Với người dân Ấn Độ, hình ảnh Việt Nam luôn gắn với Hồ Chủ tịch!

'Trong tư tưởng và tình cảm của người dân Ấn Độ, hình ảnh Việt Nam luôn gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh…', Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người…

PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước. Điều này được thể hiện như thế nào trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Có thể nói, mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trở nên đặc biệt tin cậy, gắn kết do những tương đồng về tư tưởng giữa hai vĩ nhân kiệt xuất của hai dân tộc: Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi. Hai nhà lãnh tụ cách mạng dù không có cơ hội gặp nhau nhưng sự trân trọng, ngưỡng mộ mà họ dành cho nhau đã trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Trong khi đó, tình bạn bền chặt, chung thủy giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, đưa hai dân tộc kề vai sát cánh bên nhau qua những biến động của lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng coi mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là “tình anh em”, trong khi các thế hệ lãnh đạo Ấn Độ luôn bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị giữa hai nước sẽ luôn được củng cố theo thời gian bởi nó được vun đắp từ những lý tưởng chung về độc lập dân tộc, hòa bình, hợp tác tin cậy lẫn nhau.

 Bác Hồ trồng cây đại bên mộ Mahatma Gandhi/ Ảnh tư liệu.

Bác Hồ trồng cây đại bên mộ Mahatma Gandhi/ Ảnh tư liệu.

PV: Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tôn vinh như thế nào ở đất nước Ấn Độ, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Ấn Độ 3 lần. Lần đầu tiên Bác Hồ ghé qua Ấn Độ năm 1911 khi trên đường đi tìm đường cứu nước; lần thứ hai năm 1946 với tư cách là nguyên thủ quốc gia, dừng chân ở Ấn Độ trên đường đến Pháp dự hòa đàm; Và lần thứ ba năm 1958 là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước 10 ngày với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những lần Bác Hồ đến Ấn Độ đều để lại dấu sâu đậm trong tâm khảm những người dân Ấn Độ. Trong chuyến thăm chính thức, hàng ngàn người dân của Ấn Độ đã xuống đường để chào đón Bác rất nồng ấm và trọng thị.

Trong tư tưởng và tình cảm của người dân Ấn Độ, hình ảnh Việt Nam luôn gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập của chúng ta, rất đông người Ấn Độ đã xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh giành hòa bình do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Khẩu hiệu “Tên tôi là Việt Nam, tên anh là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam. Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ” đã được hô vang trên các phố phường Ấn Độ. Nhiều học giả, nhà văn, nhà thơ Ấn Độ đã xuất bản rất nhiều cuốn sách kể về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, ca ngợi sự vĩ đại nhưng cũng hết sức giản dị của Bác Hồ.

Tôn vinh Hồ Chủ tịch ở Ấn Độ vừa được xác định là một trụ cột trong hoạt động ngoại giao văn hóa vừa là sinh hoạt thường xuyên của Đại sứ quán. Hiện ở thành phố Kolkata có tượng bán thân của Bác trong một công viên và một đại lộ mang tên Bác mà trên đó có Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Tại New Delhi có một đại lộ rất lớn mang tên Bác mà mỗi lần khi đi ngang qua các thiết bị GPS chỉ đường lại đọc rất to tên Hồ Chí Minh. Góc Việt Nam – Hồ Chí Minh đã được mở ở Thư viện quốc gia và thư viện trung tâm của Ấn Độ.

Hằng năm, Đại sứ quán đều tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, triển lãm ảnh, chiếu phim, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay Bưu chính Ấn Độ đang phối hợp với Đại sứ quán thiết kế con tem về Bác và định ra mắt bộ tem về Hồ Chí Minh nhân dịp 130 năm Ngày sinh Bác nhưng do dịch bệnh Covid 19 đã phải hoãn lại.

PV: Đại sứ đánh giá thế nào về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đối với Việt Nam trong quan hệ, hợp tác với các nước?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Trước đây, khi ở cương vị Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO- Bộ Ngoại giao, trong quá trình xây dựng chiến lược Ngoại giao Văn hóa, tôi đã cố gắng tìm hướng đi mới. Qua nghiên cứu, tôi thấy một số nước đã sử dụng hình ảnh cá nhân để xây dựng hình ảnh quốc gia, ví dụ như Mahatma Gandhi - Ấn Độ; Khổng Tử - Trung Quốc; Puskin – Nga… Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam phải xây dựng hình ảnh Bác Hồ, người được UNESCO ra Nghị quyết vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Từ góc độ đó, Đề án sẽ giúp vinh danh Bác Hồ như một người Việt Nam tiêu biểu, là đòn bẩy để nâng tầm ngoại giao văn hóa, thắt chặt quan hệ hữu nghị và giao lưu nhân dân giữa các nước.

