Vốn cho BOT: Ngân hàng không phải là duy nhất

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng thông qua việc trung ương cũng như địa phương có thể phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu tài trợ cho các dự án BOT.

TS.Nguyễn Trí Hiếu

TS.Nguyễn Trí Hiếu

Hiện nay, nhu cầu vốn cho các dự án BOT ngày càng lớn, tuy nhiên nguồn vốn chủ yếu vẫn đến từ các ngân hàng. Trước những rủi ro tiềm ẩn từ BOT có thể đe dọa đến an toàn của hoạt động ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng nên phát hành trái phiếu để kêu gọi vốn vào lĩnh vực này và giảm nguồn vốn từ ngân hàng.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.

Theo ông những yếu tố nào khiến cho vay các dự án BOT không còn hấp dẫn với các ngân hàng?

Những dự án BOT không như những dự án vay thương mại. Khi cho các doanh nghiệp vay, ngân hàng có thể dựa vào tiền sử vay, quá khứ vay của doanh nghiệp, từ đó có thể dự đoán tương lai phát triển của doanh nghiệp để thẩm định điều kiện cho vay. Cũng như khách hàng cá nhân, các ngân hàng có thể dựa vào thu nhập tương lai của khách hàng để quyết định.

Với BOT là một loại hình cho vay theo món, cho một dự án không có tiền sử vay. Tất cả dựa vào dự báo tương lai mà tương lai của các dự án BOT thì rất khó đoán định. Nó sẽ bị ảnh hưởng, tác động bởi nhiều yếu tố nội tại của dự án như về mặt kĩ thuật, về mặt xây dựng, về đồng vốn trong dự án. Bên cạnh đó, có các yếu tố khách quan như kinh tế vĩ mô, tình hình thế giới, giá nguyên vật liệu đầu vào đầu ra… tất cả những điều đó đều rất khó kiểm soát. Từ đó dẫn đến tính bất ổn của các dự án BOT khá cao.

Tiếp đến là khi lên kế hoạch kinh doanh, chủ đầu tư đều đưa ra một con số cụ thể, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, lại nảy sinh các vấn đề khác, nhiều nhu cầu phát sinh, từ đó có nhiều nhu cầu về tài chính mới, vượt ngoài dự toán.

Bên cạnh đó, một dự án BOT chỉ được hoàn trả lại cho nhà đầu tư, ngân hàng khi dự án đó thành công mà việc thành công của BOT rất khó đoán định. Vì vậy, cho vay dự án BOT rất rủi ro và là nguyên nhân làm gia tăng nợ xấu BOT.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những rủi ro trong cho vay BOT?

Thứ nhất đó là rủi ro về kỳ hạn. Kỳ hạn của các dự án BOT rất dài, có những dự án 3 năm, 5 năm thậm chí 10 năm. Thời gian càng dài, rủi ro càng cao, vì tất cả các dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như những yếu tố nội tại ảnh hưởng trong một thời gian càng xa càng khó đoán định. Thứ hai là các dự án không có lịch sử trước đó, thành ra dễ đưa đến vấn đề đòi hỏi nguồn vốn nhiều hơn dự định, vượt quá ngân sách của dự án. Hầu như dự án nào cũng bị vượt ngân sách. Các nhà kinh tế, chuyên gia của các dự án BOT còn thiếu sót về việc lập các dự báo tài chính, đưa đến vấn đề đội vốn.

Thứ ba, là các quy định đảm bảo an toàn của hoạt động ngân hàng. Hiện tại, quy định về dùng vốn ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn, đã rút xuống còn 45% và trong tương lai, nó sẽ rút xuống 30%. Càng ngày ngân hàng càng gặp khó khăn trong việc cho vay các dự án bởi các dự án đòi hỏi cho vay thời gian rất dài, trong khi hơn một nửa nguồn vốn của ngân hàng là nguồn vốn huy động ngắn hạn. Do đó, theo quy định mới, tỷ lệ càng rút xuống thì nguồn vốn cho vay BOT càng giới hạn. Việc giới hạn như thế dễ dẫn tới rủi ro cho các dự án. Vì khi các dự án đòi hỏi cung cấp vốn thêm, nếu không có kịp thời sẽ làm chậm tiến độ, thậm chí là gây nên sự đổ vỡ của dự án.

Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 sắp tới đây mặc dù đã giảm từ 9% xuống còn 8% cho năm sau nhưng hệ số rủi ro cho các dự án tăng, điều đó bắt buộc các ngân hàng phải phân bổ rất nhiều vốn tự có để cho vay các dự án BOT dài hạn, từ đó lấy đi vốn tự có mà các ngân hàng có thể sử dụng để cho vay thương mại. Việc này khiến các ngân hàng khó khăn trong việc cân đối.

Ngoài ra, không ít dự án BOT luôn muốn vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại nhiều, làm mất đi cơ hội và khả năng sinh lời của các ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng lại phải phân bổ nhiều vốn tự có cho các dự án BOT.

Hiện nay, đã có những dự án BOT không tạo ra thu nhập đủ để trả nợ ngân hàng, từ đó ngân hàng phải siết lại việc cho vay BOT, tránh trường hợp nợ xấu sẽ tăng và rất nguy hiểm cho ngân hàng.

Có ý kiến cho rằng cần phải huy động vốn cho BOT từ các nguồn khác như phát hành trái phiếu để thu hút vốn, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đúng là nên xoay chuyển tình thế lệ thuộc quá nhiều vào ngân hàng cho các dự án BOT. Như tôi đã nói ở trên, nguồn vốn huy động của các ngân hàng một nửa là vốn ngắn hạn nhưng dự án BOT đòi hỏi vốn lớn, dài hạn, từ đó các ngân hàng sẽ không còn tiền cho các dự án thương mại. Vì thế nên giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng thông qua việc trung ương cũng như địa phương có thể phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu tài trợ cho các dự án BOT.

Nhưng lại có hai vấn đề, một là thị trường trái phiếu của Việt Nam còn nhiều giới hạn. Khi Chính phủ phát hành trái phiếu, phần lớn là các tổ chức kinh tế, trong đó có các ngân hàng mua chứ chưa trải rộng ra cho người dân và các thành phần kinh tế khác. Vì vậy cần có chiến dịch, phong trào giúp người dân hiểu được trái phiếu của Chính phủ để có thể thu hút nguồn vốn xã hội vào các dự án BOT thay cho nguồn vốn của ngân hàng.

Thứ hai là tại thời điểm này, người dân có nhiều lựa chọn đầu tư hơn, tỷ lệ sinh lời cao hơn như bất động sản, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng cũng có lãi suất cao… Vì vậy, Chính phủ cũng đang cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác trong huy động nguồn vốn. Cần có ưu đãi khi phát hành trái phiếu, như ưu đãi miễn giảm thuế đối với một số loại trái phiếu tại một vài địa phương, có lãi suất tốt để cạnh tranh với ngân hàng.

Tựu chung lại, cần phải sử dụng công cụ thuế, lãi suất để có thể mở rộng thị trường trái phiếu trong thị trường tài chính của Việt Nam, từ đó mới có thể giảm nguồn vốn từ ngân hàng và thu hút nhiều nguồn vốn mới cho BOT.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Trang thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/von-cho-bot-ngan-hang-khong-phai-la-duy-nhat-94549.html