Vọng mãi lời tri ân

Một chuyến đi đặc biệt ý nghĩa, mỗi địa danh ghé qua đều đưa các thành viên trong đoàn về miền ký ức của một thời hoa lửa, kết nối quá khứ với hiện tại như nhắc nhở mỗi người luôn ghi nhớ, trân quý những gì mà thế hệ cha anh đã cống hiến và hy sinh... Đó là cảm nhận của tất cả các thành viên trong Đoàn công tác của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan làm Trưởng đoàn về dâng hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ tại các tỉnh miền Trung nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Đoàn công tác của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan làm Trưởng đoàn dâng hương, hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ

Đoàn công tác của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan làm Trưởng đoàn dâng hương, hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ

Tháng 7 - tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã được các thế hệ người Việt xây dựng, gìn giữ để tri ân những hy sinh, mất mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đã thành hoạt động thường niên, cứ đến trung tuần tháng Bảy, các đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của tỉnh lại hành hương về các nghĩa trang liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc để thắp nén tâm nhang tỏ lòng tri ân với những người con đã hy sinh máu xương, hiến trọn tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan dâng hương từng ngôi mộ liệt sĩ quê hương Vĩnh Phúc để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những anh hùng, liệt sĩ

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan dâng hương từng ngôi mộ liệt sĩ quê hương Vĩnh Phúc để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những anh hùng, liệt sĩ

Năm nay, thay mặt Đảng bộ và nhân dân của tỉnh, Vĩnh Phúc thành lập các đoàn về khu vực miền Trung và Tây Bắc. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn, cùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh đã tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ và khu di tích lịch sử trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Xuyên qua cát trắng, gió Lào của “đất lửa” miền Trung, trong 3 ngày (từ 15-17/7), Đoàn công tác của tỉnh đã có cuộc hành trình ý nghĩa về với: “Miền Trung/ Đòn gánh oằn hai đầu đất nước… Cá gỗ, sắn khoai, nhút cà, rau má/… Những đứa con/ Quăng mình vào máu lửa/ Dựng nên thành đồng Tổ quốc tôi”… nơi có những địa danh như sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn… đã thành huyền thoại bất tử gắn với cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh dâng hương bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ độc, lập tự do cho Tổ quốc

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh dâng hương bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ độc, lập tự do cho Tổ quốc

Nắng tháng 7 như thiêu như đốt, trời miền Trung trong vắt không một gợn mây, theo lịch trình, Đoàn công tác của tỉnh tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ và khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Khu di tích lịch sử Ngã 3 Đồng Lộc và Khu di tích lịch sử Kim Liên.

Vượt qua quãng đường gần 700 km với những trận mưa như trút nước dọc theo dải đất miền Trung, Quảng Trị đón chúng tôi với cái nóng oi ả, gay gắt. Chẳng biết có phải thiên nhiên muốn bù đắp cho vùng đất vốn chịu nhiều đau thương bởi mưa bom bão đạn của kẻ thù, để Quảng Trị hôm nay xanh mướt những bóng cây.

Sừng sững trong những bóng cây râm mát, Thành cổ Quảng Trị - điểm đến đầu tiên của Đoàn công tác tỉnh hiện lên như một khúc tráng ca bất tử về những người con đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong 81 ngày đêm khói lửa.

Các thành viên trong Đoàn công tác của tỉnh hướng lòng mình với tất cả sự tri ân trước những hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sĩ

Các thành viên trong Đoàn công tác của tỉnh hướng lòng mình với tất cả sự tri ân trước những hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sĩ

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại khu di tích lịch sử đặc biệt này, dù mới đến đây lần đầu, hay đã đến nhiều lần, nhưng tất cả thành viên trong đoàn đều lặng người, nghiêng mình khi nhìn nấm mộ chung của các anh như khúc tráng ca sừng sững giữa trời. Nơi đây mãi là cội nguồn cho những cuộc hành hương ngược dòng lịch sử cho những ai muốn chiêm nghiệm lẽ sống và sự hy sinh bất tử.

