Vốn chính sách giúp hộ nghèo vươn lên

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến được các bản làng xa xôi, đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần quan trọng giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến được các bản làng xa xôi, đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần quan trọng giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

Cùng với cán bộ tín dụng, tổ tiết kiệm và vay vốn luôn đồng hành hỗ trợ người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. Ảnh chụp tại xóm Hồng Vân, xã Bắc Phong (Cao Phong).

Đồng Chum là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc. Từ năm 2005, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xóm Nà Lốc được thành lập với 20 tổ viên, nguồn vốn dư nợ 600 triệu đồng. Đến nay tổ đã có 60 tổ viên, dư nợ đạt trên 3,5 tỷ đồng. Các hộ vay được tiếp cận trên 10 chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi. 60/60 thành viên tham gia gửi tiết kiệm với số dư 84 triệu đồng. Tổ không có nợ quá hạn, không có lãi tồn. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên có kinh tế khá giả. Điển hình như hộ anh Xa Văn Đôi vay vốn đầu tư chăn nuôi 8 con bò sinh sản và đàn lợn trên chục con, cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm; gia đình anh Xa Văn Hòa nuôi dê lai gần 20 con, 6 con bò sinh sản và đàn lợn thịt thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm.

Năm 2001, tổ TK&VV xóm Nghẹ, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc được thành lập có 15 tổ viên. Tham gia vào tổ, các hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, học tập kinh nghiệm làm ăn giúp xóa đói, giảm nghèo và thoát nghèo. Qua tiếp cận nguồn vốn đã có trên 15 hộ thoát nghèo, điển hình như hộ ông Hà Văn Hiểu và hộ ông Bùi Văn Nhân vay 30 triệu đồng nuôi bò sinh sản, thời gian vay 2 vòng 6 năm, từ bán bò đã trả nợ gốc xong, mỗi hộ còn dư lại 2 con bò. Đến nay tổ có 45 tổ viên vay 5 chương trình của ngân hàng với dư nợ trên 1,5 tỷ đồng, bình quân 33,7 triệu đồng/hộ vay, không có nợ quá hạn, không có lãi tồn. Các hộ gửi tiết kiệm 74 triệu đồng, bình quân 1,8 triệu đồng/hộ.

Người dân ở xóm An Phú, xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm thuê nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Những năm trước, hiểu biết về vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay hạn chế. Nhiều hộ chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước mà không chịu phấn đấu tìm hướng làm ăn; nhiều hộ lại không dám vay vốn vì sợ sử dụng vốn không hiệu quả, không trả được nợ cho ngân hàng. Năm 2004, tổ TK&VV chỉ có 10 tổ viên, dư nợ trên 200 triệu đồng. Hiện tổ có 46 tổ viên với dư nợ trên 1,5 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay đã có 411 lượt hộ trong tổ được vay vốn với số tiền vay trên 5 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Quyên, Tổ trưởng tổ TK&VV xóm An Phú cho biết: Sau thời gian hoạt động, các thành viên dần hiểu được lợi ích nguồn vốn ưu đãi mang lại, tích cực tham gia các hoạt động của tổ. Cùng giúp nhau hiểu rõ hơn về chính sách tín dụng mới, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, những khó khăn trong cuộc sống và động viên nhau vươn lên thoát nghèo. Chính sách tín dụng đã góp phần giúp người dân yên tâm về nguồn vốn để làm kinh tế, không còn tình trạng đi vay nặng lãi, người dân được làm quen với các hoạt động của ngân hàng, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, trao đổi kinh nghiệm trong sinh hoạt cũng như trong cuộc sống, tiết kiệm trong tiêu dùng, sử dụng vốn có hiệu quả. Điều quan trọng hơn giúp cho nhiều gia đình thuộc hộ nghèo xóa bỏ mặc cảm tự ti; góp phần làm cho hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể phong phú hơn, có nội dung KT-XH thiết thực, có lợi ích cụ thể, thu hút được đông đảo hội viên tham gia.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191268/von-chinh-sach-giup-ho-ngheo-vuon-len.htm