Vốn ưu đãi tiếp sức cho sinh viên khó khăn bước vào cổng trường đại học
Nguồn vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho hàng nghìn sinh viên tự tin bước vào cánh cổng trường đại học, cao đẳng hay học nghề.
Cùng với nỗ lực của cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, người dân khó khăn ở các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã tiếp cận được chương trình tín dụng cho vay học sinh - sinh viên. Với nguồn vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho hàng nghìn sinh viên tự tin bước vào cánh cổng trường đại học, cao đẳng hay học nghề.
Từ hơn một tháng nay, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đều đặn mỗi ngày, hệ thống loa phát thanh của xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại phát đi thông điệp của Ngân hàng chính sách xã hội về chương trình tín dụng cho vay học sinh - sinh viên. Thông qua đó, nhiều hộ dân có con, em sắp sửa nhập học tại các trường đại học, cao đẳng có đủ điều kiện nắm được thông tin để vay vốn nếu có nhu cầu.
Vừa cùng con gái Nguyễn Thị Huyền đi sắm sửa những đồ dùng cần thiết để chuẩn bị vào thành phố Huế nhập học, chị Nguyễn Thị Túy, sinh năm 1970 ở thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà chia sẻ, vợ chồng chị làm nghề phụ hồ, gia đình thuộc diện trung bình của xã nhưng để nuôi 5 người con ăn học rất khó khăn. Trước đây chương trình vay vốn học sinh sinh viên chưa mở rộng đối tượng cho vay hộ gia đình có mức thu nhập trung bình nên gia đình chị Túy chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Năm học này, con gái út đậu Đại học Kinh tế Huế, biết thông tin gia đình thuộc diện vay vốn học sinh sinh viên của hộ gia đình có mức thu nhập trung bình nên chị Túy làm thủ tục hồ sơ ngay. Chị Túy cho biết, với nguồn vốn vay mỗi tháng 4 triệu đồng có thể giúp gia đình trang trải tiền học phí và hỗ trợ con thêm một phần vào tiền sinh hoạt hàng tháng để cháu có thể yên tâm học hành hơn.
Ông Nguyễn Xuân Tuyền, Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn Ngân hàng chính sách của thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh chia sẻ, thôn hiện có 8 sinh viên đang vay vốn chương trình tín dụng học sinh sinh viên và hiện có 12 sinh viên vừa đậu đại học đang có nhu cầu vay vốn.
Nhờ được tuyên truyền đầy đủ, người dân được tiếp cận nguồn vốn chính sách, cơ hội bước vào giảng đường cao đẳng, đại học của các cháu mở rộng hơn. Từ đó, các cháu đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng có động lực phấn đấu học tập, ông Tuyền cho hay.
Chị Lê Thị Nhuần là mẹ đơn thân, thuộc hộ nghèo tại thôn Tân Tiến, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Hai con gái của chị Nhuần hiện đang là sinh viên năm 2 và sinh viên năm 3 của Đại học Y Hà Nội.
Chị Nhuần chia sẻ, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cùng với thu nhập ít ỏi từ nghề nông, nếu không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chương trình cho vay học sinh - sinh viên thì chắc rằng hai con gái chị Nhuần không thể theo đuổi được đam mê với ngành y khoa. Hiện nay, dư nợ của gia đình chị Nhuần tại chương trình cho vay học sinh - sinh viên đang là 190 triệu đồng.
Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 21/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh - sinh viên, đối tượng thụ hưởng hiện nay đã được mở rộng gồm học sinh - sinh viên thuộc hộ gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; học sinh - sinh viên mồ côi cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ người còn lại không còn khả năng lao động; học sinh - sinh viên có gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú. Đây thực sự là cơ hội cho những học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.
Ông Nguyễn Tiến Thức, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, đến cuối tháng 8/2023, tổng dư nợ của chương trình cho vay học sinh - sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 216 tỷ đồng, với 5.430 khách hàng còn dư nợ. Dự kiến, từ tháng 9, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước sẽ bắt đầu nhập học, theo đó nhu cầu vay vốn học sinh - sinh viên sẽ tăng cao hơn.
Để chương trình đạt hiệu quả cao, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp các địa phương, các tổ chức đoàn thể tăng cường kiểm tra việc bình xét cho vay học sinh - sinh viên theo đúng quy trình; giám sát, quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Ngân hàng cũng thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, duy trì lịch giao dịch, tổ chức giao dịch cố định hàng tháng tại xã, phường, thị trấn để thu hồi nợ, xử lý nợ đến hạn theo quy định, cải tiến hồ sơ, thủ tục vay vốn bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng, chính xác cho các đối tượng được thụ hưởng.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, nhất là cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để theo học đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề. Nhờ nguồn vốn vay được triển khai kịp thời mà nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Tĩnh được chia sẻ, giảm bớt gánh nặng vào mỗi đầu năm học mới. Thông qua đó, khuyến khích phong trào hiếu học, lập thân lập nghiệp, giúp các em có cơ hội tạo việc làm ổn định trong tương lai./.