Vosco đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 323 tỷ
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Vosco là tổng doanh thu giảm xuống 2.440 tỷ đồng song lợi nhuận trước thuế tăng 61% lên 323 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.440 tỷ đồng, giảm gần 30% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, doanh thu vận tải là 1.325 tỷ đồng, giảm 34%; còn đội tàu dự kiến đem về 842 tỷ, giảm 26%.
Mặc dù vậy, lợi nhuận trước thuế của Vosco kỳ vọng tăng 61%, tương đương với lợi nhuận trước thuế đạt mức 323 tỷ đồng.
Hồi năm 2023, VOSCO ước tính sản lượng vận chuyển năm 2023 ở mức 6.6 triệu tấn, bằng 99.8% năm trước. Tổng doanh thu đạt 1,597 tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện năm 2022, doanh thu vận tải đóng vai trò chủ chốt mang về 1,506 tỷ đồng (chiếm 94% tổng doanh thu). Lợi nhuận trước thuế dự kiến 198 tỷ đồng, giảm 67%.
Vosco thông báo rằng, trong năm 2024, công ty sẽ tập trung vào phát triển đội tàu, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, tập trung nguồn lực tài chính để tìm, thuê thêm tàu để khai thác với nhiều hình thức khác nhau.
Hiện tại, công ty đang thuê bareboat (thuê tàu trần) 2 tàu dầu sản phẩm cỡ 50.000 DWT, 2 tàu dầu/hóa chất cỡ 13.000 DWT và một số tàu hàng khô theo hình thức voyage relet (thuê tàu theo chuyến).
Năm nay, Vosco sẽ bán tàu dầu sản phẩm Đại Minh, trọng tải 47.148 DWT đóng năm 2004 tại Nhật Bản do tàu đã trên 20 tuổi, là tuổi cao, khó có thể khai thác hiệu quả do đặc thù của tàu dầu sản phẩm. Ngoài ra, công ty dự kiến sẽ trả lại 2 tàu Đại An, Đại Phú trong năm 2024 do hết hợp đồng thuê.
Trước Vosco, một công ty vận tải biển khác đã công bố kế hoạch năm 2024 là CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) khi đề ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 11% còn 344 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu dự kiến tăng 32% lên hơn 3.502 tỷ đồng. Hải An dự kiến sản lượng từ khai thác tàu sẽ tăng 60% lên 702.000 TEUS, còn sản lượng cảng và depot mục tiêu tăng 8 - 13%.
Các chuyên gia đánh giá, thị trường vận tải biển nói chung cũng như vận tải container nói riêng trong năm 2024 so với năm 2023 sẽ có xu hướng ổn định và tăng nhẹ về giá cước vận tải cũng như giá thuê tàu, song sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Chẳng hạn, nguồn cung đội tàu sẽ tăng mạnh trong năm 2024 do số lượng tàu giao mới dự kiến sẽ chiếm 10,4% tổng nguồn cung đội tàu với tổng cộng 2,95 triệu TEU, cao nhất kể từ năm 2010. Theo Clarkson, nguồn cung dự kiến sẽ vượt 3,1% nhu cầu trong năm 2024.