Vốn bảo trì đường sắt quốc gia nên giao cho ai?

Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ nên giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nguồn vốn để thực hiện bảo trì, quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đến nay không thực hiện theo hướng này mặc dù nhiều lần Chính phủ có văn bản thúc giục.

Nên giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho đơn vị nào?

Nên giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho đơn vị nào?

Giao vốn cho VNR hay Cục Đường sắt Việt Nam?

Trong nhiều năm nay, vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quốc gia được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao cho VNR. Số vốn này mỗi năm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, không thuộc quản lý trực tiếp của Bộ GTVT thì Bộ này muốn lựa chọn giao số vốn trên cho Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) để thực hiện bảo trì KCHTĐS quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng cần đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về cơ sở pháp lý, tính khả thi, lợi thế so sánh giữa VNR và Cục ĐSVN. Trong Văn bản số 193/BTP-PLDSKT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp thể hiện rõ quan điểm nên giao vốn bảo trì KCHTĐS quốc gia cho VNR.

Bộ Tư pháp cho rằng, nếu Bộ GTVT giao vốn bảo trì KCHTĐS quốc gia cho Cục ĐSVN thì chưa phù hợp với Luật Đường sắt năm 2017 vì điểm c khoản 2 Điều 21 Luật này quy định “DN kinh doanh KCHTĐS thực hiện bảo trì KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư”.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng việc Bộ GTVT muốn giao vốn bảo trì KCHTĐS quốc gia cho Cục ĐSVN không phù hợp với quy định của Nghị định 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ. Vì điểm c khoản 1 Điều 10 của Nghị định này quy định: “Bộ GTVT giao dự toán ngân sách nhà nước cho cơ quan được giao quản lý tài sản, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia”. Trong khi hiện nay tài sản KCHTĐS quốc gia đang được giao cho VNR quản lý, kinh doanh. Bộ Tư pháp còn cho rằng nếu Bộ GTVT giao vốn bảo trì KCHTĐS quốc gia cho Cục ĐSVN cũng không phù hợp với khoản 3 Điều 6 Luật Đấu thầu.

Qua phân tích cơ sở pháp lý, Bộ Tư pháp nhận thấy việc Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia cho VNR để tổ chức thực hiện sẽ hợp lý hơn cả và không trái với quy định pháp luật, đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.

Bộ Tư pháp nhận định, VNR là DN 100% vốn nhà nước, được Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ chính là “kinh doanh KCHTĐS, quản lý bảo trì, khai thác KCHTĐS, cung cấp dịch vụ điều hành GTVT đường sắt quốc gia”. Đồng thời, VNR có kinh nghiệm, nguồn nhân lực, chuyên môn kỹ thuật và cơ sở vật chất để quản lý, khai thác và sử dụng KCHTĐS.

Trong khi đó, Cục ĐSVN là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước đối với chuyên ngành đường sắt. Để quản lý, khai thác và sử dụng KCHTĐSQG thì Cục ĐSVN cần tăng nhân lực, biên chế. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và đi ngược với tinh thần tinh giản bộ máy nhà nước, cũng như đi ngược với tinh thần tách chức năng kinh doanh ra khỏi các Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành.

VNR “tố” Bộ GTVT

Trong văn bản kiến nghị khẩn lên Thủ tướng Chính phủ ngày 12/4/2021, VNR cho biết đơn vị này có đặc thù riêng, được Nhà nước lập ra với đầy đủ pháp lý để quản lý, sử dụng và kinh doanh KCHTĐS. VNR khẳng định, công tác quản lý, KCHTĐS quốc gia và quy trình vận hành đường sắt, khắc phục sự cố giao thông đường sắt liên quan chặt chẽ, mật thiết và phải do một chủ thể thống nhất quản lý điều hành.

VNR cho rằng tại các nước khác trên thế giới, việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản KCHTĐS quốc gia đều do Nhà nước đầu tư và giao cho DN nhà nước thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước không kinh doanh tài sản này. Do đó, theo VNR, việc Bộ GTVT đề xuất giao vốn bảo trì đường sắt quốc gia cho Cục ĐSVN sẽ phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia; gây khó khăn cho hoạt động của VNR, đẩy DN đến nguy cơ phá sản. Hiện khoảng 25.000 người lao động ngành đường sắt chưa được trả lương từ đầu năm đến nay do VNR không được giao vốn thực hiện bảo dưỡng, bảo trì KCHTĐS như mọi năm.

Văn bản của VNR cho biết, ngày 14/2/2021, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Bộ Tư pháp tại Công văn số 193/BTP-PLDSKT. Đến ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có văn bản yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, đến nay Bộ GTVT vẫn chưa thực hiện các nội dung theo tinh thần trên của Chính phủ.

VNR đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho VNR như các năm trước.

Theo tìm hiểu của PLVN, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sớm giao vốn bảo trì đường sắt quốc gia cho VNR để đơn vị này thực hiện đúng vai trò chính trị đối với đường sắt Bắc - Nam, ổn định cuộc sống hàng vạn lao động đường sắt; tránh các thủ tục trung gian không cần thiết, dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện bảo dưỡng, bảo trì đường sắt quốc gia.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/von-bao-tri-duong-sat-quoc-gia-nen-giao-cho-ai-585751.html