"Sau khi có tiếng còi báo động ở khu vực Eilat về sự xâm nhập của máy bay thù địch vào tối 8/4, hải quân Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã xác định một mục tiêu trên không đáng ngờ đang bay vào lãnh thổ", IDF hôm nay thông báo.
"Mục tiêu sau đó đã bị hệ thống phòng không hải quân 'C-Dome' đánh chặn thành công", IDF cho biết thêm.
IDF cho biết vật thể này bay vào không phận Israel từ hướng đông, song không xác nhận nó có phải là máy bay không người lái (UAV) hay không.
Một quan chức IDF tiết lộ đây là lần đầu tiên hệ thống phòng không C-Dome thực chiến kể từ khi được đưa vào hoạt động hồi tháng 11/2022.
Video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy tổ hợp C-Dome đặt trên chiến hạm lớp Saar 6 đã phóng hai tên lửa đánh chặn giữa đêm, tạo ra các vụ nổ liên tiếp trên bầu trời.
Hệ thống C-Dome là dự án chung giữa Hải quân Israel với Cơ quan Phòng thủ tên lửa Israel (IMDO) phối hợp cùng với hãng công nghiệp quốc phòng Rafael, để phát triển.
Hệ thống phòng không này được được phát triển từ hệ thống "Vòm Sắt" nổi tiếng, nhằm trang bị cho lực lượng hải quân.
C-Dome sử dụng hệ thống ống phóng thẳng đứng với 10 tên lửa Tamir, có thể xoay vòng 360 độ và khai hỏa liên tiếp theo từng giây.
Ngoài ra, hệ thống này có thể sử dụng trực tiếp radar giám sát của trục hạm mà không cần radar điều khiển hỏa lực chuyên dụng.
Tổ hợp này có kích thước không lớn, nên có thể lắp đặt trên các tàu chiến cỡ nhỏ như hộ vệ hạm hay tàu tuần tra.
C-Dome gồm ba thành phần chính là tên lửa đánh chặn Tamir, bệ phóng thẳng đứng VLU và bộ phận Điều khiển - Kiểm soát (C2).
C-Dome được tích hợp với radar và Hệ thống Quản lý Chiến đấu (CMS) của tàu chiến, nên không cần trang bị radar chuyên dụng cho nhiệm vụ phát hiện, bám bắt các mối đe dọa.
Tên lửa Tamir có tính linh hoạt cao với khả năng chuyển hướng nhanh, nên có thể đánh chặn ngay cả những mục tiêu cơ động nhất.
Nó được trang bị đầu dò radar chủ động và đường truyền dữ liệu hai chiều để nhận dữ liệu sau khi phóng, qua đó có thể hiệu chỉnh đường bay và tăng độ chính xác.
Quả đạn sử dụng ngòi nổ cận đích nên có thể kích hoạt mà không cần đánh trúng mục tiêu, giúp tăng tỷ lệ đánh chặn thành công.
Theo Bộ Quốc phòng Israel, hệ thống Vòm Sắt sử dụng tên lửa Tamir đã đánh chặn 85% mục tiêu kể từ khi được triển khai vào năm 2011.
Điều này đã khiến cho Vòm Sắt trở thành thành phần trung tâm trong mạng lưới phòng thủ đa tầng của nước này trước đòn tập kích từ các nhóm vũ trang thân Iran trong khu vực.
Hiện tại, hệ thống phòng không của Israel được cấu thành từ 4 hệ thống khác nhau, bao gồm: Vòm Sắt, David's Sling, Arrow 2 và Arrow 3.