Vốn hóa thị trường công nghệ ASEAN sẽ đạt 1,24 nghìn tỉ USD, Việt Nam thành điểm sáng
'Báo cáo Internet 2022' của Asia Partners vừa qua cho biết, Đông Nam Á sẽ chứng kiến ngày càng nhiều công ty trong khu vực phát triển thành các doanh nghiệp tỉ USD và Việt Nam đang có nhiều tiềm năng hình thành một thế hệ doanh nhân mới.
Tháng 8 vừa qua, Bukalapak của Indonesia đã trở thành công ty đầu tiên trong số các kỳ lân Đông Nam Á niêm yết trên sàn chứng khoán sau đợt IPO của công ty Sea vào năm 2017.
Vào ngày 30/11, Grab cũng thông báo sẽ ra mắt trên sàn giao dịch Nasdaq Mỹ vào ngày 2/12. Đây chỉ là một trong số nhiều giao dịch niêm yết của hàng loạt các kì lân Đông Nam Á thời gian qua.
Theo "Báo cáo Internet năm 2022", Quỹ đầu tư tư nhân Asia Partners dự đoán sẽ có thêm ít nhất 20 công ty công nghệ trị giá hàng tỉ đô được thành lập từ nay đến năm 2029 tại Đông Nam Á. Ngoài ra trong một thập kỉ tới, sẽ có thêm ít nhất 10 kì lân thực hiện IPO.
Asia Partners cho biết, Đông Nam Á hiện giống như “thời kỳ hoàng kim” của Trung Quốc - giai đoạn bùng nổ có hệ thống diễn ra vào khoảng 10 năm trước nhằm xây dựng các công ty công nghệ và niêm yết chúng trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vốn tăng trưởng để Đông Nam Á bắt kịp Trung Quốc cũng là một yếu tố cần lưu tâm.
Con số vốn hóa thị trường khá lớn
Theo Nick Nash, đồng sáng lập và đối tác quản lý của Asia Partners, chia sẻ rằng báo cáo năm 2019 của hãng từng bị mọi người hoài nghi do đưa ra dự đoán khu vực Đông Nam Á sẽ xuất hiện 35 kì lân công nghệ vào năm 2029. Tuy nhiên, khoảng thời gian hai năm từ 2019-2021 đã đánh dấu nhiều thay đổi đáng kể. Con số 39 kì lân xuất hiện trong khu vực đã thể hiện tiềm năng của thị trường Đông Nam Á đang dần thành hình và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Asia Partners từng dự đoán từ năm 2019 trong một báo cáo rằng, vốn hóa thị trường công nghệ của khu vực vào năm 2029 sẽ có thêm 425 tỉ USD. Tuy nhiên, một nửa chặng đường đã được hoàn thành chỉ trong hai năm vừa qua. Phần lớn số vốn tăng thêm được đóng góp bởi Sea Ltd, tập đoàn hiện có giá trị vốn hóa thị trường hơn 160 tỉ USD.
Giả sử xu hướng tăng trưởng của Đông Nam Á tương tự với Trung Quốc như dự đoán thì vốn hóa thị trường công nghệ của khu vực theo đánh giá của Asia Partners trong vòng 10 năm tới sẽ đạt mức khổng lồ 1,24 nghìn tỉ USD.
Trong số các lĩnh vực sẽ tăng trưởng tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP, thì các lĩnh vực phi phần cứng như thương mại điện tử, xử lý dữ liệu, dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm và truyền thông là nổi trội hơn cả. Dựa trên quỹ đạo phát triển này, những lĩnh vực trên được dự đoán sẽ chiếm tỷ lệ phần trăm GDP lớn hơn so với lĩnh vực viễn thông và phần cứng trong tương lai.
Lĩnh vực phi phần cứng được tiếp lực bởi Internet và thương mại điện tử rất có thể sẽ chiếm tới 11,08% GDP của khu vực vào năm 2031 so với con số 8,73% của hiện tại.
Gia tăng các thương vụ gọi vốn có giá trị
Các thị trường Đông Nam Á đang phát triển nhanh hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ về tốc độ đạt được các thương vụ gọi vốn Series C và D. Cụ thể, các giao dịch có quy mô từ 20 triệu đến 100 triệu USD đã tăng 109% so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt là tại Indonesia. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, con số này lần lượt chỉ là 43% và 16%.
Tuy nhiên so với phần còn lại của khu vực, Indonesia lại có mức tăng trưởng chậm hơn nhiều đối với các thương vụ có quy mô từ 1 đến 20 triệu USD và trên 100 triệu USD.
Các quốc gia có nhiều tiềm năng
Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với GDP 1,16 nghìn tỷ USD và dân số hơn 270 triệu người cùng trình độ kỹ thuật cao và các đợt IPO lớn. Trong khi đó, Singapore là trung tâm kinh tế khu vực và giữ vai trò đầu tàu về nhân lực như cung cấp các nhà điều hành, nhà lãnh đạo công nghệ và nhà khoa học dữ liệu.
Nhưng Asia Partners cũng đang xem xét chiến lược của các quốc gia một cách độc lập và đánh giá Việt Nam rõ ràng là một ứng cử viên sáng giá sẽ nổi trội. Với số lượng du học sinh dẫn đầu trong khu vực, Việt Nam đang hình thành một nền tảng vững chắc để tạo ra thế hệ doanh nhân tiếp theo cho đất nước.
“Khi các du học sinh trở về nước cùng với trình độ kĩ thuật cao hơn, quan điểm cởi mở hơn và các mạng lưới rộng rãi hơn, sẽ có rất nhiều điều đáng mong đợi sẽ xảy ra”, một nhà sáng lập khác là Kiên Nguyễn và là đối tác tại Việt Nam của Asia Partners chia sẻ.