Vòng xoáy dạy thêm, học thêm: tiền học thêm vài môn/tháng bằng học phí cả năm
Vòng xoáy dạy thêm, học thêm như một ma trận từ năm này sang năm khác, kéo theo rất nhiều tiền bạc của phụ huynh và thời gian của học sinh phổ thông.
Chương trình 2018 đã thực hiện ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10 với mục tiêu mà Bộ đưa ra là bỏ tính hàn lâm, chú trọng thực hành nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thế nhưng, chương trình nào cũng đang xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm. Chương trình hiện hành thì nhiều người nói nặng, chương trình mới thì nhiều người nói khó.
Đặc biệt, tính đến nay, chương trình 2006 đã được Bộ hướng dẫn giảm tải kiến thức nhiều lần mà đặc biệt là trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trong những năm, ngày 27/8/2020, Bộ đã ban hành Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH 2021 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Theo công văn này hướng dẫn, nội dung kiến thức các môn học đã được tinh giản đi rất nhiều, nhiều bài học chuyển sang đọc thêm, tự nghiên cứu, tự học có hướng dẫn, nhiều bài học được sắp xếp thành các chủ đề.
Song, dạy thêm, học thêm không hề giảm đi, học sinh vẫn phải học thêm như thường- nhất là ở khu vực đô thị và những nơi có điều kiện kinh tế phát triển hơn.
Phụ huynh ám ảnh việc đóng tiền học thêm hàng tháng cho con
Một phụ huynh có con đang theo học lớp 9 chia sẻ với chúng tôi rằng: hiện nay gia đình anh có một cháu đang học thêm 3 môn nhưng mỗi tháng phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để đóng tiền học thêm.
Môn Toán mỗi tháng 500.000 đồng; môn Ngữ văn và tiếng Anh mỗi tháng 350.000 đồng cho 3 buổi học/ tuần. Mỗi buổi có thời gian học tại nhà thầy cô là 90 phút.
Phụ huynh này chia sẻ thêm, thực lòng phụ huynh chúng tôi cũng không muốn con em mình phải tham gia học thêm vào trái buổi hoặc buổi tối. Chuyện tiền bạc tốn kém đã đành, chúng tôi cũng cảm thấy xót xa khi thấy áp lực học tập của con mình quá lớn.
Ngoài học chính khóa trên trường, học tăng tiết, ôn thi học sinh giỏi, tham gia các phong trào đoàn - đội …nên ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mà phụ huynh còn phải đưa đón rất mệt mỏi.
Sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi cũng muốn được nghỉ ngơi nhưng vì con em mình đi học thêm vào buổi tối ở nhà thầy cô nên cứ phải canh chừng để đón đưa. Ngày chủ nhật đáng lẽ các con được nghỉ nhưng rồi lịch học thêm cũng kín mít cả ngày.
Không học thêm thì không theo kịp bạn bè, vì phần nhiều giáo viên dạy thêm hiện nay là dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình nên nó có sự rích rắc giữa việc giảng dạy trên lớp và dạy thêm ở nhà thầy cô.
Việc dạy thêm, học thêm không chỉ diễn ra đối với học sinh cuối cấp, học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở mà ngay cả học sinh tiểu học hiện nay ở các thành phố cũng miệt mài học thêm - cho dù Bộ đang cấm không được dạy thêm văn hóa cho học sinh tiểu học.
Nhưng, Bộ cấm thì cứ cấm, giáo viên họ vẫn dạy thêm theo nhiều hình thức tinh vi. Em này học, kéo theo em khác và phụ huynh thấy con của bạn mình học thêm hoặc cô thầy nhắn nhủ con mình còn yếu ở môn này, môn kia nên cũng đành cho con đi học thêm cho bằng chúng bằng bạn.
Vì vậy, bức tranh dạy thêm, học thêm ở các bậc học phổ thông hiện nay khá phức tạp. Nhiều khi Ban giám hiệu nhà trường biết trong trường có giáo viên dạy thêm nhưng vì thành tích, tỉ lệ học sinh khá giỏi trong trường mà họ cũng lơ đi như không biết.
