Vòng vây siết chặt quanh Ukraine
Việc Nga khởi động tập trận ở Belarus, tiếp tục tăng cường binh sĩ, vũ khí tới Crimea, Biển Đen và biên giới với Ukraine là tín hiệu đáng lo ngại trong bối cảnh ngoại giao bế tắc.
Hàng chục nghìn binh sĩ Nga bắt đầu cuộc tập trận chung với Belarus, nước có chung đường biên giới với Ukraine ở phía bắc, từ ngày 10/2. Trong khi đó, Ukraine cho biết cuộc tập trận hải quân sắp tới của Nga ở Biển Đen có quy mô đến mức có thể làm gián đoạn tuyến thương mại hàng hải huyết mạch. Đồng thời, các máy bay của Nga cũng thường xuyên tuần tra.
Những diễn biến này cho thấy chiếc thòng lọng của Nga đang dần siết chặt nước láng giềng Ukraine từ nhiều phía, và từ các thế trận trên không, trên biển và đất liền.
Chiếc thòng lọng của Nga
Từ Moscow, sau cuộc làm việc với người đồng cấp Anh, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tiếp tục chỉ trích phương Tây không nghiêm túc xem xét những lo ngại an ninh của Nga.
Tổng thống Putin có phần dịu giọng hơn khi nói vẫn đang tiếp tục đàm phán với phương Tây về biện pháp tái định hình cấu trúc an ninh ở Đông Âu. Ông Putin cho biết Nga đang chuẩn bị văn bản phản hồi Mỹ và NATO.
Dẫu vậy, các hoạt động quân sự ngày càng rầm rộ của Nga ở các hướng bắc, đông và nam Ukraine là dấu hiệu đáng lo ngại cho cuộc khủng hoảng tại Đông Âu.
Ảnh vệ tinh giai đoạn 9-10/2 cho thấy Nga đã triển khai thêm binh sĩ và khí tài quân sự tới Belarus, Crimea cũng như biên giới phía Tây nước này, theo AFP.
Tại Belarus, nước chia sẻ đường biên giới dài 1.600 km với Ukraine, đồng thời là đồng minh khăng khít nhất của Moscow, máy bay chiến đấu của Nga đang tuần tra không phận suốt ngày đêm.
Trên lãnh thổ Nga giáp biên giới Ukraine, các hệ thống phòng không S-400 đã được triển khai. Các đơn vị lính thủy đánh bộ, vốn hoạt động ở Siberia, giờ đang tập trận chiến tranh đô thị ở phía tây, Bộ Quốc phòng Nga nói.
Trên biển Đen và biển Azov, ngoài khơi đông nam Ukraine, Nga vừa triển khai thêm hàng chục tàu chiến các loại, chuẩn bị cho một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn.
Chính phủ Ukraine phản đối cuộc tập trận của Nga, nói rằng hoạt động này sẽ làm gián đoạt tuyến thương mại trên biển trọng yếu đi ra Địa Trung Hải.
Kiev cáo buộc các cuộc tập trận của Nga là hành vi "chà đạp luật pháp quốc tế" nhằm "giành được mục tiêu địa chính trị". Ukraine kêu gọi các nước phản đối Moscow bằng cách cấm tàu thuyền của Nga cập cảng.
Các cảng biển phía nam Ukraine như Odessa, Mykolaiv, Kherson, Mariupol và Berdyansk là con đường chính để hàng xuất khẩu của Ukraine đi ra thế giới, gồm nông sản, than, thép...
Các cuộc tập trận của Nga có thể làm gián đoạn toàn bộ hoạt động vận tải hàng hóa trên biển của Ukraine, khiến nền kinh tế nước này thêm lao đao, theo nhận định của New York Times.
Moscow tuyên bố các cuộc tập trận hợp pháp theo luật quốc tế, đồng thời cam kết binh sĩ Nga sẽ rời Belarus sau khi cuộc tập trận kết thúc ngày 20/2.
Tuy nhiên, giới chức phương Tây lo ngại các cuộc tập trận là bình phong, cho phép Nga đưa binh sĩ vào những vị trí chiến lược bao vây Ukraine, trước khi phát động chiến tranh xâm lược.
Giới chức phương Tây cho biết họ tin rằng Moscow chưa quyết định sẽ tấn công Ukraine. Nhưng với việc tăng cường lực lượng ở biên giới, đưa máy bay, tên lửa đến Belarus, đồng thời triển khai tàu đổ bộ tới ngoài khơi Ukraine, Moscow đang tạo ra một chiếc thòng lọng dần xiết chặt yết hầu người hàng xóm.
