Vốn tín dụng chính sách - Đòn bẩy giúp thoát nghèo bền vững ở Hải Đông
Với đặc thù xã miền chân sóng, đời sống kinh tế của người dân xã Hải Đông (Hải Hậu) còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, mục tiêu giúp bà con vươn lên ổn định cuộc sống, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo luôn được xã quan tâm, chú trọng. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Với đặc thù xã miền chân sóng, đời sống kinh tế của người dân xã Hải Đông (Hải Hậu) còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, mục tiêu giúp bà con vươn lên ổn định cuộc sống, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo luôn được xã quan tâm, chú trọng. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, các hội, đoàn thể đã làm tốt vai trò phối hợp và quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu. Cùng với đó, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã được tiếp cận nhanh chóng vốn vay, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vào phát triển sản xuất, xây dựng mô hình làm ăn phù hợp, cải thiện kinh tế gia đình.
Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Tho ở xóm Hải Điền, một hộ cận nghèo của xã. Chị Tho cho biết: “Cuộc sống khó khăn của gia đình tôi đã được cải thiện nhờ vốn tín dụng chính sách. Từ năm 2014, nguồn vốn vay 30 triệu đồng giúp gia đình phát triển chăn nuôi lợn thịt. Từ hộ nghèo, kinh tế gia đình đã từng bước ổn định vươn lên hộ cận nghèo. Đúng lúc này, dịch tả lợn châu Phi đã “quét” sạch cả đàn lợn gia đình cần mẫn gây dựng, ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Không quản khó, gia đình lại được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện được vay 80 triệu đồng để tái đàn lợn”. Đến nay, gia đình chị đã gây dựng lại được đàn lợn trước đây với 10 con lợn nái, 60 con lợn thịt và 30 lợn con. Không chỉ vậy, Hội Phụ nữ xã còn hướng dẫn chị phát triển thêm mô hình kinh tế phụ như tận dụng đất trống xây chuồng trại nuôi thêm 100 con chim bồ câu Pháp, 100 con vịt đẻ. Đồng thời, đào ao, kè bờ 1 mẫu nuôi thả cá truyền thống xen canh với tôm thẻ chân trắng nước ngọt. Trên bờ vùng bờ thửa, gia đình trồng thêm các loại cây cảnh như sanh, si, mẫu đơn, đinh lăng, cam, quýt cảnh. Chị Tho hồ hởi cho biết: “Kinh tế gia đình đã dần khấm khá và ổn định bởi không còn phụ thuộc nhiều vào 1 con nuôi cụ thể. Ý chí và khát vọng vươn lên cùng vốn tín dụng chính sách của gia đình chị Tho đã trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh cho nhiều chị em trong xã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế gia đình, chiến thắng đói nghèo. Chị Nguyễn Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Để vốn tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả, thời gian qua, cán bộ Hội luôn bám sát chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng CSXH, chủ động lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, diễn đàn, tập huấn tuyên truyền phổ biến các văn bản hướng dẫn chương trình, chính sách cho vay đầy đủ, cụ thể, nhanh nhất đến từng thôn, xóm. Tích cực bám sát địa bàn cơ sở để nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, Hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế mới đa canh, đa con để phát triển kinh tế gia đình bền vững. Hiện, Hội Phụ nữ xã quản lý 3 tổ vay vốn có dư nợ đạt gần 5 tỷ đồng với 146 hộ được vay vốn”.
Đồng chí Vũ Văn Bách, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Là một trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện, Hội Nông dân xã luôn tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Tính đến ngày 12-5-2021, tổng dư nợ do Hội quản lý đạt hơn 3,4 tỷ đồng, với 127 hộ hội viên vay vốn tại 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua kiểm tra, các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững ở địa phương”. Được Hội Nông dân xã giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Thu ở xóm Xuân Hà. Trước đây, gia đình chị là hộ cận nghèo, cả nhà có 1 sào trồng lúa. Chị Thu chia sẻ với chúng tôi: “Chồng đi làm ăn xa tận trong miền Nam, mình tôi xoay xở nuôi hai cháu nhỏ, kinh tế gia đình rất eo hẹp. Thời gian gần đây, tôi cùng chồng bàn bạc đầu tư lưới, ngư cụ đánh bắt hải sản gần bờ nhưng cả gia đình không có vốn liếng nên dù hôm nào cũng chăm chỉ ra khơi nhưng sản lượng kém”. Được Hội Nông dân xã giúp đỡ gia đình chị vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư lưới chài hiệu quả. Đến nay, tính riêng từ nghề đánh bắt hải sản gần bờ đem lại thu nhập cho gia đình chị từ 15-20 triệu đồng/tháng. Hiện tại, các hội, đoàn thể trên địa bàn xã nhận ủy thác cho vay của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu 6 chương trình tín dụng chính sách gồm: cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên và cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong tháng 4-2021, các hội, đoàn thể tiếp tục giải ngân 384 triệu đồng. Tính đến ngày 12-5-2021, tổng dư nợ của 6 chương trình là gần 13 tỷ đồng với 447 hộ còn dư nợ.
Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, các hội, đoàn thể đã tích cực tham mưu cho UBND xã cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, tăng cường thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng; điều tra, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng và giải ngân kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn; nâng cao chất lượng hoạt động ở các điểm giao dịch tại xã bảo đảm hiệu quả và tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cũng kiến nghị Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu quan tâm, bố trí phân bổ nguồn vốn hợp lý phù hợp với nhu cầu vốn của người dân, đặc biệt là nguồn vốn giải quyết việc làm, hộ mới thoát nghèo./.