Từ những dấu vết còn lại, các nhà khoa học cho rằng, rất có thể tại khu vực miền Trung của bang Alaska (Mỹ) và Yukon (Canada), hiện vốn là một vùng đất xanh tươi và nhiều cỏ cây, đã từng có nhiều voi ma mút lông dài sinh sống cách đây 10.000 năm.