Vốn ngoại vẫn... mất hút
Kỳ vọng về cơ hội cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi được MSCI nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên để thu hút dòng vốn ngoại, có lẽ đã bớt hào hứng đi chút ít. Bởi ngày 11-11 vừa qua, MSCI chính thức loại các cổ phiếu của Kuwait ra khỏi chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets Small Cap Index, nhưng tiến trình này kéo dài tới 1 năm.
Điều đó có nghĩa là TTCK Việt Nam phải chờ đến tháng 11-2021 mới được hưởng trọn vẹn ngôi vị tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thị trường cận biên.
Thời gian kéo dài, hiệu ứng càng khó nhận biết
Việc gia tăng tỷ trọng của một thị trường thành phần trong rổ thị trường cận biên, sẽ là tăng tỷ trọng phân bổ vốn của các quỹ đầu tư tham chiếu chỉ số. Nói đơn giản, cổ phiếu Việt Nam được tăng tỷ trọng thì các quỹ sẽ mua nhiều hơn. Vì vậy, mặc dù TTCK Việt Nam còn rất vất vả trước cánh cửa nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, nhưng việc Kuwait được nâng hạng trước làm gia tăng tỷ trọng của các thị trường còn lại, giúp Việt Nam hưởng lợi sớm.
Thị trường Kuwait được nâng hạng trong kỳ xem xét tháng 11-2020 là điều đã biết trước. Tuy nhiên điều bất ngờ là thay vì hạ tỷ trọng hoàn toàn các cổ phiếu Kuwait một lần, thì MSCI cho biết sẽ thực hiện qua 5 bước (hay 5 kỳ xem xét). Điều đó có nghĩa là phải đến tháng 11-2021 các quỹ phải bán hết cổ phiếu Kuwait để mua vào các cổ phiếu ở thị trường còn lại. Nói cách khác, các quỹ cứ việc túc tắc mua bán trong vòng 1 năm tới theo lộ trình sao cho có lợi nhất. Nguyên nhân của lộ trình 5 bước là do thị trường Kuwait chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ MSCI Frontier Markets 100 (25,42% tính đến 30-10-2020), các quỹ cần thời gian để giao dịch bán đi, thay vì bán một lần có thể ảnh hưởng đến giá trị khoản đầu tư.
Việc kéo dãn lộ trình như vậy sẽ giảm hiệu ứng giao dịch đáng kể đối với thị trường Việt Nam. Trong kỳ xem xét tháng 8 vừa qua, tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Market 100 Index là 12,53%. Tại kỳ xem xét tháng 11 này, tỷ trọng được nâng lên 15,76%. Thoạt nhìn tưởng là nhiều, nhưng có hai yếu tố khiến sự thay đổi rất nhỏ.
Thứ nhất, chỉ số MSCI Frontier Market 100 Index hiện chỉ có Quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF bám theo với tổng tài sản khoảng 394 triệu USD. Là quỹ ETF đồng nghĩa với việc quỹ phải phân bổ tỷ trọng sát với tỷ trọng từng cổ phiếu cấu thành chỉ số. Quy mô của quỹ này không phải là lớn. Nguồn lực mạnh hơn là khá nhiều quỹ khác cũng đầu tư dựa theo chỉ số này, nhưng lại không phải là quỹ ETF và không bắt buộc phải phân bổ đúng tỷ trọng như quy định. Chẳng hạn cổ phiếu VNM trong chỉ số này có tỷ trọng 2,55%, thì các quỹ không phải là quỹ ETF có thể mua nhiều hơn, ít hơn tùy vào quan điểm riêng. Vì vậy rất khó ước đoán được nhu cầu mua thật sự nhiều hay ít.
Thứ hai, các quỹ có thể mua sớm hay muộn, phân bổ tỷ trọng không nhất thiết phải đúng thời điểm như quỹ ETF. Lấy thí dụ tỷ trọng trong kỳ tháng 8 vừa qua của thị trường Việt Nam là 12,53%, nhưng tại thời điểm 30-10-2020, tỷ trọng thực tế đã là 13,12%. Điều đó nghĩa là dù tăng tỷ trọng thì việc mua vào cũng không nhiều, do còn phụ thuộc vào tỷ lệ nắm giữ thực tế tại thời điểm xem xét.
