Vốn đầu tư công tại TP.HCM bị đọng trong các dự án trọng điểm

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM trong 4 tháng đầu năm vẫn ở mức rất thấp, vốn bị ngâm tại các dự án trọng điểm. Thành phố đang quyết tâm tháo gỡ thủ tục đầu tư để giải ngân vốn trong quý II/2025.

“Chôn vốn” tại các dự án trọng điểm

“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm của TP.HCM còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra”, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở tài chính TP.HCM đánh giá tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm diễn ra mới đây.

Theo số liệu của Sở Tài chính TP.HCM, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2025, Thành phố đã giải ngân 6.068 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ 7,2% trên tổng vốn đầu tư công năm 2025 là 85.500 tỷ đồng.

Hầu như trong các phiên họp kinh tế - xã hội hàng tháng, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đều được đưa ra mổ xẻ, bàn thảo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, song mọi thứ chưa có chuyển biến. Đó là chưa kể, trong 4 tháng đầu năm, Thành phố đã tổ chức 7 cuộc họp chuyên đề về đầu tư công, ban hành 21 văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm...

Nhiều dự án trọng điểm được bố trí vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng đến tháng 3/2025 giải ngân rất chậm, thậm chí một số dự án chưa giải ngân được đồng nào. Điển hình là Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, năm 2025 đã bố trí 754 tỷ đồng để thi công hoàn thành dự án, nhưng đến tháng 3/2025 chưa giải ngân được đồng nào.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), dự án trên đang vướng giải phóng mặt bằng 22.000 m2 phía Khu đô thị phát triển An Phú, nên chưa thể triển khai thi công. Hơn nữa, Dự án vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông khu vực giao cắt, nên tiến độ thi công bị ảnh hưởng, chưa giải ngân được vốn.

Cùng chung tình trạng là Dự án mở rộng Quốc lộ 50 huyện Bình Chánh, đến tháng 3/2025 vẫn chưa giải ngân được đồng nào do vướng giải phóng mặt bằng. Hai dự án trọng điểm khác có tỷ lệ giải ngân rất thấp là Dự án Đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM, trong quý I/2025 mới giải ngân được hơn 61 tỷ đồng; Dự án Cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên mới giải ngân được 3,7 tỷ đồng.

Cùng với đường bộ, các dự án đường sắt đô thị cũng được bố trí vốn rất lớn. Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được giao cho MAUR là 2.829 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải ngân đến tháng 3/2025 mới đạt hơn 316 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 11,2%).

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dù đã đưa vào khai thác, nhưng chưa thể giải ngân vốn, vì các khiếu nại, tranh chấp hình thành từ khi khởi công năm 2012 đến nay và kéo dài qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn thay đổi quy định pháp luật có liên quan dẫn đến việc xử lý giai đoạn cuối còn nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian rà soát để xử lý dứt điểm.

Gỡ được thủ tục, sẽ giải ngân được ngay

Để cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong quý II/2025, bà Lê Thị Huỳnh Mai đề xuất, tập trung ưu tiên đẩy nhanh thủ tục đầu tư một loạt dự án quy mô lớn có khả năng giải ngân vốn ngay trong năm nay như 4 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, trục đường Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và Quốc lộ 13, với tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Một số dự án khác có khả năng giải ngân ngay như Dự án Cải tạo rạch Văn Thánh (5.561 tỷ đồng), Dự án Cầu đường Bình Tiên (871 tỷ đồng).

Ở góc độ đơn vị thẩm định dự án, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP.HCM cho rằng, thẩm định hồ sơ, lựa chọn nhà thầu và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt quyết định tiến độ giải ngân vốn. Muốn đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục đầu tư, các chủ đầu tư cần nâng cao chất lượng làm hồ sơ dự án, tránh tình trạng “sửa tới sửa lui” gây kéo dài thời gian thẩm định.

Bên cạnh đó, cần triển khai ngay công tác bồi thường theo quy hoạch đã có khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư như cách làm hiệu quả của TP. Thủ Đức đối với Dự án đường Vành đai 2. “Việc lựa chọn nhà thầu cũng cần tiêu chí rõ ràng, minh bạch để dễ xử lý khi nhà thầu không đáp ứng yêu cầu tiến độ”, ông Lâm đề xuất.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/von-dau-tu-cong-tai-tphcm-bi-dong-trong-cac-du-an-trong-diem-d281732.html