Vội vã di tản khỏi Kabul

Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden, cam kết chính quyền sẽ làm mọi thứ có thể để sơ tán công dân Mỹ và những người đã hỗ trợ lực lượng Mỹ ở Afghanistan.

Tuy nhiên, ông Biden cũng thừa nhận nhiệm vụ này phải đối mặt với rủi ro và ông không thể đảm bảo kết quả cuối cùng sẽ như thế nào và đây là một trong những chiến dịch không vận lớn nhất và khó khăn nhất trong lịch sử.

Cam kết của Tổng thống Mỹ đưa ra khi mà những làn sóng người tràn tới sân bay quốc tế Hamid Karzai, Thủ đô Kabul. Họ ra đi bất chấp rủi ro và cũng không một ai trong số họ biết trước những gì chờ đợi ở phía trước.

Kể từ ngày 15/8, khi Taliban kiểm soát Kabul, người ta đã chứng kiến một cuộc di tản khổng lồ, không chỉ của các lực lượng Mỹ và đồng minh tại Afghanistan, mà còn của giới ngoại giao nhiều nước. Và còn nhiều hơn thế rất nhiều là những người Afghanistan, họ ra đi vì lo sợ phải sống trong đất nước của chính mình.

“Không thể biết nơi chúng tôi đến sẽ ra sao, cuộc sống sau này của gia đình tôi thế nào nhưng chúng tôi vẫn phải ra đi” - một người đàn ông làm phiên dịch cho phái bộ Mỹ tại Afghanistan nói với Reuters. “Anh ta dắt theo vợ và hai con nhắm hướng bức tường bê-tông rất cao ở sân bay Hamid Karzai, nơi có những chiếc máy bay khổng lồ của nhiều nước đợi công dân nước mình di tản khỏi Afghanistan. Hôm sau, chúng tôi gặp lại người đàn ông đó. Thật rủi ro, gia đình anh ta đã không kiếm được một chỗ trên máy bay để tháo chạy” - bài báo mô tả.

Thực ra, từ đầu tháng 7, nhiều người Mỹ đã rời khỏi Afghanistan. Trong tháng 7 và 10 ngày đầu tháng 8, đã có 18.000 người Mỹ ra đi. Trước ngày Taliban tiến vào Kabul, thêm 13.000 người nữa đã rời khỏi đất nước này bằng đường hàng không. Ông Joe Biden nói: “Đây là một trong những chiến dịch không vận lớn và khó khăn nhất trong lịch sử”.

Những ngày qua, dư luận thế giới bàng hoàng trước bức ảnh 640 người Afghanistan “nhồi nhét” trong lòng chiếc máy bay vận tải C-17 của Mỹ, vào đêm 15/8 - đêm đầu tiên khi Taliban tiến vào Kabul; trong khi chiếc máy bay này chỉ thiết kế chuyên chở 150 binh sĩ. Trong bối cảnh chở đông người như vậy, mọi người được bố trí ngồi dàn ra trên sàn của khoang chứa, quấn vào dây đai hàng hóa làm dây an toàn tạm thời. Việc này được gọi là “tải sàn”. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, binh sĩ đã không thể ngăn được dòng người hoảng loạn, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ. “Họ vẫn chen vào cho dù cửa máy bay đang đóng dần ngay trước khi máy bay cất cánh. Thay vì cố gắng buộc những người tháo chạy đó rời khỏi máy bay, phi hành đoàn đã quyết định bay” - người này nói với Defense One.

Một máy bay quân sự Đức chở theo người di tản từ hạ cánh. Ảnh: Reuters.

Một máy bay quân sự Đức chở theo người di tản từ hạ cánh. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, lực lượng quân đội Mỹ cuối cùng còn ở lại Afghanistan cố sức di tản nốt những người Mỹ còn “kẹt lại” Kabul. “Một hàng rào súng ống hộ tống cho 169 công dân Mỹ trên một quãng đường chỉ 200m để đến khu vực có 3 chiếc trực thăng” - AP thông tin. Phát ngôn viên John Kirby của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết phải dùng trực thăng để đưa nhóm người này ra sân bay từ một khách sạn, vì họ không thể chen lấn được với hàng nghìn người Afghanistan trên tay là những tấm giấy chứng nhận cùng vật dụng tùy thân.

Trước tình thế khó khăn ấy, ông Biden cho biết, quân đội Mỹ có thể ở lại Afghanistan sau thời hạn 31/8 để sơ tán tất cả người Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News, ông Biden nói: “Nếu vẫn còn công dân Mỹ ở Afghanistan, chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại cho đến khi đưa hết tất cả họ rời đi”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết còn khoảng 4.500 quân nhân Mỹ ở Kabul và Taliban hiện vẫn không can thiệp khi quân đội Mỹ đảm bảo an ninh cho sân bay Kabul để tổ chức hoạt động sơ tán. Tuy nhiên, ông L.Austin không cho biết còn bao nhiêu thường dân Mỹ.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki, cho biết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện những chuyến di tản nhanh nhất có thể “với bất cứ ai muốn ra đi”. Tướng William D.Taylor cam kết sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul được đảm bảo an toàn cho đến khi chuyến bay cuối cùng chở người di tản cất cánh. Tương tự, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan, nói rằng dù khó khăn đến đâu thì “chúng ta cũng không có quyền bỏ rơi những người của chúng ta”.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, ông John Kirby, nói Mỹ có khả năng đưa khoảng 5.000 - 9.000 người rời Kabul mỗi ngày nếu sân bay tiếp tục được đảm bảo an ninh. Ông Kirby cũng cho biết người phát ngôn của Taliban, Suhail Shaheen, nói với trang tin Sky News rằng họ “cam kết không tấn công” những người Mỹ rời Afghanistan và nói thêm rằng Mỹ nên hoàn thành việc rút quân trước ngày 11/9.

“Không rõ họ có thể gây ra hậu quả gì cho người Mỹ nếu thời hạn đó không được đáp ứng” - ông Kirby nói.

Những ngày qua, tình trạng nôn nóng, sợ hãi, thậm chí là mất kiểm soát của người dân đã khiến sân bay Kabul trở nên hỗn loạn, chen chúc. Chính phủ một số nước đã đưa ra con số người di tản đến từ Afghanistan mà họ có thể tiếp nhận. Trong đó, Mỹ cam kết đón ngay 10.000 người, trong khi sẽ tiếp nhận 3.000 người theo một chương trình “khẩn cấp”. London cũng đã công bố một kế hoạch định cư có thể cung cấp nơi cư trú cho 20.000 người tị nạn Afghanistan trong những năm tới, mà trọng tâm là phụ nữ, trẻ em và các nhóm tôn giáo thiểu số. Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đã yêu cầu Liên minh châu Âu lên kế hoạch để đón “những người di cư bất thường” vì rằng rất có thể họ sẽ đổ bộ vào châu Âu.

Thanh Đức (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/voi-va-di-tan-khoi-kabul-5662929.html