Vòng tay người xa lạ và nỗi niềm được sẻ chia
Cái ôm là phương thuốc diệu kỳ của tâm hồn, chữa lành những tổn thương, tiếp thêm cho con người nguồn sinh lực mới. Việc ôm nhau, trao lời yêu thương cho người thân rất đáng trân trọng. Nhưng tuyệt vời hơn nữa, chính là ôm ấp, vỗ về những người xa lạ đang chịu tổn thương, mang nỗi buồn ở ngoài kia.
Đừng tuyệt vọng, bạn không cô đơn
Cách đây không lâu, một đoạn video của cô gái mang tên Ngọc Anh (sinh sống ở Hải Phòng) chia sẻ cảnh xin phép được ôm một người phụ nữ xa lạ trong quán cà phê. Cô gái cho biết, người phụ nữ nhìn giống hệt người mẹ thân yêu đã mất hơn một năm trước của cô. Trong suốt một năm, Ngọc Anh khao khát được gặp mẹ, ôm lấy mẹ và trò chuyện như lúc bà còn sống. Vì vậy, khi tình cờ gặp được người phụ nữ lạ mặt ấy, cô không kìm được nước mắt xin phép được ôm bà một cái. Người phụ nữ cũng rất cảm động, ôm lấy Ngọc Anh và vỗ về, an ủi cô gái.
Vào năm 2019, trên kênh New York Post của Mỹ đã chiếu đoạn video ngắn quay người cảnh sát tên Aaron (ở bang Arizona) đang thuyết phục một chàng đừng nhảy cầu tự tử. Viên cảnh sát chỉ nói: “Đừng nhảy, tôi không muốn mất bạn, lại đây, chỉ tôi và bạn, tôi sẽ ôm bạn”. Bằng lời lẽ chân thành, người thanh niên đã từ bỏ ý định tự tử và nhào vào lòng viên cảnh sát khóc nức nở. Dường như bao cảm xúc đau đớn, bơ vơ của anh ta vỡ òa trong khoảnh khắc ôm một người xa lạ.
Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước Việt Nam từ 36.000 - 40.000 người. Vì vậy, đừng bỏ qua một cái ôm khi thấy những con người đang tuyệt vọng, biết đâu, sẽ cứu một người thoát khỏi bất hạnh.
Với một xã hội đang “quay cuồng” trong mối lo lắng về cơm áo, gạo tiền. Những cử chỉ bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm ngày càng ít đi. Con người của thế kỷ XXI, là thế hệ của những người cô đơn. Đặc biệt ở Việt Nam, khi quy chuẩn “ngầm” từ thời xa xưa buộc con người phải mạnh mẽ, cứng rắn. Khiến cho các cá nhân đều cố che giấu tình cảm, ai cũng bộc lộ mình là người vui vẻ, hạnh phúc, đặc biệt với người xa lạ, không thân thiết. Những cái ôm, những lời nói ngọt ngào được xem là hành động yếu đuối, xấu hổ.
Nhưng mỗi người có thật sự mạnh mẽ, hạnh phúc như họ thể hiện hay không? Thực tế là không, chưa bao giờ, ở Việt Nam, cộng đồng chứng kiến nhiều vụ tự tử của những em học sinh mười bốn, mười lăm tuổi, hay của các chàng trai, cô gái sinh viên đang trong độ tuổi đôi mươi. Chưa bao giờ, các lớp thiền chữa lành, lớp học kết nối… được mở ra để phục vụ người lớn, người già như ở thời đại này.