Thực tế nguồn tiền lớn nhất đang đầu tư vào nhóm các thị trường cận biên của MSCI lại là các quỹ chủ động. Các cổ phiếu trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index chỉ là một danh sách lựa chọn sẵn, chứ không phải bắt buộc. Các quỹ này sử dụng chỉ số để tham chiếu nhưng không cần bám sát chặt chẽ như quỹ ETF. Theo nhiều ước tính, quy mô của các quỹ này có tổng tài sản tới gần 4 tỷ USD.
CTCK Bản Việt sử dụng công thức và số liệu của MSCI ước tính rằng, tại thời điểm tháng 11-2020, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ là 15,76% (có hiệu lực từ ngày 1-12-2020); tại thời điểm tháng 2-2021 là 19,01%; tại thời điểm tháng 5-2021 là 22,23%; tại thời điểm tháng 8-2021 là 25,49% và cuối cùng, tại thời điểm tháng 11-2021 là 28,78%.
Nước xa không cứu được lửa gần
Dòng vốn ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam qua hình thức quỹ ETF thực tế không lớn bằng dòng vốn chủ động. Các quỹ ETF ngoại được chú ý là do hình thức giao dịch dồn vào một thời điểm tái cơ cấu nên tạo ra sự biến động mạnh đối với giá cổ phiếu cũng như thanh khoản. Tuy nhiên gần đây các giao dịch của quỹ ETF không còn rõ ràng nữa, do hoạt động của các quỹ chủ động quá mạnh. Trong khi chờ đợi dòng vốn mới qua việc nâng tỷ trọng thị trường, thì dòng vốn ngoại cũ vẫn đang rút ròng dữ dội hàng ngày.
Theo thống kê của CTCK SSI, tháng 10 vừa qua cả các quỹ ETF lẫn các quỹ chủ động đang đầu tư trên thị trường Việt Nam đều bị rút vốn. Các quỹ đầu tư cổ phiếu Việt Nam bị rút ròng khoảng 23,7 triệu USD trong tháng 10, trong đó các quỹ chủ động bị rút 18,3 triệu USD, và kể từ tháng 3 đến nay bị rút khoảng 76,3 triệu USD. Dòng vốn từ quỹ ETF cũng đảo chiều trong tháng 10 với các quỹ tiêu biểu bị rút như VFMVN30 ETF bị rút ròng 163 tỷ đồng, VanEck là 71 tỷ đồng, KIM Kindex VN30 là 27 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 10, ghi nhận trên 3 sàn giao dịch là HOSE, HNX và UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 7.450 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng, dòng vốn ngoại đã bán ròng 11.760 tỷ đồng. Nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận của VHM và MSN, giá trị bán ròng lên tới - 35.100 tỷ đồng trong 10 tháng. Số liệu cập nhật đến 12-11-2020, mức bán ròng chỉ riêng với sàn HOSE đã có thêm gần 3.650 tỷ đồng nữa.
Hầu hết các cổ phiếu blue chips đang bị bán ròng mạnh mẽ hàng ngày cũng nằm trong các chỉ số của MSCI. Với cường độ bán như hiện tại, kể cả khi những quỹ bám theo các chỉ số MSCI tăng tỷ trọng với thị trường Việt Nam lên thì dòng vốn ngoại này vẫn mất hút. Đơn cử trong tháng 10 vừa qua, MSN bị bán ròng 2.940 tỷ đồng, CTG bị bán ròng 728 tỷ đồng, VNM khoảng 631 tỷ đồng, VHM là 274 tỷ đồng, BID là 196 tỷ đồng... Vì vậy việc đón nhận dòng vốn ngoại mới chỉ có thể nhìn thấy được hiệu quả nếu như dòng vốn ngoại sẵn có dừng đà bán.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/von-ngoai-van-mat-hut-85720.html