Vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội: Chưa đáp ứng nhu cầu
Chiếm đến 70-80% nhu cầu thị trường, thế nhưng nguồn cung nhà ở xã hội hiện mới đạt 41,4% so với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh cơ chế chính sách chưa phù hợp, khó khăn, hạn chế về nguồn vốn vay ưu đãi là nguyên nhân quan trọng khiến việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu cũng như chưa đạt kế hoạch đề ra...
Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang
Vốn ít, nhu cầu vay nhiều
Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hoàn thành 248 dự án nhà ở xã hội (hơn 5,1 triệu mét vuông sàn nhà). So với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (tối thiểu 12,5 triệu mét vuông sàn nhà vào năm 2020), tỷ lệ nhà ở xã hội hoàn thành mới đạt 41,4%. "Hạn chế về nguồn vốn vay ưu đãi là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này", Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh lý giải.
Về vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo - Truyền thông (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD) Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc (cuối năm 2015), các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nào thay thế. Về phía HUD, các dự án phát triển nhà ở xã hội trong thời gian gần đây chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay tín dụng thương mại.
Tại Hà Nội, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho biết: Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phát triển nhà ở xã hội của thành phố. Sau đó, Chính phủ tiếp tục bổ sung nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội, song nguồn vốn cho vay còn hạn chế.
Thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác (Ngân hàng Chính sách xã hội) Đào Anh Tuấn cho biết: Giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao 4.326,97 tỷ đồng, đáp ứng 24% nhu cầu vay vốn (nhu cầu khoảng 18.000 tỷ đồng). Từ tháng 4-2018 đến tháng 7-2020, các chi nhánh tỉnh, thành phố đã giải ngân 3.558 tỷ đồng, với 10.723 lượt khách hàng vay vốn xây mới, sửa chữa, mua nhà ở xã hội.
“Nguồn vốn vay ưu đãi này không dành cho doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, mà chỉ dành cho các đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (ngày 20-10-2015) về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng chính sách được vay vốn lãi suất thấp (4,8%/năm) tại Ngân hàng Chính sách xã hội gồm: Người có công với cách mạng; cán bộ, công chức, viên chức; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp...”, ông Đào Anh Tuấn cho hay.
Cần sớm “tiếp lực”
Mặc dù không hỗ trợ lãi suất ưu đãi trực tiếp cho doanh nghiệp, song theo Trưởng ban Tuyên giáo - Truyền thông HUD Nguyễn Chiến Thắng, nguồn vốn vay ưu đãi này cũng phần nào thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhà ở xã hội của doanh nghiệp. Tuy vậy, để kích thích sự tăng trưởng của phân khúc nhà ở xã hội, rất cần có những chính sách mang tính dài hơi cả về tài chính và cơ chế khác.
Để gỡ khó, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành bố trí vốn ưu đãi. Tháng 4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP (nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020), trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay phát triển nhà ở xã hội. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, gói hỗ trợ này chưa có vốn. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sớm cân đối, báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn vốn.
Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố rà soát, tổng hợp danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, có thể tiếp tục triển khai trong năm 2020 để các ngân hàng thương mại cho vay theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và danh mục các dự án nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
“Về mặt chính sách, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP theo hướng bảo đảm giá bán nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp, đồng thời khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Trọng Ninh cho hay.