PV: Đại sứ cảm nhận như thế nào về tình cảm của người dân nói chung và các chính khách Ấn Độ hiện nay đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru trong bài phát biểu chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ vào tháng 2-1958 đã phát biểu: “Chúng ta có dịp đón chào nhiều vị thượng khách đến từ nhiều nước, nhưng vị khách chúng ta có dịp đón chào hôm nay thật là độc đáo, vô song. Không một vị khách quý nào của chúng ta lại giản dị đến thế và chỉ nhìn thấy Người là chúng ta bị cuốn hút ngay. Đây là con người có trái tim vĩ đại và được tiếp đón Người, chúng ta dường như lớn thêm lên!”.

Trong một năm rưỡi công tác ở địa bàn Ấn Độ, tôi đã có dịp đi gần hết 28 bang và các vùng lãnh thổ của tiểu lục địa Ấn Độ và gặp gỡ rất nhiều chính khách, doanh nhân, nghệ sĩ, học giả, nhà báo… Họ luôn kể về Hồ Chí Minh với tấm lòng tôn kính, đúng như lời của Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Những câu chuyện, những dấu tích lưu giữ hình ảnh Bác Hồ trên mọi miền Ấn Độ khiến tôi cảm thấy nơi đây càng thêm thân thuộc.

Tôi gặp một nhà văn Ấn Độ đã viết rất nhiều sách về Hồ Chí Minh, nói rằng ông vẫn nhớ từng lời nói, cử chỉ khi Bác Hồ đứng diễn thuyết trước hàng ngàn người dân Ấn Độ ở thủ đô Kolkata trong chuyến thăm năm 1958. Tôi gặp một doanh nhân lớn của Ấn Độ mở đầu câu chuyện bằng sự tự hào rằng vợ ông từng được Bác Hồ cho kẹo khi theo bố sang công tác nhiệm kỳ ngoại giao ở Việt Nam. Khi đến thăm mộ lãnh tụ Mahatma Gandhi vào đầu năm nay, cảm giác thật xúc động khi được đứng dưới cây đại cổ thụ hơn 60 tuổi, được Bác Hồ mang sang từ Việt Nam khi sang thăm Ấn Độ vào năm 1958. Tôi cũng thấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy bút tích của Bác Hồ ký tặng con gái nuôi Indira Gandhi khi thăm nhà tưởng niệm Thủ tướng Indira Gandhi… Tôi cũng đã chọn lưu trú tại khách sạn Lalit Great Eastern mỗi khi đi công tác đến Kolkata, đơn giản là chỉ để muốn thấy hình bóng của Người vì nơi đây vào năm 1946 Bác đã từng dừng chân khi trên đường đến Paris để đàm phán hòa bình.

 Đại sứ Phạm Sanh Châu (đứng bên trái) bên tượng Bác ở Ấn Độ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (đứng bên trái) bên tượng Bác ở Ấn Độ.

PV: Được biết, thành phố Kolkata của Ấn Độ là nơi người dân có những tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin Đại sứ chia sẻ những câu chuyện về tình cảm và sự ngưỡng mộ của người dân và chính quyền thành phố này đối với vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Kolkata, thủ phủ bang West Bengal là thành phố đầu tiên ở Ấn Độ có con đường mang tên Đường Hồ Chí Minh. Người dân ở đây nói rằng, vì yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh nên họ tự đặt con đường mang tên của người ở con đường to đẹp và ở trung tâm thành phố. Sau nhiều năm vận động, chính quyền thành phố đã chính thức công nhận đường mang tên Hồ Chí Minh, giao với đường Jawaharlal Nehru. Đây cũng là thành phố đầu tiên ở Ấn Độ dựng tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt trên bệ cao 2m, do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp khánh thành vào năm 1991.

Kolkata cũng là nơi đặt trụ sở của Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, được thành lập vào năm 1970 nhằm thể hiện sự ủng hộ của nhân dân Ấn Độ đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch hội, Geetesh Sharma, năm nay đã 90 tuổi, là người có một tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam và Bác Hồ. Dưới sự lãnh đạo của ông, các thành viên của Ủy ban đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước trong 40 năm qua. Ủy ban cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, viết sách về Bác Hồ, tham gia tôn tạo tượng Bác, tổ chức Hội sách về Hồ Chí Minh… Bản thân cụ Geetesh Sharma đã từng 29 lần sang Việt Nam để tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau. Hội giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức hữu nghị ở Việt Nam và thường xuyên đón tiếp các đoàn công tác của Việt Nam sang làm việc.

PV: Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!

MỸ HẠNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/voi-nguoi-dan-an-do-hinh-anh-viet-nam-luon-gan-voi-ho-chu-tich-618293