"An ninh châu Âu đang lâm nguy. Thời gian cuộc chiến bắt đầu ngày càng gần", The Hill dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, đồng thời cho biết Nga chưa từng triển khai lực lượng ở Belarus với quy mô như hiện nay kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ngoại giao bế tắc
Cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 10/2 cho thấy xung đột quan điểm gay gắt giữa Moscow và phương Tây khiến cuộc khủng hoảng Ukraine gần như không có cách tháo gỡ.
Đại diện Anh tái khẳng định cảnh cáo của phương Tây rằng cuộc chiến một khi nổ ra sẽ kéo dài dai dẳng, đồng thời yêu cầu Nga rút 130.000 quân hiện đóng ở biên giới với Ukraine.
Ông Lavrov phản bác bằng cách nhắc lại những phát biểu trước đây của Moscow, rằng lực lượng Nga được triển khai không nhằm đe dọa ai, và vì thế không có lý do để rút quân.
"Quý vị trước hết phải chứng minh được chúng tôi (Nga) là người tạo ra tình huống căng thẳng này. Phương Tây đang cố bi kịch hóa tình hình", ông Lavrov nói.
Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố gắng tạo ra bước đột phá nhằm xoa dịu tình hình nhưng bất thành, chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Anh Truss cũng không mang lại tín hiệu lạc quan.
"Thú thực, tôi thất vọng khi có cuộc đối thoại như thể hai người câm điếc trò chuyện với nhau. Dường như chúng ta đều đang nghe nhưng không thấu hiểu", ông Lavrov nói.
Trong cuộc gặp mới nhất với người đồng cấp Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quan hệ giữa Moscow và London đang ở mức "gần bằng 0" và sắp xuống âm, theo AP.
Bất chấp những bế tắc thời gian qua, các nỗ lực theo đuổi giải pháp ngoại giao của phương Tây vẫn tiếp tục. Tuần tới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tới Nga hội đàm cùng Tổng thống Putin.
Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã có cuộc điện đàm với Tổng tham mưu trưởng quân đội Belarus Viktor Gulevich, để thảo luận về "các vấn đề an ninh khu vực" mà hai bên cùng quan tâm. Lầu Năm Góc cho biết cuộc điện đàm nhằm "giảm nguy cơ tính toán sai lầm".
Ngoại trưởng Anh Truss cho rằng bản thân việc Nga liên tiếp tăng cường binh lực tại Đông Âu đã nói lên tất cả. Phát ngôn của bà Truss cho thấy Anh đang theo đuổi lập trường ngày càng cứng rắn hơn với Nga.
"Nếu Nga nghiêm túc theo đuổi giải pháp ngoại giao, họ cần rút số quân đó (lực lượng Nga ở biên giới Ukraine) đi", bà Truss cho biết.
Phát biểu tại trụ sở NATO hôm 10/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông không nghĩ Nga đã ra quyết định cuối cùng về việc tấn công Ukraine.
"Nhưng điều đó không loại trừ khả năng một kịch bản thảm khốc có thể sớm xảy đến", Thủ tướng Johnson cảnh báo.
Điện Kremlin đến nay vẫn tiếp tục khiến các đối tác phương Tây phải đoán già đoán non ý định của mình.
Tổng thống Putin đã bắn tín hiệu ông sẵn sàng tiếp tục đàm phán về các yêu sách của Nga nhằm tái cấu trúc an ninh châu Âu, nhưng cũng đồng thời lấp lửng khả năng chiến tranh toàn diện với phương Tây.
Ngoại trưởng Lavrov khẳng định mọi cáo buộc Nga đe dọa Ukraine đều là "chuyện hư cấu". Cách phủ nhận này tương tự như khi Nga tuyên bố không đứng sau giật dây Crimea ly khai, cũng như hỗ trợ phiến quân ly khai ở miền Đông Ukraine.
"Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ Mỹ - Anh có lẽ đang âm mưu chuyện gì đó. Nếu họ sơ tán cán bộ đại sứ quán, chúng ta có lẽ cùng cần tính rút nhân viên ngoại giao về nước tạm thời", ông Lavrov nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ukraine-lam-vao-canh-tu-be-tho-dich-post1295480.html