Chính vì thế, về cơ bản học sinh đang phải học thêm từ lớp 1, thậm chí là chưa vào lớp 1 đã đi học thêm cho đến khi hết lớp 12.
Tiền học phí ở các trường phổ thông công lập những năm qua ở khu vực đô thị chỉ dao động trong khoảng 450-900 ngàn đồng, vùng nông thôn mỗi năm chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng riêng tiền học thêm mỗi tháng cho 2-3 môn học cũng đã bằng số tiền này, thậm chí gấp nhiều lần.
Tất nhiên, ngoài tiền học thêm, phụ huynh còn phải đóng rất nhiều những khoản tiền khác như học phí; các loại bảo hiểm bắt buộc; tiền xã hội hóa giáo dục; tiền đóng góp cho các phong trào; sách vở; áo quần đồng phục…
Vì vậy, chi phí học tập cho học sinh phổ thông hiện nay không hề nhỏ và những gia đình khó khăn sẽ đuối sức trước rất nhiều các khoản tiền trường, tiền học thêm…
Những hệ lụy của việc dạy thêm, học thêm hiện nay
Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ năm 2012, Bộ đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm nhưng thông tư này cũng chỉ cấm dạy thêm các môn văn hóa ở tiểu học.
Về cơ bản, giáo viên muốn dạy thêm hiện nay rất dễ dàng. Họ có thể mở lớp tại nhà nếu như gần trường, nếu xa trường họ có thể thuê một nhà của dân lân cận trường để dạy thêm. Một số giáo viên họ thuê chung một căn nhà, sau đó sẽ bao trọn gói nhiều môn học.
Về cơ bản, việc dạy thêm ngoài nhà trường hiện nay là dạy trước chương trình nên khi học sinh vào học chính khóa thường rất thờ ơ đối với lời thầy cô giảng bài vì các em đã biết trước.
Thậm chí, bài kiểm tra cũng biết trước nên dẫn đến học sinh không còn thích thú khi nghe thầy cô giảng dạy trên lớp.
Một bộ phận học sinh cũng mất dần động lực học tập.
Điểm số thường xuyên, định kỳ thường những em học thêm đều đẹp. Điểm tổng kết học kỳ, năm học cũng đa phần khá và giỏi vì nhiều em vào làm bài kiểm tra chỉ là tái hiện lại những gì thầy cô đã “ôn tập” ở lớp học thêm.
Chỉ một đơn vị kiến thức nhưng phụ huynh đang phải trả tiền nhiều lần, cả học chính khóa, cả học thêm ở nhà thầy cô, thậm chí nhiều trường cũng đang mở lớp dạy thêm trái buổi tại nhà trường nhằm cải thiện thu nhập cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường với cụm từ “phụ đạo trái buổi” hoặc “ôn tập kiến thức” cho học trò.
Trước thực trạng như hiện nay, chưa biết lúc nào mới chấm dứt được việc dạy thêm, học thêm khi cả nhà trường, phụ huynh vẫn còn nặng điểm số, danh hiệu học tập. Đặc biệt là khi triển khai chương trình mới với nhiều môn học mới, phương pháp dạy và học mới thì đây cũng là những lý do cơ bản để thầy cô mở lớp dạy thêm cho mình.
Vòng xoáy dạy thêm, học thêm như một ma trận từ năm này sang năm khác, kéo theo rất nhiều tiền bạc của phụ huynh và thời gian của học trò. Thông thường, khi học sinh học giỏi, học khá thì không cần phải học thêm nhưng bây giờ thì hoàn toàn khác.
Nhìn vào báo cáo của nhà trường vào cuối năm học đa phần học sinh được xếp loại khá và giỏi nhưng học sinh vẫn đi học thêm như thường. Nghịch lý này đã và đang tồn tại hàng chục năm nay và chắc cũng rất khó thay đổi trong thời gian tới.