Vòng xoáy biểu tình bạo lực làm chao đảo nước Mỹ
Các cuộc biểu tình ở 70 thành phố Mỹ sau vụ người da màu George Floyd bị cảnh sát ghì đầu gối lên cổ và tử vong đã dẫn tới vòng bạo lực luẩn quẩn giữa cảnh sát và người biểu tình những ngày qua.
Vòng luẩn quẩn
Floyd là một công dân da màu 46 tuổi, không mang vũ khí, bị cáo buộc dùng tờ 20 USD giả mua đồ. Mặc dù bị còng tay và nằm sấp nhưng Floyd vẫn bị cảnh sát đè đầu gối lên cổ trong suốt 8 phút, dẫn tới tử vong sau đó.
Lời van xin của Floyd “Làm ơn, tôi không thở được” trở thành thông điệp và tên cuộc biểu tình phản đối cảnh sát dùng bạo lực ở Mỹ. Biểu tình sau cái chết của Floyd đã xảy ra ở ít nhất 70 thành phố Mỹ, thậm chí lan sang cả nước ngoài, khiến giới chức Mỹ đang phải sử dụng mọi biện pháp để đối phó.
Trong khi đa số người dân đều biểu tình hòa bình thì có một bộ phận đã quá khích, bạo lực, thậm chí bị thế lực nào đó kích động để phóng hỏa, đập phá tài sản, cướp bóc các cửa hàng. Ước tính có hàng chục nghìn người đã xuống đường trút cơn giận lên cảnh sát. Họ không chỉ phản đối cái chết của Floyd và cách hành xử của viên cảnh sát Derek Chauvin, người đã bị sa thải và bị cáo buộc tội giết người cấp độ ba. Họ còn phản đối tình trạng cảnh sát dùng bạo lực nói chung trong suốt hàng chục năm qua mà nạn nhân chủ yếu là người da màu.
Đáp lại người biểu tình, cảnh sát đã đánh và bắn đạn cao su, đạn hơi cay. Một số người biểu tình chứng kiến xe của Sở Cảnh sát New York lao vào giữa đám đông biểu tình. Số khác chứng kiến cảnh sát Los Angeles bắt giữ chủ các cửa hàng da màu.
Tình trạng bạo lực từ bên trong biểu tình đã khiến Tổng thống Donald Trump cảnh báo dùng quân đội để dẹp bạo loạn. Tổng thống Trump ngày 1.6 khẳng định ông sẽ triển khai hàng nghìn binh sĩ và lực lượng thực thi pháp luật được vũ trang đầy đủ để ngăn chặn bạo lực ở thủ đô Washington, đồng thời cam kết thực hiện hành động tương tự ở các thành phố khác nếu các thị trưởng và thống đốc thất bại trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các đường phố.
Nhiều thành phố đã phải áp dụng lệnh giới nghiêm hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp.
Vòng luẩn quẩn cảnh sát dùng bạo lực gây chết người (chủ yếu là người da màu) dẫn tới biểu tình bạo lực, rồi cảnh sát lại dùng bạo lực với người biểu tình ngày càng khoét sâu bất bình đẳng sắc tộc ở Mỹ.
Cần thời gian
Phản ứng của dư luận với cái chết của Floyd rất nhanh và mạnh. Chính trị gia, người nổi tiếng, vận động viên cùng nhiều nhân vật của công chúng đã bày tỏ quan điểm. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra một tuyên bố dài kêu gọi Mỹ xây dựng một “bình thường mới” cho người Mỹ da màu.
Tuy nhiên, thiết lập “bình thường mới” cho người Mỹ da màu không đơn giản. Theo ông Scott Thomson, cựu cảnh sát trưởng thành phố Camden (bang New Jersey), mối quan hệ giữa người biểu tình và cảnh sát từ trước tới nay trong lịch sử luôn căng thẳng. Ông nói: Với cảnh sát, có tâm lý sai lầm là "nếu chúng tôi dùng vũ lực ngay lập tức, chúng tôi sẽ ngăn chặn hành vi tội phạm”.
Cũng có ý kiến cho rằng chính sách tại các sở cảnh sát thường đúng đắn nhưng không được tuân thủ và thường bị hiểu sai. Theo ông Jason Johnson, người có 20 năm làm việc tại sở cảnh sát hạt Prince George ở Maryland, một trong những thách thức lớn nhất với các sở cảnh sát là huấn luyện cảnh sát cách sử dụng vũ lực đúng cách.
Hàng chục bang ở Mỹ yêu cầu tập huấn cảnh sát cách giảm leo thang căng thẳng, trong đó họ phải học kỹ năng giao tiếp để tháo ngòi nổ những tình huống nguy hiểm.
Ông Johnson cho biết tiêu chuẩn trong huấn luyện cảnh sát là dựa vào kịch bản nhưng rất tốn kém, cần ngân sách lớn hơn. Do đó, ông nói: “Cần nhiều thời gian để cả một sở cảnh sát phải trải qua một hình thức huấn luyện mà sau này thực sự sẽ thay đổi hành vi của họ”.
Gốc rễ là phân biệt chủng tộc
Theo tờ Vox, ngoài các cuộc tranh luận về người biểu tình bạo lực và cảnh sát bạo lực, ta cần nhìn vào gốc rễ của vấn đề, đó là nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ và cách người da màu bị đối xử ở Mỹ.
Có nhiều dữ liệu cho thấy lực lượng thực thi pháp luật có xu hướng nhằm vào người da màu và đối xử bất công với họ. Nguy cơ người da màu bị cảnh sát giết hại là 1:1.000. Người da màu dễ bị cảnh sát kiểm tra nhiều gấp 2 lần người da trắng. Họ cũng bị tống giam nhiều hơn, chịu án tù lâu hơn.
Phân biệt chủng tộc ở Mỹ không chỉ dừng lại trong vấn đề tư pháp hình sự. Bất công còn hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực đời sống Mỹ. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở người da màu cao hơn người da trắng. Các lệnh phong tỏa phòng dịch cũng khiến người da màu bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt kinh tế. Điều này đúng ở Minnesota, nơi Floyd sinh sống. Người Mỹ da màu và gốc Tây Ban Nha bị sa thải nhiều hơn trong đại dịch. Đó là điều đã xảy ra với Floyd.
Khi biểu tình ở Mỹ bị biến tướng thành bạo loạn, người ta dễ quên đi vấn đề thực sự: Hàng thế kỷ phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ vẫn tiếp tục gây ra hậu quả nặng nề. Sau cái chết của Floyd, sẽ có nhiều Floyd nữa và sẽ có nhiều cuộc biểu tình nữa nếu không có gì thay đổi đáng kể.