Vòng tay của ba

Năm rồi, tôi không về quê đón Tết được vì mới sinh con nhỏ. Cận Tết, ba tôi bắt xe lên Gia Lai thăm con cháu. Hành trang ba mang theo là gạo quê, gà quê, đôi cân đậu xanh được mẹ chọn kỹ… Nhìn ba khệ nệ đeo mang những thứ đồ quê đứng trước cổng nhà, tôi cứ thế khóc ngon lành như một đứa trẻ.

Hồi nhỏ, tôi là đứa trẻ ương bướng, thường trốn mẹ theo tụi bạn trai đi tìm tổ chim vào ban trưa. Mỗi lần mẹ bắt được thường phạt đòn. Ba xuýt xoa đôi chân bị mẹ đánh rồi dặn dò: “Lần sau đừng làm mẹ giận nữa con nhé”. Có lần, tôi lao vào đánh nhau với San vì nó chê nhà tôi nghèo mà sĩ, còn bảo “Con gái cắm cúi học cho lắm rồi cũng đi lấy chồng”. Ba San tìm gặp ba tôi trách chuyện. Trước mặt hai ba con San, ba mắng tôi rồi nhận lỗi về mình.

Dắt tôi về, suốt đoạn đường ba nghiêm mặt, chẳng nói gì. Tôi nghĩ chắc sẽ bị ba phạt. Ấy nhưng, khi hai ba con San vừa rẽ khuất lối về, ba tôi liền quay lại, ngồi thụp xuống nắn nắn tay, chân tôi… rồi liên tục hỏi xem tôi có bị đau ở đâu không.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Tôi thích nhất là những buổi tối mùa hè, khi quê tôi có đoàn chiếu phim từ thành phố về. Những buổi ấy, ba gác lại công việc để đưa chị em tôi đi xem phim. Có hôm rạp đông, trẻ con chẳng thể chen được, ba cõng tôi lên vai suốt cả buổi xem phim. Mồ hôi ba thấm đẫm vai áo, ấy thế mà cuối buổi, ba đưa tôi ra chỗ thưa người, dùng quạt mo phe phẩy và hỏi: “Có nóng không con?”.

Thấy tôi im lặng không nói, ba sốt sắng hỏi tiếp: “Sao vậy con?”. Tôi nhìn ba thỏ thẻ: “Con thương ba quá!”. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi biết nói thương ba. Thế rồi, ba ôm lấy tôi, hai ba con dắt nhau về nhà trên con đường làng đầy ánh trăng.

Ba không dạy tôi đọc, không cầm tay uốn nắn nét chữ khi tôi bắt đầu học những chữ cái đầu tiên. Bởi lẽ, những lúc ấy ba còn miệt mài sớm khuya trên cánh đồng trong cái rét căm căm găm vào da thịt hay lẫn đâu đó trong công việc hàng ngày. Hồi đó, bạn bè cùng trang lứa với tôi thường rất ít người được theo học đến nơi đến chốn, thường học hết THCS hay THPT thì xin đi làm công nhân giày da phụ giúp gia đình. Dù nhà có nghèo nhưng ba vẫn cố gắng làm lụng để chúng tôi theo đuổi giấc mơ của mình. Ba nói: “Ba chẳng ước gì nhiều, chỉ ước con ba nhiều chữ”.

Hôm vừa rồi, tôi có đọc trên trang Facebook cá nhân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể về giấc mơ ngày bé, ông vẫn thường được bà cõng đến những nơi làm đồ ăn để xin cho cháu thứ gì đó. Mẹ ông vẫn bảo bà đừng làm thế vì người ta cười cho, nhưng bà vẫn kệ, ai cười mặc ai, miễn là cháu bà có cái ăn. Trái tim tôi rung lên xúc động.

Tôi nhớ đến ngày bé nghèo đói, mỗi bận trong làng nhà nào có tiệc cưới, giỗ… ba cũng thường cõng tôi sang chơi để xin thứ gì đó. Mỗi lần ba dự đám cỗ nhà hàng xóm, tôi vẫn thấy ba lén mẹ giấu cái bì nhỏ vào túi và những trưa như thế, chị em tôi thấp tha thấp thỏm nhìn ra cửa sổ, chỉ cần thấy con vàng đánh tiếng là ùa ra, thích thú với chiếc bánh phồng tôm, cái trứng cút hay chiếc bánh ít… ba mang về.

Ba tôi suốt cả cuộc đời gắn bó với ruộng đồng, đất cát, không biết đến smartphone, internet, cũng chẳng biết đến cửa hàng thời trang hay món ngon nơi nhà hàng sang trọng. Mỗi lần mua tặng ba chiếc áo, đôi dép mới hay món quà gì đó, tôi phải cắt chiếc mác có ghi giá tiền hoặc xóa giá cũ rồi dán lên một mức giá mới để ba yên tâm.

Ba tôi có đôi bàn tay chai sần vì những năm tháng cõng đá, kéo cày… Ông vẫn thường chở che, nhận hết phần lỗi về mình mỗi khi các con gây ra lỗi lầm gì đó. Trong hành trình cuộc đời, không ít lần tôi bật khóc vì một vấp ngã nào đó, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ tôi thấy mình đơn độc. Bởi tôi biết, dù có thành công hay thất bại thì tôi vẫn có một chốn để quay về, trong vòng tay của ba.

PHÚC AN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/vong-tay-cua-ba-post241276.html