Vốn tín dụng chính sách huyện Hải Hậu đồng hành cùng người nghèo vượt khó

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay, đã có 98 nghìn lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách của huyện Hải Hậu được vay hơn 2.000 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay, đã có 98 nghìn lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách của huyện Hải Hậu được vay hơn 2.000 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện. Điều này cũng khẳng định vai trò của tín dụng chính sách (TDCS) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ để huyện Hải Hậu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu tiếp vốn, gia đình chị Nguyễn Thị Tho ở xóm Hải Điền, xã Hải Đông đã phát triển kinh tế gia đình ổn định.

Được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu tiếp vốn, gia đình chị Nguyễn Thị Tho ở xóm Hải Điền, xã Hải Đông đã phát triển kinh tế gia đình ổn định.

Từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, trong gần 20 năm qua, đã có hơn 80 nghìn lượt hộ có vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm; xây dựng mới được 621 căn nhà cho hộ nghèo, 17 căn nhà cho hộ có thu nhập thấp để ổn định cuộc sống; xây dựng mới 50.148 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ngoài ra, có 15.727 học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo nguồn nhân lực có tri thức cho tương lai. Các chương trình TDCS đã giúp cho huyện Hải Hậu nâng mức thu nhập bình quân theo đầu người trên địa bàn huyện năm 2021 đạt 53 triệu đồng; 22.368 hộ thoát nghèo, góp phần đáng kể vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tính đến hết quý II năm 2022, tổng dư nợ cho vay 11 chương trình TDCS trên địa bàn huyện Hải Hậu đạt 611 tỷ 587 triệu đồng, tăng 577 tỷ 440 triệu đồng so với năm 2003 và là địa phương có dư nợ TDCS cao nhất trong toàn tỉnh. Toàn huyện hiện có 96 cơ sở hội, đoàn thể tại các xã, thị trấn nhận ủy thác cho vay vốn TDCS thông qua 456 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) tại 100% thôn, xóm trên địa bàn. Hoạt động TDCS luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND và Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện, sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự nhiệt tình, trách nhiệm của Ban quản lý tổ TK và VV. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động tín dụng ưu đãi trong gần 20 năm qua không ngừng được củng cố, hoạt động cho vay được thông suốt với thủ tục đơn giản, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện đã kịp thời đến đúng đối tượng trong diện quy định. Đặc biệt, thực hiện theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS, từ năm 2015 đến nay, UBND huyện đều dành một phần ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Mặc dù tỷ trọng nguồn vốn chưa nhiều nhưng thể hiện sự quan tâm, động viên rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện đối với nguồn lực tín dụng CSXH huyện dành cho người nghèo khó. Qua đó, thể hiện sự nhìn nhận đúng vai trò của TDCS trong thực hiện công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM của huyện.

Gia đình anh Nguyễn Văn Phượng ở xóm Xuân Hà, xã Hải Đông là một trong những hộ được hỗ trợ hiệu quả từ nguồn vốn TDCS. Nhà anh Phượng vốn trước đây chỉ có nghề làm muối, “sáng cấy, chiều gặt”, nhưng ruộng ít, giá muối bấp bênh nên dù chăm chỉ lắm vẫn nghèo. Là con trai cả trong gia đình nên khi bố mất sớm, ngoài gia đình riêng, anh Phượng trở thành trụ cột, gánh vác trọng trách chăm lo cho mẹ và người em mất khả năng lao động; trong khi anh chị cũng đang nuôi 2 con học trường nghề. Bởi vậy kinh tế gia đình anh luôn bề bộn khó khăn. Ngày ngày, ngoài làm mấy sào ruộng muối vợ chồng anh sớm hôm tần tảo nuôi thêm 3 con lợn nái và thuê thêm các ruộng muối xung quanh do các hộ khác không làm, bỏ công sức đầu tư cải tạo để nuôi cá, tôm, gà và trồng cây ăn quả, cây dược liệu tạo thêm thu nhập. Tuy nhiên cũng không dư dả tích lũy được mấy. Đã vậy, năm 2020, đàn lợn nhà anh lại bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy hết, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu năm 2021, được tuyên truyền về các chương trình vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu, anh rất mừng vì hy vọng có cơ hội vay vốn để vượt khó, khôi phục chăn nuôi. Tìm đến tổ tiết kiệm và vay vốn xóm do Hội Nông dân xã quản lý, anh được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Gia đình anh đã được Ngân hàng CSXH huyện phê duyệt cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Có được nguồn vốn trên gia đình anh đã tiếp tục cải tạo ruộng muối, đầu tư mô hình VAC: 1 ao thả tôm, 1 ao thả cá diêu hồng, 1 ao thả cá trắm, cá chép và nuôi 5 con lợn nái kết hợp trồng cây ăn quả, cây dược liệu. Năm 2021, dịch COVID-19 hoành hành, giá thức ăn chăn nuôi biến động tăng cao nhưng gia đình anh may mắn thu hoạch tôm, cá, lợn giống và xuất bán đúng thời điểm được giá. Với trên 2,5 tấn tôm, cá các loại và trên 100 con lợn giống/năm, cùng với hoa quả, cây dược liệu, trừ chi phí, gia đình anh Phượng đã thu về trên 100 triệu đồng. Anh Phượng cho biết: “Vốn ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện đã giúp gia đình tôi có nguồn vốn cơ bản để sản xuất ổn định, có nguồn trang trải chi phí học hành cho con để các cháu yên tâm học tập. Đặc biệt, giúp tôi có sẵn nguồn vốn để xoay vòng sản xuất, trả lãi vay hàng tháng cho ngân hàng đầy đủ; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân”.

Giai đoạn 2022-2030, Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn TDCS. Nguồn vốn ủy thác từ địa phương qua ngân hàng tăng khoảng 1 tỷ đồng/năm, dư nợ các chương trình tín dụng đạt 100% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng từ 7%/năm trở lên. Tỷ lệ nợ xấu dưới 0,1% tổng dư nợ. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng CSXH. Đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn đào tạo nghề, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình sản xuất, giảm nghèo bền vững của huyện gắn với hoạt động vay vốn của ngân hàng giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Tích cực và chủ động tham mưu cho huyện ủy, HĐND và UBND huyện tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt từ nay đến năm 2030. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi, công khai tại các điểm giao dịch để đông đảo nhân dân nắm bắt, kiểm tra hoạt động của Ngân hàng CSXH ngay tại cơ sở, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực phát sinh./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202209/von-tin-dung-chinh-sach-huyen-hai-hau-dong-hanh-cung-nguoi-ngheo-vuot-kho-2552908/