Vốn tín dụng chính sách: Giúp đồng bào Khmer xã Bình Phú giảm nghèo

Bình Phú là 01 trong 03 xã của huyện Càng Long có đông đồng bào Khmer; có 10 ấp, với 3.884 hộ, dân số 14.645 người; trong đó, hộ dân tộc Khmer 1.037 hộ, chiếm 26,71% dân số, tập trung ở 03 ấp Nguyệt Lãng A, Nguyệt Lãng B và Nguyệt Lãng C. Phần lớn hộ dân tộc Khmer sồng bằng nghề sản xuất nông nghiệp.

Đoàn viên Kim Thị Ly Na chăm sóc đàn bò.

Đoàn viên Kim Thị Ly Na chăm sóc đàn bò.

Đồng chí Huỳnh Trung Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết: kết quả điều tra hộ nghèo cuối năm 2023, xã Bình Phú còn 35 hộ nghèo, chiếm 0,9%/tổng số hộ dân toàn xã; 137 hộ cận nghèo, chiếm 3,52%/tổng số hộ dân toàn xã. Theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, hiện xã Bình Phú còn 02 ấp đặc biệt khó khăn: Nguyệt Lãng A, Nguyệt Lãng B.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong hơn 10 năm qua, từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội, trên địa bàn xã, công tác giảm nghèo nói chung, đồng bào Khmer nói riêng đạt được những kết quả đáng trân trọng. Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Càng Long đã chuyển tải nguồn vốn TDCS kịp thời đến đối tượng thụ hưởng, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và XDNTM.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND xã Bình Phú đã tham mưu Đảng ủy xã Bình Phú chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương quán triệt, triển khai rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân về nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW. Từ đó, có sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, sự tham gia của các ban, ngành, địa phương, đưa nguồn vốn TDCS của Chính phủ đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.

Từ nguồn vốn TDCS đã giúp cho hàng trăm lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững vươn lên khá giàu, tạo việc làm cho gần 400 lao động, gần 1.000 công trình nước sạch, nhà vệ sinh được xây dựng, hỗ trợ 01 hộ vay xây nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho hơn 90 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Anh Lương Hữu Tín, Bí thư Xã Đoàn Bình Phú chia sẻ: Xã Đoàn Bình Phú hiện có 146 đoàn viên, không còn đoàn viên nghèo; những năm qua, nhiều đoàn viên thoát nghèo, vươn lên nhờ nguồn vốn TDCS. Đơn cử như đoàn viên Kim Thị Ly Na, ngụ ấp Nguyệt Lãng B, được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Xã Đoàn để nuôi bò. Qua hơn 03 năm sử dụng vốn, nay đàn bò của đoàn viên Kim Thị Ly Na có 05 con, giá trị hơn 110 triệu đồng.

Đến cuối tháng 6/2024, xã Bình Phú đang thực hiện cho vay 12 chương trình TDCS, tổng dư nợ 55,524 tỷ đồng, hơn 1.500 hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương 48,762 tỷ đồng; dư nợ nguồn vốn địa phương 6,762 tỷ đồng; các chương trình có dư nợ cao như: hộ mới thoát nghèo, trên 07 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 15,5 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 11,8 tỷ đồng, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 7,3 tỷ đồng.

Vốn TDCS giúp đồng bào Khmer nói riêng, hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Phú nói chung giảm nghèo hiệu quả, theo đồng chí Huỳnh Trung Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú, sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND xã phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ chức triển khai nhanh các chính sách cho vay ưu đãi; tiến hành điều tra, rà soát đối tượng thuộc diện được thụ hưởng có nhu cầu vay vốn. Hàng năm, căn cứ các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch TDCS của Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, xã tiến hành phân bổ, giao các chỉ tiêu nguồn vốn đến từng ấp có đối tượng thụ hưởng, phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác của xã bình xét cho vay công khai, dân chủ. UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác của xã, Ban Nhân dân ấp đặc biệt là cộng đồng dân cư trong ấp, trong công tác rà soát đối tượng bình xét cho vay, thực hiện công bằng, dân chủ công khai.

Hàng năm, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác của xã xây dựng kế hoạch kiểm tra từ đầu năm; tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra nhắc nhở hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích; gắn kết việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng và Nhà nước về TDCS ưu đãi trong các buổi họp tổ thường kỳ, nhằm giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc trả lãi, trả nợ gốc, sử dụng vốn vay của NHCSXH, đảm bảo đem lại hiệu quả thiết thực từ cho vay nguồn vốn TDCS được đầu tư trên địa bàn.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi sâu vào cuộc sống và tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động TDCS, qua đó góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/von-tin-dung-chinh-sach-giup-dong-bao-khmer-xa-binh-phu-giam-ngheo-40305.html