Việc tìm kiếm sự an định tinh thần từ những tổ chức, từ lớp học, cộng đồng mạng, cho thấy, mỗi người đều khao khát sự đồng cảm, yêu thương từ người xa lạ biết nhường nào. Một cái ôm, tưởng chừng thật nhỏ bé, đơn giản, bất cứ ai cũng có thể làm. Nhưng lại ẩn chứa bên trong sức mạnh to lớn. Cái ôm thay lời nói bày tỏ sự quan tâm, yêu thương không lời. Cái ôm có thể kéo gần đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm lại với nhau. Và để người hoàn toàn xa lạ ôm nhau, đó là điều quý giá nhất. Bởi lúc ôm nhau, họ tìm thấy sự đồng cảm, tin tưởng dành cho một người chưa bao giờ quen biết. Cái ôm với người lạ tưởng chừng “vô vị”, kỳ quặc, thực tế lại là “chiếc phao” cứu sinh cho rất nhiều người. Bởi vì chỉ khi tuyệt vọng nhất, đau đớn nhất, buồn bã nhất, con người mới bỏ đi chiếc “mặt nạ” bình thản, phơi bày sự yếu đuối, thèm khát được yêu thương của mình.
Giống như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2023, tại Hà Nội, một nam sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn bố tâm thần, mẹ mất sớm, phải tự đi gần 20km đến điểm thi đã ngủ quên và trễ xe buýt. Bao nhiêu công sức, hy vọng, ước mơ của em tan biến trong lúc đó, nam sinh òa khóc nức nở trước cổng trường. Những phụ huynh xung quanh xúm lại, cùng nhau ôm ấp, vỗ về em. Người đưa em vào phòng y tế, người ôm lấy xoa đầu, vỗ vai an ủi, một lúc sau em dần bình tĩnh trở lại.
Hay vào năm 2022, khi một vụ cháy thương tâm xảy ra ở ngôi nhà 6 tầng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) đã có hình ảnh cảm động chụp một cô gái mặt lấm lem muội than ôm người lính cứu hỏa khóc. Cô là một trong những người may mắn được cứu thoát khỏi tòa nhà đang bốc cháy nghi ngút. Bức ảnh đã khiến nhiều người xem xúc động, trong khoảnh khắc đối diện giữa sự sống và cái chết, nỗi cô đơn, tuyệt vọng kẹt cứng những căn phòng kín mít, lớp khói đen mịt mù, cuối cùng có người tìm thấy cô, đưa cô về với sự sống. Cái ôm chính là lời tri ân, cảm ơn, tình cảm chân thành nhất cô gái muốn gửi đến người lính.
Ôm đi, đừng ngại!
Một cái ôm có sức mạnh hơn triệu lời có cánh và giá trị hơn cả núi quà đắt tiền. Nó không đơn thuần chỉ là biểu hiện của sự yêu thương. Đó còn là cảm giác ấm áp, kỳ diệu đối với những ai cho đi và nhận về. Giáo sư tâm lý và trưởng nhóm nghiên cứu - Sander Koole thuộc Đại học Vrijie Amsterdam (Hà Lan) cho biết, mỗi người có thể tìm thấy sự an toàn bằng tiếp xúc giữa các cá nhân với nhau, dù tiếp xúc đó không bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo hay giá trị cuộc sống nào.
Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh, những người tiếp xúc với thân thế người khác như ôm, vỗ về, bắt tay, khoác vai,… ít trải qua cảm giác lo lắng hơn những người không tiếp xúc. Giáo sư Sander Koole cho biết: “Ngay cả những cái ôm thoáng qua cũng có thể giúp người ôm đối phó hiệu quả với tình trạng tồi tệ đang gặp phải”.
Với những ai chưa biết, hình ảnh cái ôm xa lạ còn tuyệt đẹp đến mức đã từng được trao Giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2021. Bức ảnh thuộc về tác giả Mads Nissen, người Brazil, anh đã chụp trong một viện dưỡng lão, khi đại dịch COVID-19 đang bùng nổ mạnh mẽ, người già cô đơn hơn bao giờ hết vì con cháu không ai đến thăm họ, xung quanh chỉ còn bệnh tật và tuổi già bủa vây. Các y, bác sĩ trong viện dưỡng lão đã tổ chức chương trình nhỏ trong khuôn viên của viện, đó là các tấm “rèm ôm” - những cái ôm thông qua rèm nhựa trong suốt. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cụ bà Rosa Luzia Lunardi (85 tuổi) đang trong vòng tay của y tá Adriana Silva da Costa Souza tại viện dưỡng lão Viva Bem, TP São Paulo, Brazil. Đây là cái ôm đầu tiên cụ Rosa nhận được trong vòng năm tháng, không phải từ con cháu hay bạn bè, người thân mà từ một y tá làm việc trong nơi cụ sống.
