Vốn ngoại bán ròng ngàn tỷ có đáng lo?
Tuần giao dịch vừa qua thị trường chứng khoán bất ngờ chứng kiến liên tiếp những phiên bán ròng quy mô tới cả ngàn tỷ đồng trên sàn HoSE.
Không những vậy, cả loạt quỹ ETF ngoại lẫn nội đang đầu tư trên TTCK Việt Nam ghi nhận tuần rút vốn ròng thứ 6 liên tiếp. Đi cùng với đó là diễn biến nóng lên của tỷ giá, khi giá bán tham khảo của NHNN ngày 13-9 lên mức 25.144 đồng/USD và nhiều NHTM cũng bán ra ở giá quanh 24.300 đồng/USD.
Dòng vốn gián tiếp chảy ngược
Thống kê của HoSE chỉ riêng từ đầu tháng 9 đến ngày 13-9 đã ghi nhận quy mô bán ròng tổng hợp gần 3.370 tỷ đồng (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền), trong đó riêng cổ phiếu bị bán ròng 2.760 tỷ đồng. Riêng trong tuần qua thị trường liên tục chứng kiến những phiên khối ngoại bán ròng cả ngàn tỷ đồng.
Kể từ đầu năm đến trước tuần qua, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên HoSE chỉ xuất hiện 2 phiên có quy mô bán ròng vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng/ngày. Đó là phiên bán ròng 3.110 tỷ đồng ngày 13-1, trong đó bao gồm thương vụ thỏa thuận bán ròng 3.386,8 tỷ đồng cổ phiếu EIB, và phiên thứ 2 ngày 7-7 với 1.385 tỷ đồng. Điều đó càng chứng tỏ động thái bán ròng quy mô lớn liên tục gần đây là khác biệt.
Một số liệu thống kê khác góp phần làm sáng rõ hơn hoạt động rút vốn của NĐTNN, là dòng vốn vào và ra các quỹ ETF đang đầu tư trên TTCK Việt Nam. Một số quỹ ETF do tổ chức trong nước thành lập và quản lý nên không được thống kê vào giao dịch của khối ngoại. Tuy nhiên, các quỹ này có huy động vốn từ nước ngoài, nên khi NĐTNN rút vốn, các quỹ sẽ bán cổ phiếu trong danh mục và tính là giao dịch của NĐT trong nước.
Theo một thống kê từ bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, tổng hợp các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam đã bị rút vốn ròng khoảng 3.404 tỷ đồng. Đây là mức rút vốn ròng theo tháng lớn chưa từng có từ trước tới nay, khiến lượng vốn ròng lũy kế 8 tháng của nhóm quỹ ETF chỉ còn 2.051 tỷ đồng. Một thống kê khác của FiinTrade đưa ra con số lớn hơn, rằng các quỹ ETF đã bị rút gần 4.500 tỷ đồng trong tháng 8 và lũy kế 8 tháng dòng vốn này còn 2.800 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, nhóm quỹ ETF ngoại bị rút ròng khoảng 2.800 tỷ đồng, bao gồm các quỹ nổi bật như Fubon ETF (-1.284 tỷ đồng), Kim Kindex Vietnam (-1.082 tỷ đồng). Nhóm quỹ ETF nội bị rút ròng hơn 1.700 tỷ đồng, nổi bật như Diamond (-865 tỷ đồng) và VFMVN30 (-898 tỷ đồng). Thống kê của SSI cũng ước tính tương đương với các quỹ nói trên.
Mặc dù các con số có thể chênh lệch chút ít nhưng sự đồng nhất về xu hướng rất rõ ràng: Tháng 8 vừa qua chứng kiến đợt rút vốn khổng lồ chưa từng thấy đối với các quỹ ETF.
