Vòng đàm phán thứ 3 Nga - Ukraine đạt tiến triển nhỏ về sơ tán dân
Đại diện phái đoàn Nga và Ukraine tại vòng đàm phán thứ ba ở vùng Brest, phía tây Belarus ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Reuters, Sputniknews, ngày 7/3, nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết trong vòng đàm phán thứ ba với Nga, hai bên đã đạt được một vài tiến triển nhỏ về hoạt động hậu cần sơ tán dân thường, song không có thỏa thuận nào có thể cải thiện đáng kể tình hình chung.
Ông Mykhailo Podolyak tuyên bố hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Nga tham gia thảo luận với Ukraine - ông Vladimir Medinsky, ngày 7/3 tuyên bố vòng đàm phán thứ ba với Kiev, vốn tập trung vào việc mở các hành lang nhân đạo, không có mấy tiến triển tích cực cũng như vẫn chưa đạt được kỳ vọng, đồng thời ông cảnh báo không nên hy vọng vòng đàm phán tiếp theo sẽ mang lại kết quả cuối cùng.
Phát biểu trên truyền hình sau cuộc đàm phán, ông Medinsky cho biết vòng đàm phán diễn ra "không dễ dàng", "còn quá sớm để nói về một điều gì đó tích cực". Ông nêu rõ: "Kỳ vọng của chúng tôi vào cuộc đàm phán không được đáp ứng. Chúng tôi hy vọng lần tới chúng tôi có thể đạt được bước tiến lớn”.
Theo ông Medinsky, Nga hy vọng sẽ ký ít nhất một nghị định thư tại cuộc đàm phán thứ ba này với phái đoàn Ukraine. Trưởng phái đoàn Nga nói thêm: “Chúng tôi đến đây cùng với bộ tài liệu bằng văn bản lớn, chúng tôi đã mang theo những thỏa thuận, dự án và đề nghị cụ thể, chúng tôi đã hy vọng rằng hôm nay có thể ký ít nhất một nghị định thư liên quan đến những hạng mục mà chúng tôi dường như đã đồng ý về nguyên tắc, nhưng phía Ukraine đã mang tất cả số tài liệu này về để nghiên cứu, việc ký kết tại chỗ đã không thể thực hiện và họ nói rằng chúng tôi sẽ còn quay lại vấn đề này, có thể là trong cuộc họp tiếp theo".
Ông Medinsky cũng cho biết Nga hy vọng trong ngày 8/3, các hành lang nhân đạo ở Ukraine sẽ bắt đầu hoạt động và phái đoàn Ukraine đã đảm bảo với Nga về vấn đề này. Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ ba với Ukraine, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) về các vấn đề quốc tế - ông Loenid Slutsky, tuyên bố vòng đàm phán thứ tư giữa hai bên sẽ diễn ra trên lãnh thổ Belarus trong thời gian tới.
Trong diễn biến khác, giá dầu thế giới phiên 7/3 tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, sau khi Mỹ và các nước châu Âu xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga còn nguồn cung dầu thô từ Iran chưa có dấu hiệu sớm trở lại thị trường toàn cầu.
Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 5,1 USD (tương đương 4,3%) lên 123,21 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 3,72 USD (3,2%) lên 119,40 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, với dầu Brent đạt 139,13 USD/thùng và WTI là 130,50 USD/thùng. Giá dầu đã tăng đột biến khoảng 60% kể từ đầu năm 2022 tới nay, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát sau giai đoạn đình trệ vì dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 7/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết giá dầu có thể lên hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu từ nước này. Nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) Giovanni Staunovo cho hay 125 USD/thùng – mức dự báo ngắn hạn đối với dầu Brent - là mức trần “mềm” cho giá dầu, mặc dù con số trên có thể tăng cao hơn nữa.
Chuyên gia này nhận định tình hình căng thẳng gia tăng trong thời gian dài ở Ukraine có thể đẩy giá dầu Brent lên trên 150 USD/thùng. Các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America (Mỹ) cũng ước tính nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày hoặc cao hơn. Diễn biến đó có thể đẩy giá lên tới 200 USD/thùng.
Trong khi đó, triển vọng các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với các cường quốc trên thế giới rơi vào tình trạng không chắc chắn, sau khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt liên quan tới tình trạng căng thẳng tại Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của nước này với quốc gia Vùng Vịnh. Các nguồn tin đồng thời cho biết phía Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu mới.
Cùng với đó, các quan chức Mỹ và Venezuela đã thảo luận về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ đối với quốc gia Mỹ Latin này. Song các nguồn thạo tin cho hay hai bên đạt được rất ít tiến bộ hướng tới một thỏa thuận trong cuộc đàm phán song phương cấp cao đầu tiên trong nhiều năm.
Cũng trong ngày 7/3, theo dữ liệu từ GasBuddy, giá khí đốt trung bình tại Mỹ đã đạt mức cao nhất trong lịch sử với hơn 4,104 USD/gallon (1 gallon tương đương khoảng 3,78 lít), vượt qua mức kỷ lục của năm 2008 là 4,103 USD/gallon. Giá khí đốt tại Mỹ vào cuối tuần qua đã chứng kiến lần đầu tiên kể từ năm 2008 mà mức trung bình vượt quá 4 USD/gallon.
Trong khi đó, dù mức tăng về giá khí đốt trong ngày thứ sáu không bằng mức tăng kỷ lục trong một ngày là 18 xu, song cũng đã lập kỷ lục mới cho mức tăng lớn nhất trong khoảng thời gian bảy ngày. Kỷ lục trước đó về giá khí đốt tại Mỹ đã được thiết lập sau cơn bão Katrina năm 2005, với mức tăng được ghi nhận là 49 xu.
Theo chuyên gia Patrick De Haan, người đứng đầu phân tích dầu khí tại GasBuddy, cho biết trong một tuyên bố rằng người Mỹ chưa bao giờ thấy giá xăng cao như thế, cũng như chưa bao giờ thấy tốc độ tăng nhanh và dữ dội như vậy.
Sự kết hợp này làm cho tình hình này trở nên đáng chú ý và căng thẳng hơn, với các lệnh trừng phạt đối với Nga nhằm hạn chế dòng chảy dầu của quốc gia này, dẫn đến sự tăng vọt về giá của tất cả các loại nhiên liệu như xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng sẽ không sớm cải thiện được vấn đề này, khi tình trạng giá khí đốt cao có thể sẽ không kéo dài trong chỉ vài ngày hoặc vài tuần giống như năm 2008 mà có thể là vài tháng.
Giá khí đốt đã tăng trước khi căng thẳng Nga và Ukraine gia tăng, phần lớn là do nhu cầu tăng khi các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 được dỡ bỏ.