Vốn FDI dịch chuyển mạnh vào Việt Nam
37 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản quyết định đầu tư vào Việt Nam - đây là thông tin mới nhất mà Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) vừa đưa ra cuối tháng 12-2020. Theo giới phân tích, không chỉ có DN Nhật Bản mà nhiều DN nước ngoài từ khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc… cũng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư. Điều này đã nâng Việt Nam trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn nhất của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021.
Những điểm cộng hấp dẫn
Phân tích từ Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD. Mức này so với năm 2019 giảm 25% nhưng rất đáng ghi nhận.
Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, với DN Nhật Bản, Chính phủ đang triển khai chính sách quốc gia nước ngoài + Việt Nam, và Việt Nam + Việt Nam. Với chính sách quốc gia nước ngoài + Việt Nam thì Chính phủ Nhật sẽ có chính sách hỗ trợ chi phí cho DN di dời, chuyển một phần hoặc chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất của nhà máy Nhật Bản đang hoạt động tại đó sang Việt Nam. Đến nay, đã có 37 DN nhận quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong năm 2020, các DN Nhật Bản phát triển thêm chương trình mới là Việt Nam + Việt Nam. Điều này có nghĩa là với những DN Nhật đã và đang đầu tư tại Việt Nam sẽ xây dựng thêm kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư ở một tỉnh thành khác cũng tại Việt Nam. Tập trung chủ yếu là các DN lĩnh vực chế biến chế tạo và chế biến lương thực thực phẩm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%. Ở góc độ khác, về phía Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho rằng, sự ổn định chính trị, sự khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam là điểm cộng hấp dẫn nhà đầu tư đến từ khu vực châu Âu.
Chủ tịch EuroCham, ông Nicolas Audier, cho biết: “Bất chấp một năm 2020 khó khăn đối với thương mại quốc tế, khảo sát của chúng tôi cho thấy, các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả của Việt Nam đối với đại dịch toàn cầu đã mang lại hiệu quả. Lãnh đạo các DN châu Âu cảm thấy tích cực hơn về DN của họ cũng như môi trường thương mại, đầu tư của Việt Nam và có xu hướng lạc quan trong thời gian tới”.
Bên cạnh đó, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào quý 3-2020, Hiệp hội cũng đưa ra những câu hỏi khảo sát về mức độ tác động của Hiệp định đối với kế hoạch kinh doanh và đầu tư của các DN thành viên. 1/3 số người trả lời cho rằng thỏa thuận này là một phần quan trọng trong quyết định đầu tư vào Việt Nam của họ, với 2 yếu tố hàng đầu được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng là cắt giảm thuế quan (33%) và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư (13%).
Cần “chọn mặt gửi vàng”
Theo giới phân tích, hiện đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào 18 ngành, lĩnh vực. Dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kế đến là sản xuất, phân phối điện, hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ, khoa học công nghệ, thép, xơ sợi, nhựa...
Đáng chú ý, từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng đã nỗ lực cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, theo JETRO, để có thể thúc đẩy nhanh và hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cần phải tháo gỡ 3 nút thắt. Một là sự thiếu đồng nhất giữa Chính phủ và các địa phương về danh mục ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư. Hai là cách tính thuế ưu đãi và ba là phải rút ngắn thời gian và thủ tục cấp phép đầu tư dự án.
Ông Hirai Shinji cũng đơn cử trường hợp của Aeon Mall Việt Nam, phải mất một năm công ty này mới nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hay như Công ty Hoya Glass Disk Vietnam, cách tính thuế mới hiện nay tại các tỉnh đã dẫn đến thiệt hại lớn cho DN này…
Không dừng lại ở đó, thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu vẫn rất phức tạp. Chính sách đồng thừa nhận chứng nhận từ khu vực nhập khẩu có tiêu chuẩn cao hơn vẫn chưa áp dụng đồng bộ và thông suốt trong hệ thống hải quan. Đặc biệt, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của DN.
Nhiều DN Việt Nam cho rằng, môi trường đầu tư hấp dẫn trong nước đang thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Điều này mang lại những hiệu quả kinh tế rất lớn nhưng ngược lại cũng gia tăng áp lực cạnh tranh cho DN nội, không những ở thị phần trong nước mà còn ở thị phần xuất khẩu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, chỉ nên ưu tiên thu hút đầu tư những ngành nghề mà DN trong nước còn thiếu. Bên cạnh đó, cần xây dựng những quy định về việc khống chế định mức nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam phải phục vụ thị trường trong nước. Tránh tình trạng các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam để tận dụng lợi thế FTA mang lại, nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất lại dịch chuyển về các công ty mẹ tại nước họ. Kết quả là DN Việt vừa phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vừa bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu.
“Mặt khác, quỹ đất thu hút đầu tư cũng ngày càng cạn kiệt. Do đó, cần ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thiết kế, chế tạo vi tính, các bộ vi xử lý, mạch tích hợp, công nghệ màn hình có độ phân giải cao, công nghệ sinh học… để nâng chất hiệu quả đầu tư” bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, nhấn mạnh.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/von-fdi-dich-chuyen-manh-vao-viet-nam-706121.html