Vốn ''nằm chờ'' dự án
Đồng Nai đã đấu giá đất công được 6,5 ngàn tỷ đồng trong năm 2019. Nguồn vốn trên dự tính sẽ đầu tư cho các công trình giao thông quan trọng của tỉnh. Tuy nhiên, các dự án về giao thông hiện vẫn chưa khởi công xây dựng được nên nguồn vốn vẫn trong tình trạng 'nằm chờ'.
Năm 2020, UBND tỉnh dự tính tiếp tục đưa ra đấu giá nhiều khu đất lớn có giá trị rất cao, dự tính số tiền thu về có thể lên đến trên 3 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn trên được dùng đầu tư cho các công trình giao thông lớn của tỉnh.
* Tiếp tục phải chờ
Nguồn vốn có được từ đấu giá đất công sẽ được tỉnh dùng để thực hiện các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh như: đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, hương lộ 2 và một số tuyến đường giao thông khác trên địa bàn tỉnh.
Đa số các dự án có vốn lớn đều nằm ở TP.Biên Hòa. Đơn cử như: dự án Đường ven sông Cái có tổng vốn đầu tư gần 4 ngàn tỷ đồng; dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa dự kiến tổng vốn đầu tư 3.130 tỷ đồng; dự án Đường ven sông Đồng Nai khoảng 1.340 tỷ đồng; Hương lộ 2 (đoạn 1) gần 800 tỷ đồng...
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Đồng Nai đã đấu giá đất công được 6,5 ngàn tỷ đồng và số tiền trên tỉnh sẽ dùng đầu tư các công trình giao thông trọng điểm để tạo đột phá trong phát triển kinh tế của TP.Biên Hòa và tỉnh. Thế nhưng, vì thiếu các khu tái định cư để di dời các hộ dân trong dự án nên dự án chưa thể triển khai và nguồn vốn phải để đó đợi”.
Trước đây, các dự án trên được tỉnh định đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) theo hình thức lấy đất đổi hạ tầng, nhưng sau đó, Chính phủ tạm dừng các dự án BT. Do đó, tỉnh chuyển qua tìm nguồn vốn bằng đấu giá đất để thực hiện dự án. Vốn hiện đã có sẵn nhưng các công trình khó đẩy nhanh tiến độ vì thiếu các khu tái định cư.
Nếu tính cả nguồn vốn đấu giá đất của năm 2020, Đồng Nai sẽ có gần 10 ngàn tỷ đồng dành cho các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp về kinh tế, xã hội: “UBND tỉnh, TP.Biên Hòa phải phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là Đường ven sông Cái, Đường trục trung tâm thành phố, Đường ven sông Đồng Nai, Hương lộ 2, Đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp để tạo ra các tuyến giao thông thuận lợi, nâng tầm cho đô thị và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.
Những tuyến đường nói trên khi làm xong sẽ trở thành những tuyến giao thông huyết mạch cho TP.Biên Hòa và tạo ra điểm nhấn, mỹ quan cho đô thị Biên Hòa. Các tuyến đường trong đô thị được mở mới sẽ kéo theo thương mại, dịch vụ phát triển cho những khu vực đó.
* Dành cả ngàn tỷ đồng làm tái định cư
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, UBND tỉnh đã quyết định ưu tiên nguồn vốn lên đến 3-4 ngàn tỷ đồng để TP.Biên Hòa thực hiện nhanh các khu tái định cư cho các dự án trọng điểm trên. Hiện TP.Biên Hòa đang gấp rút làm các khu tái định cư để di dời các hộ dân trong dự án.
Thế nhưng, quỹ đất sạch của Biên Hòa để làm tái định cư không có, vì thế buộc phải thu hồi đất để làm tái định cư. Điều này dẫn tới TP.Biên Hòa phải thực hiện tái định cư cho tái định cư trước.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ: “Việc thực hiện các khu tái định cư cho các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh rất khó khăn vì thành phố phải tiến hành thu hồi đất của các hộ dân nằm trong dự án tái định cư và phải thực hiện tái định cư trước cho các hộ này rồi mới tiến hành thu hồi đất làm khu tái định cư. Sau khi khu tái định cư hoàn thành mới tiến hành thu hồi đất cho các dự án giao thông trọng điểm được”. Dù là dự án trọng điểm được ưu tiên về vốn, nhân lực để thực hiện, nhưng khâu bồi thường, tái định cư, thu hồi đất khó triển khai nhanh.
Hiện nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa đang triển khai xây dựng khoảng 11 khu tái định cư ở các phường để bố trí cho các dự án trên địa bàn. Công tác thu hồi đất tại TP.Biên Hòa cũng như một số địa phương khác trong tỉnh rất khó khăn, có những dự án phải mất 3-5 năm cho việc thu hồi đất.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương cho hay: “Một số công trình giao thông quan trọng của huyện chỉ vì vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng mà bị chậm tiến độ. Có những dự án phải thu hồi đất của vài trăm hộ, nhưng chỉ còn vài hộ không đồng thuận vì cho rằng giá đất bồi thường còn thấp, huyện mất thêm một thời gian dài để vận động các hộ dân trên, có khi phải tiến hành cưỡng chế”.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202006/von-nam-cho-du-an-3010092/