Vốn ngoại – động lực thúc đẩy công nghiệp Vĩnh Phúc phát triển
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là nguồn lực đưa ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng phát triển.
Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho cán bộ lãnh đạo quản lý, giới chuyên môn... người Việt, từng bước thúc đẩy đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp, phát triển kỹ năng và tác phong công nghiệp của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm cho người dân.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết: Để có những chuyển biến tích cực mà tỉnh đã đạt được, nhiều năm qua Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn xác định xây dựng Đảng phải đi đôi với phát triển kinh tế và coi đây là động lực quan trọng để xóa đói, giảm nghèo; từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh văn minh, giàu mạnh. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước. Đảng bộ tỉnh cũng đề ra các giải pháp phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư...
Để có những thành công trong thu hút FDI, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp như triển khai hiệu quả hàng loạt các chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, nhanh chóng tập trung quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp giải phòng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chủ động thành lập các đoàn công tác đi nước ngoài xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ hiện đại về tỉnh đầu tư sản xuất - kinh doanh; đầu tư hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào các khu công nghiệp và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp. Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo quyết liệt tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Đến nay, toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với diện tích hơn 5.700ha. Bên cạnh đó, dự kiến đến năm 2020, tại Vĩnh Phúc có 21 cụm công nghiệp với diện tích gần 500ha. Trên cơ sở các khu, cụm công nghiệp được phê duyệt, Vĩnh Phúc thu hút được 11 nhà đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng, trong đó có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động...
Theo ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, sau nhiều năm nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư, đến nay Vĩnh Phúc có nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đến tỉnh với nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau; trong đó không ít doanh nghiệp có năng lực sản xuất kinh doanh mạnh mẽ thực sự, sản phẩm làm ra không những tiêu thụ trong nước mà xuất đi nhiều nước trên thế giới, đóng góp lớn ngân sách cho tỉnh và giải quyết nhiều công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho lao động địa phương như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Tập đoàn Young Poong...
Nếu như năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI thì đến hết tháng 12/2017, toàn tỉnh đã có 255 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3,75 tỷ USD. Đến hết tháng 8/2018, tỉnh Vĩnh Phúc có 305 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 4,3 tỷ USD; đến hết tháng 9/2020, tỉnh đã có 402 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư lên hơn 5,7 tỷ USD.
Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI đã giúp kinh tế Vĩnh Phúc luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2015 - 2020 tăng trưởng bình quân 7,1%/năm, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải tiến, năng suất lao động tăng bình quân 8,3%/năm. Nếu như trong giai đoạn 5 năm, từ 2006 - 2010 tổng thu ngân sách Nhà nước ở tỉnh Vĩnh Phúc cả giai đoạn này đạt trên 42.200 tỷ đồng và nguồn thu này đã đánh dấu một sự chuyển biến rất tích cực cho sự phát triển thì giai đoạn 2015 - 2020 thu ngân sách bình quân của tỉnh đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.
Trong các doanh nghiệp FDI đứng chân tại Vĩnh Phúc, có thể khẳng định các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất kinh doanh ôtô, xe máy luôn khẳng định có năng lực mạnh mẽ, đóng góp nguồn lực lớn cho tỉnh. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy đóng góp trên dưới 80% tổng số thu ngân sách cho Vĩnh Phúc. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói chung ở Vĩnh Phúc đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho trên dưới 90.000 lao động, lao động phổ thông của doanh nghiệp FDI có thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp đôi so với 5 năm về trước.
Công ty Toyota Việt Nam là một doanh nghiệp điển hình, nhiều năm liền gặt hái thành công trong sản xuất kinh doanh. Năm 2019 là năm nhiều thách thức với thị trường ôtô song doanh nghiệp này đã xuất xưởng 50.114 xe, doanh số bán hàng đạt mức kỷ lục với 79.326 xe (tăng 22% so với năm 2018), tiếp tục đóng góp gần 1,2 tỷ USD vào ngân sách Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Công ty xuất xưởng 16.905 xe, doanh số bán hàng của Công ty tính đến hết tháng 6 đạt 25.853 xe, đóng góp gần 350 triệu USD vào ngân sách Nhà nước. Toyota Việt Nam luôn là một doanh nghiệp dẫn đầu về đóng góp cho ngân sách tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đóng góp về mặt kinh tế, các doanh nghiệp FDI tiêu biểu trên địa bàn tỉnh còn có những ảnh hưởng tích cực, đó là góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho cán bộ lãnh đạo quản lý, giới chuyên môn... người Việt, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển kỹ năng và tác phong công nghiệp của lực lượng lao động... Chính điều này cũng đòi hỏi giới chuyên môn, cán bộ kỹ thuật, người quản lý, lao động không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước cũng luôn phải chủ động đầu tư mọi mặt, nhất là công nghệ, nguồn nhân lực mạnh toàn diện, quảng bá thương hiệu và cách thức tiếp cận thị trường để phát triển toàn diện.
Sự có mặt của các doanh nghiệp nói chung trên địa bàn Vĩnh Phúc đã tạo ra bước đột phá. Khi mới tái lập tỉnh (năm 1997), nhiều địa phương của tỉnh, người ta chủ yếu biết tới các sản phẩm của vật nuôi, cây trồng, sản phẩm của làng nghề... thì các năm sau đó đã dần xuất hiện các sản phẩm công nghiệp chủ lực là ôtô, xe máy, linh kiện và phụ kiện điện tử, dệt may, thép, gạch ốp lát,... phong phú, đa dạng, có giá trị lớn và sức cạnh tranh trên thị trường. Doanh nghiệp FDI là một động lực giúp Vĩnh Phúc phát triển thần kỳ, tạo động lực giúp quê hương "khoán hộ" vươn mình.
Để ngành công nghiệp ngày càng phát triển, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển nhà ở công nhân và hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước về khu công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, tiến hành công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng đối với các nhà đầu tư.
Triển khai hội nghị xúc tiến đầu tư, nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hiểu rõ hơn các chính sách đầu tư khi về Vĩnh Phúc tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực. Tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng kịp thời và luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc”.