Vốn tín dụng chính sách: Động lực cho phụ nữ vươn lên làm kinh tế
Những năm qua, cùng với khai thác nguồn lực từ các chương trình, đề án, hội LHPN các cấp đã làm tốt công tác tín chấp cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, qua đó tạo điều kiện để hội viên tiếp cận đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quản lý chặt chẽ
Hoạt động nhận ủy thác tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) của các cấp hội LHPN trong tỉnh tăng dần theo từng năm cả về số lượng và chất lượng cũng như hiệu quả trong công tác quản lý.
Nếu như đầu năm 2014, các cấp hội quản lý hơn 963 tỉ đồng, giải quyết cho 49.047 hộ vay thì đến 30/9/2024, tổng dư nợ các cấp hội theo dõi, quản lý hơn 2.268 tỉ đồng với 44.624 hộ vay. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Tại phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa, từ đầu năm đến nay, có 19 phụ nữ thuộc hộ nghèo và 113 phụ nữ hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH để chăn nuôi, trồng trọt... phát triển kinh tế gia đình.
Tính đến tháng 10/2024, Hội LHPN phường Hòa Hiệp Bắc đang quản lý gần 35 tỉ đồng vốn vay, phân bổ tại 15 tổ tiết kiệm và vay vốn với 733 hộ vay, tăng hơn 1,1 tỉ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn được người dân sử dụng đúng mục đích để chăn nuôi bò sinh sản, mua ngư lưới cụ, mở hàng tạp hóa.
Trong đó, nhiều chị em tận dụng nguồn vốn này phát triển kinh tế như: Chị Lê Thị Cương, Chi hội Phụ nữ khu phố Mỹ Hòa, từ vốn vay dùng để nuôi cút nay cuộc sống đã khấm khá; chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Võ Thị Hiền Vương, Chi hội Phụ nữ khu phố Phước Lâm mua bán tạp hóa và có cuộc sống ổn định; hay chị Trương Thị Hằng, Chi hội Phụ nữ khu phố Uất Lâm có điều kiện để kinh doanh mua bán hải sản và có thu nhập tốt, vươn lên khá giả.
Chị Trương Thị Hằng chia sẻ: “Ngày trước do ít vốn liếng, tôi chỉ buôn gánh bán bưng nên cuộc sống rất khó khăn. Sau này, khi hội phụ nữ kết nối cho vay chính sách với lãi suất ưu đãi, tôi có số vốn lớn để khởi nghiệp làm ăn bằng nghề buôn bán hải sản vào TP Hồ Chí Minh. Hiện kinh tế gia đình đã ổn định, tôi rất mừng”.
Để nguồn vốn tiếp tục phát huy hiệu quả
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH phát huy được hiệu quả, các cấp hội LHPN đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Theo đó, hội LHPN các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; hướng dẫn các tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt các khâu bình xét hộ vay, đôn đốc hộ vay trả lãi, trả gốc và thực hiện thu lãi đúng quy định, tỉ lệ thu lãi đúng kỳ hạn hằng tháng đạt tỉ lệ ngày càng cao. Tỉ lệ nợ quá hạn đến nay giảm 0,2% so với năm 2014.
Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 13 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý ủy thác cho 1.570 lượt cán bộ hội, cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội LHPN các cấp phối hợp tổ chức 72 lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho 1.760 lượt cán bộ hội và 16.384 lượt cán bộ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Hằng năm, hội LHPN các cấp đưa nội dung hoạt động ủy thác vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ hội.
Để hỗ trợ phụ nữ sử dụng vốn hiệu quả, các cấp hội cũng đã phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho hàng ngàn hộ vay vốn…, tạo cơ hội để chị em mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thu nhập ổn định, giúp giảm nghèo, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội.
Nói về hiệu quả của hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH thời gian qua, bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hội viên, đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động hội và phong trào phụ nữ của địa phương. Có thể thấy rằng, việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác Ngân hàng CSXH đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống hội viên. Phụ nữ đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đời sống của phụ nữ ngày càng phát triển, từ đó góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương”.
Đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ các cấp hội theo dõi, quản lý là hơn 2.268 tỉ đồng với 44.624 hộ vay, tăng hơn 1.305 tỉ đồng so với năm 2014. Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.