Còn tại Việt Nam, đến với phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM), chàng trai tên Phạm Thiên Ân (24 tuổi, quê ở Long An) từng được rất nhiều người biết đến với hoạt động “Chuyện cái ôm - không chỉ là cái ôm, mà là một câu chuyện”. Tại đây, anh cùng một số thành viên mang theo những chiếc biển ghi “free hugs” (tạm dịch: Những cái ôm miễn phí). Mỗi người ôm Ân, anh đều cảm ơn, đặt ra câu hỏi “Ngày hôm nay của bạn thế nào?”, anh cũng chuẩn bị thêm món quà nho nhỏ để tặng những người ôm mình.
Ân từng chia sẻ, ngày xưa, anh là một người rụt rè, nhút nhát, sau một lớp học tâm lý anh nhận ra giá trị chữa lành của những chiếc ôm. Hoạt động của Ân được mọi người tích cực đón nhận. Những cái ôm khiến anh đồng cảm, chia sẻ với tất cả mọi người. Có những người xa lạ đến ôm anh, rồi họ tựa vào và bật khóc, hay cười thật tươi, anh cảm thấy như là chính bản thân họ, cảm nhận những gì họ đang trải qua, hay người ta có câu “chia buồn, chung vui”, anh cảm nhận được nỗi buồn của họ, thì nỗi buồn ấy cũng được chia nhỏ ra. Còn có một số người đến ôm anh họ rất vui và anh thấy niềm vui ấy lan tỏa tới mình. Có những lúc Ân được các cô chú bán hàng rong ôm lấy tìm kiếm hơi ấm từ gia đình. Anh cũng đã ôm những em nhỏ mồ côi, buộc phải mưu sinh từ sớm. Những đứa trẻ chưa bao giờ biết tình yêu thương của cha mẹ, thậm chí có những em chưa từng được ôm, khi ôm anh, các em cứ đứng im lặng.
Thực tế, ôm một người là hành động dũng cảm không kém gì việc thành công trong học tập, công việc. Vì khi nỗi cô đơn của con người trở nên thường trực nhưng không thể tìm kiếm xung quanh một tâm hồn đồng điệu để sẻ chia, mỗi người sẽ mong cầu tìm thấy một ai đó lạc giữa dòng đời này, để họ xuất hiện và cho vay mượn nhau đôi chút sự đồng cảm, yêu thương nhỏ bé. Hơn bảy tỷ người trên thế giới là bảy tỷ số phận khác nhau. Mỗi ngày trôi qua, có những người đang rơi vào tuyệt vọng, đau đớn, cô đơn. Vì vậy, khi lướt qua nhau, nếu tình cờ phát hiện ra giọt nước mắt, sự tủi hờn của họ, hãy dừng lại hỏi thăm và nếu được dành một cái ôm thật chặt. Bởi biết đâu, khi ôm một người xa lạ, chúng ta đã cứu họ khỏi hành một động dại dột, tuyệt vọng trong cuộc sống này.
Theo một nghiên cứu cho thấy, khi giao tiếp với người khác, ngôn từ diễn đạt chiếm 7% thông điệp muốn mọi người hiểu. Âm thanh của giọng nói chiếm 38% thông điệp muốn nhắn gửi. Trong khi đó, ngôn ngữ hình thể lại chiếm tới 55%. Và cách dùng cái ôm nhau chính là dấu hiệu của những cảm xúc sâu sắc nhất. Cái ôm sẽ giúp người lạ cởi mở, thoải mái hơn khi giao tiếp với nhau.