Vốn lưu động 'chôn' ở các booking, doanh nghiệp lữ hành khó vay vốn

Không ít công ty lữ hành hiện đang khó tiếp cận vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo trong khi vốn lưu động bị 'chôn' ở các booking đặt cọc vé máy bay rất lớn.

Chiều 17-7, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp Sở Du lịch TPHCM tổ chức hội nghị "Đối thoại giữa DN và chính quyền thành phố". Đây cũng là hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 247 của Hệ thống đối thoại DN - chính quyền của TPHCM.

Hội nghị thu hút hơn 250 đại diện của các DN đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 30 câu hỏi của DN liên quan đến các vấn đề về quy hoạch tổng thể phát triển khách sạn trên địa bàn TPHCM; những ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động dành cho DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch; ổn định giá dịch vụ du lịch; những chủ trương,cơ chế, mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Việt Mỹ, cho biết các công ty lữ hành rất khó vay vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo trong khi vốn lưu động bị "chôn" tại các booking đặt vé rất lớn. Vậy có chính sách nào hỗ trợ các công ty du lịch trong việc vay vốn lưu động hay không.

Trước câu hỏi này của DN, đại diện Sở Du lịch, cho biết liên quan đến vấn đề các công ty lữ hành khó vay vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo Sở đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, dựa trên các quy định pháp luật có hướng giải quyết phù hợp.

Chia sẻ thêm với các DN về ưu đãi thuế, phí với công ty du lịch, lữ hành, phía Sở Du lịch cho biết, để đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, ngày 28-6, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó giảm 50% phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Riêng thuế VAT, từ ngày 1-7, thuế VAT của các DN sẽ quay trở về mức ban đầu. Để hỗ trợ DN, Sở Du lịch TP sẽ kiến nghị Cục Thuế TPHCM nghiên cứu quy định pháp luật để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đơn vị trong tình hình giai đoạn sắp tới.

Cũng tại hội nghị, đại diện Công ty Tư vấn xúc tiến Á Châu chia sẻ, trên địa bàn TP Thủ Đức hiện nay không có khách sạn 3 sao có đủ điều kiện để đón và phục vụ khách du lịch. Sở Du lịch có kế hoạch tạo điều kiện để phát triển thêm các khách sạn ở khu vực này.

Đại diện Phòng Quản lý cơ sở lưu trú du lịch (Sở Du lịch TPHCM), cho biết căn cứ Luật Du lịch 2017, các cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất và dịch vụ được quy định có thể lập hồ sơ gửi về Sở Du lịch đề nghị công nhận hạng sao trình tự và thủ tục quy định (hình thức tự nguyện).

Tại TP Thủ Đức, bên cạnh các khách sạn, các loại hình lưu trú khác như căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng có xu hướng phát triển nhanh, quy mô lớn. Tuy nhiên căn cứ theo Luật Du lịch năm 2017, nhiều khách sạn ở đây không đủ điều kiện từ 3 sao.

Lý do là các tiêu chí thẩm định khách sạn từ 3 sao trở lên căn cứ theo quy định vừa có tính bắt buộc vừa có cả yếu tố khuyến khích, trong đó có quy định cơ sở lưu trú xếp hạng 3 sao phải có phòng họp, hội nghị đủ tiêu chuẩn.

Đại diện Sở Du lịch cho biết sẽ phối hợp UBND TP Thủ Đức rà soát chất lượng, dịch vụ, vận động các căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng trên địa bàn có quy mô, chất lượng phù hợp đăng ký xếp hạng sao. Đồng thời khuyến khích các địa phương có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa phương nâng cấp, mở rộng hệ thống, xây mới cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Thanh Dung

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/von-luu-dong-chon-o-cac-booking-doanh-nghiep-lu-hanh-kho-vay-von-post115603.html