Vội vàng tháng chạp

Tháng Chạp lại về, một năm sắp hết. Bao năm bộn bề với những lo toan, những cái đích không hình của cuộc sống, không kịp nhận ra sự vội vàng đến, vội vàng đi, ngắn ngủi nhưng vô cùng đẹp đẽ của tháng Chạp.

Đến rồi đi theo vòng quay của vũ trụ, vậy mà tháng Chạp vẫn lạ lẫm, vẫn xôn xao, vẫn rưng rưng trong gió, trong làn mưa nhẹ như sương đêm... Tháng Chạp, đến giấc ngủ cũng ngắn hơn bởi những lo toan khi Tết đã cận kề. Nhưng tháng Chạp không chỉ có thế. Tháng Chạp còn là sự khơi gợi nỗi nhớ quê, nhớ người thân, là tiếng gọi thẳm sâu, ám ảnh cội nguồn. Nhớ thì về, cố gắng để về thôi. Về thăm quê, những ngày tháng Chạp cho lòng bớt vội vã.

Cuối năm, trời bảng lảng mây và rét ngọt. Dắt những đứa cháu nhỏ ra cánh đồng xưa, kiếm mấy cây cỏ gà, bắt mấy con muỗm béo ngậy... để tìm lại những ký ức của một thời thơ dại. Bờ đê vẫn cao vút như thuở nào. Nhưng không còn là những triền đê nuôi nấng thảm cỏ xanh mướt mát, không còn là những đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ trong lúc chờ cô chủ, cậu chủ tranh thủ ngụp lặn dưới dòng nước mát để lấy những bó rau tóc tiên về cho đàn lợn háu ăn...

Tất cả con đường, bờ đê bây giờ đều đã "bê tông hóa" khang trang, đẹp đẽ. Nhưng cây gạo già thì vẫn còn đây, vẹn nguyên ở chỗ này, chứng kiến bao sự đổi thay của vạn vật. Ngồi dưới gốc gạo già trơ trụi lá, ngắm những thửa ruộng đang chờ ải mà nhớ quay quắt mùa đông năm nào. Mùa đông đối với những đứa trẻ nghèo bao giờ cũng lạnh hơn thì phải. Vì đói, vì manh áo cộc, vì thông thốc gió giữa cánh đồng trơ trọi. Những lớp sương muối phủ trắng xóa vạt cỏ già, xoa mờ cả những bước chân trên lối mòn cheo leo. Trong manh áo cộc, những đứa trẻ xúm lại đốt lửa để sưởi ấm trong lúc canh chừng đàn trâu, bò đang gặm cỏ xa xa...

Cho đến một sáng thức giấc, lớp sương trắng ấy không còn. Ánh nắng vàng xuyên qua những tầng cây cao thấp, nhảy nhót trên những thảm cỏ vừa bật chồi xanh. Tháng Chạp sắp đi qua và Tết đã cận kề. Phấn khởi nhất có lẽ là bọn trẻ con, chúng không phải đưa bò đi tìm cỏ ở đồng xa nữa. Vắt vẻo trên lưng trâu, ngắm ánh nắng hoang hoải cuối đông và bắt đầu ba hoa về cái Tết đang cận kề. Cái Hoa khoe, mẹ nó đang chăm bẵm một đàn lợn con sắp đến ngày xuất chuồng. Mẹ nó bảo, chỉ vài phiên chợ nữa, đàn lợn sẽ đến tuổi được bán. Có tiền rồi, mẹ nó sẽ dành ra một chút để mua cho chị em nó bộ quần áo mới. Trẻ con nhà nghèo, thấy áo mới là thấy Tết về. Mấy Tết rồi nó chưa có quần áo mới. Áo diện Tết của nó đa phần là nhờ mẹ nó sửa sang lại từ những chiếc áo cũ của người chị họ trên tỉnh gửi cho. Nghĩ đến được cầm chiếc áo mới, được hít hà mùi vải mới tinh, Hoa phấn chấn và... chờ đợi.

Những ký ức một thời con trẻ ấy vụt về nhẹ như làn gió xuân nhưng gợi mênh mang bao nỗi buồn nhớ. Bọn trẻ con thời hiện đại lắng nghe câu chuyện tôi kể mà như lạc vào một thế giới khác thần tiên và kỳ lạ. Tôi dắt các cháu nhỏ trở về nhà trên con đường bê tông thênh thang, rộng rãi. Không còn là những hàng rào dâm bụt, không còn những chiếc cổng được cắt tỉa bởi hàng cây duối... Nẻo quê ngày nào giờ đây chỉ còn là nỗi nhớ mênh mang, nỗi nhớ chẳng gọi nổi bằng tên. Ngôi nhà tôi vẫn ở đây, cạnh dòng sông thơ mộng, êm đềm.

Những nhà ven sông giờ đã khác xưa nhiều lắm. Không còn là những ngôi nhà tạm trên những con thuyền nhỏ tròng trành sóng nước. Đa số những hộ sống bằng nghề sông nước đã mua được đất, dựng được ngôi nhà sát với bãi sông ấy. Xưa, Tết bao giờ cũng đến sớm với những nhà ven sông. Bởi khi đó, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của cả làng vẫn là nước sông. Mỗi nhà bắc một cây cầu ao nho nhỏ bằng vài đoạn tre chắc chắn.

Chiều về, khúc sông trở thành nơi cả xóm tụ tập, sinh hoạt. Cứ tầm 29, 30 Tết, những người đàn ông trong thôn lại hò nhau khiêng lợn ra bến sông để làm thịt. Bọn trẻ con háo hức xung quanh để chờ lấy quả bong bóng lợn làm quả bóng để đá. Cả nhà háo hức chờ đợi bố đi đụng lợn, mang thịt về làm nhân bánh chưng. Thời ấy, ít nhà có điều kiện mua thịt lợn lắm. Vào dịp Tết, thường thì cứ dăm nhà rủ nhau đụng một con lợn chừng 50 kg. Số thịt chia nhau chẳng có nhiều, mỗi nhà chỉ vài kg thôi, nhưng vui vẻ, chộn rộn cả xóm.

Chiều cuối năm nhập nhằng tối lúc nào không hay. Tôi trở về nhà, thấy bố đang thong thả chuyển những cành củi nhỏ to đã phơi khô vào trong bếp để vài ngày tới sẽ nấu bánh chưng. Bố bảo, tháng Chạp sắp qua cũng là lúc chuẩn đón những đợt mưa xuân. Bao năm nay, nhiệm vụ của bố trong những ngày giáp Tết là gói bánh chưng, vì vậy bố lo chuẩn bị củi từ những tháng đông hanh hao rét buốt. Mẹ thì vẫn tỉ mẩn chăm bẵm vườn rau đủ loại. Một luống su hào, một luống rau xà lách, hành, hẹ và không thể thiếu một góc nhỏ trồng rau mùi để đun nước tắm trước giao thừa. Đó là thói quen từ thời xưa của mẹ. Cùng với lọ mọ canh nồi bánh chưng, mẹ tranh thủ bếp đượm lửa chuẩn bị nấu nồi nước mùi già cho cả nhà tắm gội hoặc rửa mặt vào sáng ngày mùng Một. Cái mùi hăng hắc, ngai ngái ấy thật khó quên. Đó là mùi của sự chăm sóc, của tình yêu thương từ hơi ấm của bà, của mẹ. Đó là mùi của tháng Chạp.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/voi-vang-thang-chap/d20220125094718393.htm