Những câu chuyện đã khiến thời gian và không gian như ngưng đọng. Chúng tôi rời đi, dường như đều nhẹ bước chân hơn bởi như bên tai có ai đó nhắc nhở: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây… Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào…”.

Trong những năm 1965-1972, địa danh Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt và cũng là nỗi ám ảnh, kinh hoàng của Mỹ - Ngụy.

Với diện tích 13 ha, Nghĩa trang Đường 9 hiện là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn anh hùng, liệt sĩ với đầy đủ ba thứ quân: Bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương; lực lượng dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Phần mộ liệt sĩ biết đầy đủ họ tên, quê quán, được chia thành 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương. Cũng tại nơi này đã có hơn 300 người con của Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc-Phú Thọ) mãi mãi nằm lại, hiến dâng máu xương để có được nền độc lập, hòa bình như ngày hôm nay.

Dâng hương thành kính trước từng phần mộ, giữa bạt ngàn trùng trùng lớp lớp ngôi mộ trong nghĩa trang mênh mông nơi các anh nằm xuống vì Tổ quốc, các thành viên trong đoàn ai cũng có chung cảm xúc bâng khuâng, nghẹn ngào...

Rời Nghĩa trang Đường 9 trong cơn mưa rừng đổ xuống sầm sập, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình băng núi, xuyên rừng ngược về Nghĩa trang Trường Sơn. Bỏ lại cơn mưa rừng ở phía sau, đường về Nghĩa trang Trường Sơn ngút ngàn những rặng cao su, hồ tiêu bên những nếp nhà bình dị đến nao lòng.

Hai bên đường, những khe suối vẫn chập chờn bướm trắng, nắng vẫn vàng rực rỡ, chói chang như nhuộm thắm “màu hoa đỏ” một chiều biên giới. Và nơi ấy còn biết bao liệt sĩ chưa được tìm thấy, đã nhập vào hồn cây, ngọn núi, hóa thân thành mây trắng cuối trời?

Tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Nghĩa trang Trường Sơn là nơi an nghỉ của hơn 10 nghìn người con ưu tú khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong nắng chiều oi ả nơi núi rừng Trường Sơn bạt ngàn, chúng tôi thật sự ấn tượng và lặng người trước màu đỏ đến nhức nhối như cứa vào tâm can của những chùm hoa phượng kề cận với khu Đài tưởng niệm. Dường như máu đào của bao anh hùng, liệt sĩ vừa rời sách bút thấm đẫm vùng đất này đã hun đúc, làm cho màu hoa phượng như đỏ hơn, rực cháy những khát vọng, nhiệt huyết tuổi trẻ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Nghĩa trang Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta, thể hiện truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.

Trong tiếng chuông ngân vang được Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan thỉnh vọng linh hồn các anh hùng, liệt sĩ, đâu đó ngân lên giọng thơ bi tráng, hào hùng: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

Hơn 40 năm qua, Nghĩa trang Trường Sơn luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các tỉnh, thành phố và nhân dân cả nước quan tâm chăm lo, thăm viếng. Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, việc dâng hương, dâng hoa vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ tại đây đã trở thành hoạt động thường niên, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đối với những người con thân yêu đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Từ Thành cổ Quảng Trị, qua Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn rồi Ngã 3 Đồng Lộc, Khu di tích Kim Liên… Mỗi điểm đến trong chuyến đi đều để lại những dấu ấn chẳng thể phai nhòa với mỗi thành viên trong đoàn công tác. Đến nơi đây, dường như mỗi người đều bỏ lại sau lưng những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường ngày, hướng lòng mình với tất cả sự tri ân trước những hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sĩ.

Trong hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước, dải Trường Sơn hùng vĩ đã trở thành thiên anh hùng ca bi tráng, nơi chứng kiến tinh thần quyết chí, bền lòng, đầy gian lao của một thế hệ người Việt Nam.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan thành kính tưởng nhớ công ơn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng xương máu, dành trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và xứng đáng với sự hy sinh mất mát của các anh hùng, liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc nguyện đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, chú trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh!

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/80901/vong-mai-loi-tri-an.html