Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2020 của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Riêng tháng 8, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 86,7%; vốn địa phương quản lý 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5%.
Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 50,1% và tăng 5,4%).
Trong đó, nguồn vốn Trung ương quản lý đạt 41,2 nghìn tỷ đồng, bằng 48,7% kế hoạch năm và tăng 65,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 209,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 46,1% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 41,5%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 12,4%.
Trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Xingapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.039,5 triệu USD, chiếm 10,7%; Trung Quốc 1.025,7 triệu USD, chiếm 10,5%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 856,1 triệu USD, chiếm 8,8%; Đài Loan 823 triệu USD, chiếm 8,5%; Nhật Bản 442,3 triệu USD, chiếm 4,5%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng có 86 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 218,4 triệu USD; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 111,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng đạt 330,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 225,7 triệu USD, chiếm 68,4% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 39,6 triệu USD, chiếm 12%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 19,6 triệu USD, chiếm 5,9%.
Trong 8 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 28%; Lào 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%; Mianma 44,6 triệu USD, chiếm 13,5%; Mỹ 40,8 triệu USD, chiếm 12,3%.