Trong khoảng 2 tuần đầu tháng 9 này, hiện tượng rút vốn ròng vẫn chưa có tín hiệu dừng lại, thậm chí gia tăng. Đơn cử, quỹ Fubon ETF ghi nhận bị rút tiếp khoảng 602 tỷ đồng, quỹ Diamond 581,3 tỷ đồng, quỹ VFMVN30 92 tỷ đồng. Điều này cũng phù hợp với đợt bán ròng lớn đang diễn ra trên thị trường, với thống kê cổ phiếu HoSE bị bán ròng khoảng 2.760 tỷ đồng từ đầu tháng 9.
Tỷ giá có phải nguyên nhân?
Diễn biến tỷ giá đang nóng lên kể từ đầu tháng 7 gắn liền với đợt rút vốn mạnh mẽ trên TTCK. Từ tuần thứ 3 của tháng 8 vừa qua, tỷ giá ghi nhận vượt mốc 24.000 đồng/USD, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12-2022. Mức tăng của tỷ giá không nhiều so với thời điểm cuối năm 2022 và vẫn được xem là trong tầm kiểm soát, nhưng liên quan đến dòng vốn đầu tư gián tiếp, biến động của tỷ giá vẫn là yếu tố quan trọng.
Theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu CTCK SSI, dòng vốn ETF vào Việt Nam có tỷ trọng chủ yếu đến từ các NĐT cá nhân nước ngoài và tương quan nghịch chiều với biến động tỷ giá. Thông thường các giai đoạn tỷ giá USD/VNĐ có biến động mạnh (như tháng 6-2018, tháng 3-2020, tháng 10-2022) cũng là những giai đoạn dòng vốn ETF ghi nhận rút ròng.
Ngoài ra, xu hướng rút vốn ròng khỏi các quỹ ETF cổ phiếu cũng xuất hiện trên toàn cầu. Lợi suất trái phiếu ở các nước lên cao liên tục do các NHTW duy trì lãi suất cao và còn tăng nữa (ngược chiều với Việt Nam lợi suất trái phiếu đang giảm).
Dòng vốn đang có xu hướng dịch chuyển sang các quỹ đầu tư trái phiếu, với kỳ vọng mặt bằng lãi suất cao sẽ được duy trì, ít nhất là tới đầu năm 2024. Một khảo sát của Ngân hàng Mỹ (BoA) với các nhà quản lý quỹ, cho thấy dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu trên thị trường mới nổi có thể kém tích cực hơn trong thời gian tới, khi gặp phải áp lực từ tỷ giá.
Nếu môi trường lãi suất ngược chiều giữa Việt Nam và thế giới vẫn được duy trì, áp lực giảm giá của tiền đồng có thể còn kéo dài, ít nhất cho tới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể đảo chiều giảm lãi suất vào đầu năm 2024.
Vì vậy, hoàn toàn có khả năng các đợt bán ròng của NĐTNN trên TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục, dù quy mô có thể thay đổi từng thời điểm. Ngoài ra, việc cổ phiếu lên giá mạnh mẽ thời gian qua khiến nhu cầu chốt lời của NĐTNN cũng tăng theo. Nhiều quỹ ETF đã báo cáo hiệu suất lợi nhuận rất tốt 19-33% kể từ đầu năm 2023.
Thống kê trung bình từ đầu tháng 9, giá trị bán ròng của khối ngoại với cổ phiếu HoSE chỉ chiếm khoảng 5,6% tổng giá trị giao dịch sàn này. Trong khi đó dòng vốn từ NĐT trong nước vẫn liên tục tăng và tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (3 sàn) lên tới trên 30.000 tỷ đồng/ngày.
Lượng vốn ngoại rút đi đồng nghĩa lượng cổ phiếu tương ứng bị xả ra thị trường và dòng vốn trong nước phải hấp thụ nó, nhưng tỷ trọng bán hàng ngày không lớn so với mức thanh khoản chung.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/von-ngoai-ban-rong-ngan-ty-co-dang-lo-post108106.html